Tiếng Việt | English

27/03/2019 - 09:16

Bàn về nghề chơi sinh vật cảnh

“Nghề chơi cũng lắm công phu”, nghề chơi sinh vật cảnh (SVC) càng công phu hơn để tạo ra tác phẩm nghệ thuật làm đẹp cho đời. Tuy nhiên, đã đến lúc phải xem SVC là một ngành kinh tế.

Vẻ đẹp của cây kiểng mai chiếu thủy

Vẻ đẹp của cây kiểng mai chiếu thủy

Đến cuối năm 2018, có 11/15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Long An thành lập hội hoặc chi hội SVC. Ngoài ra, còn hình thành 8 chi hội chuyên ngành gồm: Cá, chim, gà kiểng, gỗ, đá mỹ nghệ, bonsai, sứ Thái, hoa lan,... Tại Hội SVC tỉnh còn có 2 câu lạc bộ (CLB) Bonsai Thanh Tâm và Thư pháp Hồn Chữ Việt. Huyện Cần Giuộc thành lập 8 CLB SVC, huyện Cần Đước thành lập 2 CLB

Dịp Xuân Kỷ Hợi 2019, Hội SVC tỉnh và các hội, chi hội SVC thành phố, huyện, thị xã tích cực tham gia trang trí đường hoa, mở hội hoa xuân, tổ chức thi và trưng bày SVC để phục vụ công chúng vào các ngày lễ, tết hoặc sự kiện lớn trong năm. Năm 2018, Hội SVC tỉnh tổ chức thành công Hội thi - triển lãm SVC (từ ngày 12 đến 19/11/2018) tại Công viên TP.Tân An. Ngoài 13 hội, chi hội, CLB SVC trực thuộc Tỉnh hội, còn có sự tham gia của 12 hội và CLB SVC các tỉnh, thành miền Đông và miền Tây Nam bộ với tổng số 107 tác phẩm bonsai, 16 tác phẩm tiểu cảnh, non bộ, gỗ mỹ nghệ - điêu khắc,... Có 56 tác phẩm đoạt giải. Ngoài ra, còn có hàng trăm nhà vườn trong và ngoài tỉnh đưa sản phẩm hoa kiểng đến trưng bày, giao lưu.

Năm 2018, Hội SVC tỉnh đưa các tác phẩm dự thi và sản phẩm trưng bày, giao lưu với nhiều tỉnh, thành miền Đông, miền Tây Nam bộ và đạt các thứ hạng cao. Không chỉ là “nghề chơi”, SVC còn là một ngành mà TP.HCM đưa vào hàng kinh tế mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp. Theo Tạp chí Hoa lan Cây cảnh của Hội Hoa lan Cây cảnh TP.HCM, hội thường mở các hội thảo chuyên đề vốn ưu đãi để thực hiện các mô hình SVC và có chủ trương hỗ trợ phát triển ngành hoa cảnh, cho vay vốn ưu đãi thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất,...

Một góc khu tác phẩm sinh vật cảnh dự thi tại Hội thi 2018 của Hội Sinh vật cảnh Long An

Một góc khu tác phẩm sinh vật cảnh dự thi tại Hội thi 2018 của Hội Sinh vật cảnh Long An

Tại Long An, mấy năm nay, cơ sở lai tạo, nhân giống và ươm nuôi cá cảnh của kỹ sư Hồ Nhuận Đăng Sơn (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội SVC tỉnh) rất thành công, xuất nhiều lứa cá cảnh ra thị trường. Cơ sở này được UBND tỉnh tặng bằng khen. Tuy nhiên, nhiều nhà vườn hoa lan, cây cảnh nằm rải rác trên địa bàn TP.Tân An và một số huyện vẫn còn mang tính tự phát, manh mún,... Phần lớn nghệ nhân, người chơi kiểng ở Long An đều là “tài tử” chứ ít có “nhà nghề” (hiểu tài tử là sản xuất để chơi; nhà nghề là sản xuất để bán). Chi hội trưởng Chi hội SVC thị xã Kiến Tường - Nguyễn Thành Đồng trăn trở: “Ở thị xã Kiến Tường, có rất nhiều người trồng mai vàng rồi đem bán “thô”. Các nhà vườn ở Bến Tre đến mua, đem về chế tác thành kiểng đẹp, người Kiến Tường mua lại với giá khá cao”. Chính vì thế, ông phối hợp Trường Trung cấp Nghề Kiến Tường mở lớp dạy kỹ thuật trồng và tạo tác mai kiểng. Mới đây, tại cuộc hội nghị của Hội SVC tỉnh có đại diện Ban Dân vận Tỉnh ủy, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Làm vườn tỉnh, nhiều ý kiến đề xuất nên học tập cách làm của TP.HCM để SVC Long An phát triển vừa làm đẹp cảnh quan môi trường, vừa phát triển kinh tế, để chơi mà “hái ra tiền”./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết


Đón xem kết quả xsmb siêu chuẩn