Tiếng Việt | English

29/01/2017 - 06:00

Những người chưa có mùa xuân

Tết là dịp để người người, nhà nhà cùng nhau sum họp, đoàn viên sau một năm miệt mài với guồng quay của cuộc sống. Thế nhưng, có những người, ngày xuân cũng như bao ngày bình thường khác, vẫn là những ngày dài tất bật mưu sinh,...

Sau một buổi sáng mệt nhoài, loay hoay bưng bê mấy thùng bia, nước ngọt rồi tiếp tục gói quà tết bán cho khách về quê, anh Lê Minh Trung chia sẻ: “Cả năm dài buôn bán nhưng mấy ngày tết là “làm ăn” khấm khá nhất nên vợ chồng tôi vẫn không nghỉ, tranh thủ bán được lúc nào hay lúc ấy, qua tết mình nghỉ…bù!”.


Cửa hàng tạp hóa của anh Lê Minh Trung vẫn “mở cửa” suốt tết để có thêm thu nhập, trang trải cho gia đình

Trước đây, anh Trung làm mướn, phụ hồ, việc làm không ổn đinh, bữa có bữa không. Vợ anh thì một buổi bán vé số, một buổi nhận hột điều về lột gia công tại nhà nên thu nhập rất bấp bênh. Khi người em trai bị bệnh, sang lại cửa hàng tạp hóa nhỏ ven QL1 ở phường 5, TP. Tân An, tỉnh Long An, vợ chồng anh mượn thêm 20 triệu đồng làm vốn để lấy hàng về bán trong dịp tết.

Năm nay là năm đầu tiên có cửa hàng riêng của mình, anh chị sẽ không nghỉ tết mà ở lại bán suốt kiếm thêm thu nhập. “Mấy hôm đắt khách, có khi bán được hơn chục giỏ quà, 5-7 thùng bia, nước ngọt chứ ngày thường chỉ bán lai rai mấy chai sâm lạnh, nha đam ở nhà nấu, vài cái card điện thoại với khẩu trang, bao tay,… thì biết bao giờ thu hồi vốn”. – Chị Thúy, vợ anh Trung bộc bạch.

Góc đường gần cửa hàng của vợ chồng anh Trung là nơi “bác tài” xe ôm Nguyễn Văn Thành “tập kết” đón khách suốt hơn 15 năm qua. Nhà gần nên mọi năm, anh Thành vừa ăn tết vừa tranh thủ vài “cuốc” xe khi có khách quen gọi. Riêng năm nay, vợ anh bị bệnh không thể tiếp tục buôn bán, kinh tế eo hẹp hơn nên anh quyết định “trực chiến” suốt tết. “Ngày tết, nhu cầu đi lại của người dân nhiều hơn nên mỗi ngày cũng “bỏ túi” được vài trăm lo cho gia đình. Ngoài khách vãng lai, tôi còn có “mối” quen thường gọi giao hàng thuê ở TP.HCM. Năm nay, vợ bệnh, con đi lấy chồng xa không về ăn tết nên mình lấy công việc làm niềm vui. Chở người khách an toàn về đến nhà, sum họp gia đình mình cũng vui lây. Có khách “sộp” còn “boa” thêm 5, 10 ngàn, vậy mà vui!”

Những ngày xuân cũng là thời điểm mọi người chi xài thoải mái hơn, nhu cầu mua vé số đón tài lộc cũng nhiều hơn. Do đó, trong mấy ngày tết, khắp các ngả đường, những người bán vé số dạo cũng là hình ảnh rất đỗi quen thuộc.


Bà Đinh Thị Thơm vẫn đi khắp các ngả đường bán vé số dạo trong những ngày tết

Ngồi nghỉ mệt dưới bóng cây sau một buổi sáng lội bộ hơn chục cây số, chị Đinh Thị Thơm (ngụ ấp Chánh, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) nói: “Mấy ngày tết bán được nhiều hơn ngày thường nên tôi vẫn không nghỉ ngơi gì hết, lãnh bao nhiêu vé là bán đủ bấy nhiêu chứ không trả lại cho đại lý. Mỗi ngày, tôi bán được khoảng 100 tờ, riêng ngày tết thì bán được nhiều hơn. Bán vé số, tôi chẳng mong gì hơn là khách hàng trúng số, có lộc đầu năm. Tôi từng bán cho khách trúng rất nhiều giải, chỉ có độc đắc là chưa. Có bữa, tôi cũng giữ lại 1, 2 tờ cầu may, chẳng xin trúng độc đắc, chỉ cần đủ vài chục triệu trả nợ là được!”.

Quê gốc của bà ở huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Cha là liệt sĩ, hy sinh khi bà vừa chào đời nên từ nhỏ bà không biết mặt cha. Bà tha hương nơi đất khách mấy chục năm nay và cũng ít khi về quê, nhất là dịp tết. Từ khi chồng bị xuất huyết não, không còn khả năng lao động, hơn 7 năm, bà chưa về thăm quê. Bà có 2 người con đều làm thuê, làm mướn. Trước đây, gia đình bà Thơm cũng có nhà cửa ổn định, từ khi người con gái làm ăn thua lỗ, bà phải cầm cố căn nhà rồi đi thuê trọ. Giờ đây, mong ước lớn nhất của bà là có đủ khả năng trả nợ, có được căn nhà để gia đình sum họp, đầm ấm bên nhau.

Với những người còn nặng gánh lo toan miếng cơm, manh áo, mùa xuân chỉ thực sự đến và có cái Tết trọn vẹn khi có cuộc sống đủ đầy, được bữa cơm no, chiếc áo ấm, sum vầy bên mái ấm gia đình. Còn bây giờ, dù là ngày xuân, họ vẫn miệt mài lau vội mồ hôi để tiếp tục chặng đường mưu sinh phía trước. Với họ, mùa xuân sẽ gần hơn khi có sự chung tay góp sức của xã hội, cộng đồng cùng sự nỗ lực vươn lên của chính bản thân và gia đình. 

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết