Những người thầm lặng ngoài đường phố
Họ, những công nhân vệ sinh không quản ngày đêm, lặng thầm quét dọn rác trên mọi ngả đường, các con hẻm, các khu dân cư trong thành phố. Và họ cũng chính là những người gặp không ít rủi ro, khó khăn, phức tạp khi phải thức khuya, dậy sớm.
Chia sẻ cùng chúng tôi, chị Võ Thị Điều, sinh năm 1969, nhà ở đường Huỳnh Văn Tạo, phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An cho biết: "Tôi gắn bó với nghề làm công nhân vệ sinh này 14 năm. Rất nhiều năm, tôi đón giao thừa ngoài đường phố. Đổi lại, niềm vui của chúng tôi chính là nhìn thấy những con đường sạch sẽ, thoáng đãng khi ngày mới bắt đầu".
Nỗi nhọc nhằn của những công nhân vệ sinh đường phố, nhất là trong đêm giao thừa
Có thể với nhiều người, những con đường ngập tràn lá vàng rơi là sự lãng mạn, là một nét đẹp của thành phố nhưng chính những chiếc lá này làm những công nhân như chị Điều thêm phần vất vả. Gom xong đám lá vừa rụng cũng là lúc đám lá khác rơi xuống.
Chưa hết, công việc của họ "buồn nhất" là khi vẫn còn người có thái độ, hành động xúc phạm đến nghề nghiệp của mình. Không những vậy, sự nguy hiểm cũng luôn cận kề với những người làm nghề này. Bên cạnh đó là những căn bệnh nghề nghiệp: Viêm mũi, đau khớp, đau mắt,... Dù mồ hôi ướt đẫm trên lưng áo nhưng các công nhân vệ sinh môi trường vẫn vui vì được góp sức làm đẹp phố phường.
Trong buổi tối đi cùng “những người làm đẹp phố phường”, chúng tôi bắt gặp một hình ảnh đẹp. Chị Võ Thị Điều là công nhân vệ sinh phụ trách quét dọn đoạn đường Nguyễn Thông từ ngã tư Kỳ Son đến Bệnh viện Đa khoa Long An, nhưng 14 năm qua, chị không hề đơn độc mà luôn có chồng chị làm bạn đồng hành.
Anh Trương Văn Thạch, sinh năm 1968 - chồng chị Điều tâm sự: "Tôi cũng là công nhân của Công ty Công trình đô thị nhưng ở tổ khác. Mỗi đêm, thay vì ở nhà nghỉ, tôi lại cầm chổi đi quét dọn phụ bà xã. Có 2 người làm sẽ nhanh hơn, vả lại ban đêm, ban hôm, để bà ấy làm một mình, tôi không an tâm. Tôi nghĩ, công việc nào cũng cần tinh thần trách nhiệm cao nên khi cầm chổi lên là tôi phải quét thật chu đáo. Và vui lắm khi nhìn lại những con đường sạch sẽ, nhất là mỗi năm khi tết đến, vợ chồng tôi thức đón giao thừa ngoài đường phố, để rồi sáng mùng 1 tết, niềm vui như nhân lên gấp bội khi nhìn thấy những con đường sạch, đẹp có bàn tay đóng góp của mình".
Đêm khuya, lúc mọi người bình yên chìm vào giấc ngủ, đó lại là lúc những công nhân vệ sinh khoác lên người bộ quần áo bảo hộ lao động và cầm chổi ra khỏi nhà. Họ bắt đầu công việc của mình một cách lặng lẽ.
Những công nhân quét rác, dọn vệ sinh này không quản ngày đêm, thầm lặng, miệt mài quét dọn, thu gom rác trên mọi ngả đường, ngay cả đêm giao thừa, khi mọi người sum họp, vui vầy bên gia đình. Chúng tôi hiểu, phía sau nỗi nhọc nhằn của các anh, chị là gánh nặng mưu sinh, là học phí cho con, là tiền phụng dưỡng cha mẹ,... Công việc vệ sinh đường phố rất cực nhọc, nặng nề nhưng nhiều công nhân vẫn bám trụ với nghề. Bởi với họ, công việc này không chỉ là kế sinh nhai mà còn góp phần làm đẹp cho đời.
Anh Đỗ Ngọc Tân, sinh năm 1983, ở ấp Bình Nam, xã Bình Tâm, TP.Tân An chia sẻ: "Tôi vào nghề được 6 năm, làm trong đội vận chuyển, thu gom rác của Công ty Công trình đô thị. Tối 30 tết cho đến tận phút giao thừa, tôi và một số đồng nghiệp phải làm việc liên tục để "trả lại" không gian xanh, sạch, đẹp cho phố phường vào ngày đầu năm mới. Khi mới vào làm, nhiều cái tết, tôi cũng "chạnh lòng" vì không được quây quần, sum họp bên người thân. Nhưng riết rồi cũng quen và thấy gắn bó với nghề hơn, vì nghĩ đơn giản, mình góp một phần công sức nhỏ bé làm đẹp cho đời".
Khi công nhân vệ sinh giao ca cũng là lúc TP.Tân An thức giấc rộn ràng chào đón một ngày mới. Phía sau vẻ sạch đẹp, thoáng đãng ấy có những giọt mồ hôi mặn đắng và cả những "tủi hờn" trong đêm 30 tết của những công nhân vệ sinh.
Đêm trắng trong bệnh viện
Đã chọn nghề y thì hiếm có y, bác sĩ nào không một lần đón tết trong bệnh viện. Thời khắc đầu tiên của năm mới khi người người sum vầy bên gia đình thì các y, bác sĩ vẫn hết mình với công việc.
Khi người người sum vầy bên gia đình thì các y, bác sĩ vẫn hết mình với công việc
Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Long An - Bác sĩ Vũ Văn Bến chia sẻ: “Đã làm nghề thầy thuốc thì ngày tết cũng như ngày thường. Dù biết rằng, phút giây đón giao thừa bên gia đình là quý giá nhất nhưng chọn nghề này thì phải làm việc hết trách nhiệm, đúng với đạo đức nghề nghiệp của mình. Những ngày này, chúng tôi phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách từng khâu trong khám và điều trị bệnh, không để xảy ra sai sót trong chuyên môn. Vất vả là thế nhưng niềm vui lớn nhất của thầy thuốc chính là cấp cứu thành công, “giành giật” được sự sống cho bệnh nhân từ bàn tay tử thần. Để có không khí tết, hàng năm, Ban Giám đốc đều tổ chức họp mặt đón giao thừa trong bệnh viện. Y, bác sĩ Khoa Nhi chia nhau xuống dự họp mặt để có thêm niềm vui, giảm bớt áp lực trong công việc”.
Trưởng khoa Sản Bệnh viện Đa khoa Long An - Bác sĩ Nguyễn Thị Ánh bày tỏ: “Được sinh ra vào ngày 30 tết; vì vậy, khi trực vào ngày cuối năm, tôi được đồng nghiệp trong khoa tổ chức sinh nhật và cùng nhau đón giao thừa. Thế nhưng, không phải lúc nào sinh nhật cũng được tổ chức trọn vẹn. Tôi còn nhớ, có lần đồng nghiệp hẹn nhau sau khi sản phụ là một nhân viên Khoa Nội tổng hợp sinh xong sẽ tổ chức sinh nhật cho tôi và chúc mừng đồng nghiệp “mẹ tròn, con vuông”. Thế nhưng, sinh nhật chưa tổ chức xong thì chúng tôi nhận được điện thoại đường dây nóng chuẩn bị nhận một sản phụ được chuyển từ Khoa Sản Trung tâm Y tế huyện Tân Hưng do sản giật trên thai non tháng. Vậy là cả ê kíp trực phải lao vào cấp cứu thai phụ. Cấp cứu thành công cho mẹ và bé thì thời khắc giao thừa cũng đã qua. Thầm nghĩ, trong khi mọi người đón tết trong tiếng chúc mừng, cùng nhau tâm sự những câu chuyện đầu năm mới thì chúng tôi lại đón tết trong tiếng khóc của một sự sống mới, chào đời vào giây phút thiêng liêng. Sản phụ ấy hiện nay là một phụ nữ khỏe mạnh và đứa con năm ấy giờ là một đứa trẻ thông minh, lanh lợi. Đó chính là niềm vui và hạnh phúc khó quên của những người chọn nghề y như tôi”.
Những công nhân vệ sinh đường phố, y, bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang,... trong ca trực đêm giao thừa và những ngày tết mặc dù đón tết muộn hơn bao người khác nhưng ở họ luôn rạng ngời niềm vui vì góp phần mang đến mùa xuân cho đời./.
Song Hồng - Ngọc Mận