Ban Tổ chức, doanh nghiệp cùng nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang đi khảo sát thực tế cầu tạm
Từ một chuyến về thăm Đức Huệ
Nhiều người chắc chắn không biết chương trình Cầu nông thôn do Tạp chí Nông thôn Việt phát động khi nào, những ai đã khởi xướng ý tưởng và tổ chức thực hiện. Câu chuyện đó bắt đầu vào một ngày đầu tháng 9/2016, đoàn khảo sát chương trình xây dựng nông thôn mới đến thăm xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Trong đoàn có nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang cùng Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt - Nguyễn Đức Quang và một số lãnh đạo doanh nghiệp.
Trao đổi với đoàn, bà Nguyễn Thị Nhiều - Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, kể về những khó khăn, trăn trở trong thực hiện chương trình nông thôn mới, nhất là giao thông nông thôn, bởi nơi đây có nhiều kênh, rạch nhưng cầu cây tạm bợ cũng còn nhiều. “Tôi ghé tai nói nhỏ với anh Tư Sang (nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang) về ý tưởng vận động thực hiện chương trình xây dựng cầu nông thôn ở vùng biên giới, khó khăn. Nghe xong, anh Tư Sang suy nghĩ một lúc rồi bảo, tôi nghiên cứu thêm để xem tính khả thi, nếu được thì bắt tay vào thực hiện” - Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt - Nguyễn Đức Quang nhớ lại.
Ngay hôm đó, hai doanh nghiệp đi trong đoàn quyết định tài trợ 4 cây cầu cho 2 huyện Đức Huệ và Vĩnh Hưng, trị giá mỗi cây cầu 200 triệu đồng. Chưa đầy 1 tháng sau, ngày 05/10/2016, Tạp chí Nông thôn Việt chính thức phát động Chương trình Cầu nông thôn và khởi công cây cầu đầu tiên có tên Bảy Mình tại xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ. Kể từ đó, một chương trình ý nghĩa - xây cầu cho vùng biên giới, khó khăn ra đời.
Cây cầu Bảy Mình dài 26,5m, rộng 3,2m, tổng vốn đầu tư 450 triệu đồng. Sau 3 tháng thi công, cây cầu hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại, vận chuyển hàng hóa cho khoảng 1.000 người dân trong khu vực. Trong ngày khánh thành, từ nguồn vận động hơn 1,8 tỉ đồng, Ban Tổ chức tiếp tục phát lệnh khởi công thêm 1 cầu, 3 cống tại xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ.
Khởi công xây dựng cầu nông thôn
Cứ thế, chương trình Cầu nông thôn không chỉ gói gọn tại địa bàn Đức Huệ mà còn về với 5 địa bàn biên giới khác của tỉnh là huyện Thạnh Hóa, Mộc Hóa,
Vĩnh Hưng, Tân Hưng, thị xã Kiến Tường và được triển khai, mở rộng ở nhiều khu vực vùng sâu, biên giới các tỉnh thuộc khu vực sông nước Đồng bằng sông Cửu Long cho đến nay.
Sức sống của chương trình
Ngoài Tạp chí Nông thôn Việt, chương trình có sự đóng góp rất lớn từ một người con ưu tú của quê hương Long An - nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang. Bác Tư Sang chính là “linh hồn” và nhân vật chủ đạo của chương trình khi kết nối nhiều doanh nghiệp cùng tham gia hỗ trợ làm cầu. Hình ảnh bác Tư Sang giản dị, đầu đội mũ tai bèo, chân mang dép đi đến những con đường đất nhỏ, hẹp, bụi bặm vào mùa nắng, lầy lội vào mùa mưa để trực tiếp khảo sát, kêu gọi tài trợ xây cầu trở nên quen thuộc, thân thương.
“Hình ảnh bác Tư Sang giản dị, gần gũi, nhiệt tình và luôn trăn trở, chăm lo đời sống người dân vùng sâu, biên giới để lại cho chúng tôi nhiều cảm phục. Qua đó, chúng tôi tự nhủ phải nỗ lực, phát huy trách nhiệm trong việc xây dựng thêm nhiều tuyến đường, cây cầu nối nhịp bờ vui cho người dân vùng sâu, biên giới đi lại, vận chuyển hàng hóa” - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Nguyễn Hoài Trung bày tỏ.
Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, người dân dự lễ khánh thành cầu
Còn với đơn vị tổ chức, cá nhân Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt - Nguyễn Đức Quang lại có nhiều câu chuyện, kỷ niệm trong quá trình “hợp tác” xây cầu nông thôn với bác Tư Sang. Theo ông, mỗi lần làm cầu là nguyên Chủ tịch nước lại nôn nao như mình sắp được thụ hưởng. Cứ ít hôm, chưa thấy anh em báo cáo, bác Tư nhắn tin, gọi điện hỏi về tiến độ làm cầu, còn khó khăn, vướng mắc gì. Nhiều hôm, nửa đêm mở điện thoại, ông vẫn thấy tin nhắn của nguyên Chủ tịch nước nhắc nhở quan tâm thực hiện cây cầu này, cây cầu kia bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Ông Quang bảo rằng, tinh thần và thông điệp mà nguyên Chủ tịch nước luôn nhắn gửi là phải làm quyết liệt, khẩn trương để bà con sớm có cầu đi lại. “Cầu tên gì, ở địa phương nào, thậm chí kinh phí đầu tư bao nhiêu, chiều dài, bề ngang thế nào, ai tài trợ, anh Tư Sang đều nhớ rất rõ, không bao giờ quên. Nếu lỡ chúng tôi sơ ý báo cáo sai là anh biết ngay. Trong quá trình thực hiện, cây cầu nào anh cũng đến tận nơi kiểm tra tiến độ, có khi còn góp ý chỉnh sửa những bất cập; khánh thành còn đến chung vui với bà con. Bây giờ tôi đi đâu xa, dài ngày là anh Tư Sang lại gọi về nhanh để làm cầu” - ông Quang cười kể.
Với sự vận động tích cực và có mặt xuyên suốt của nguyên Chủ tịch nước, đến thời điểm này, chương trình đã vận động Được 26 doanh nghiệp tham gia, cam kết tài trợ 161 cầu, cống tại các xã vùng biên giới
3 tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang với tổng vốn đầu tư hơn 172 tỉ đồng. Trong đó, riêng 7 huyện, thị xã gồm: Đức Huệ, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Tân Hưng, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An có 102 công trình, trong đó có 82 công trình cầu, cống đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Ngoài chương trình, bác Tư Sang còn vận động xây dựng 59 cầu, cống ở những xã vùng sâu ở huyện Đức Hòa.
Nghĩ lại, ngày khởi xướng, phát động chương trình Cầu nông thôn, ngay cả Ban Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt cũng chưa dám nghĩ sẽ làm được nhiều như thế! Vì vậy, chương trình được thực hiện đến bây giờ và chưa biết khi nào sẽ kết thúc nhưng với những người phát động, tổ chức thì kết quả trong thời gian qua đã thành công ngoài mong đợi ban đầu.
Để có sự thành công đó, ngoài bác Tư Sang, Tạp chí Nông thôn Việt thì không thể không nói đến các doanh nghiệp tài trợ. Tính đến nay, có 26 doanh nghiệp đồng hành với chương trình. “Vì ý nghĩa, mục đích để người dân đi lại thuận lợi, góp phần thay đổi diện mạo vùng quê nên doanh nghiệp sẵn lòng đồng hành với chương trình” - đại diện một doanh nghiệp tài trợ chia sẻ.
“Vui lắm, phấn khởi lắm!”
Hôm về dự Lễ khánh thành những cây cầu trên tuyến Kênh Ngang, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, chúng tôi nhìn thấy những ánh mắt rạng ngời, nụ cười tươi của người dân khi bước đi trên những cây cầu vừa được xây mới. Anh Nguyễn Văn Hoàng (40 tuổi) - người dân ở đây, nói: Hồi trước, đa số là cầu gỗ tạm bợ, xiêu vẹo nên đi lại rất ngán ngại, cản trở vận chuyển hàng hóa, nông sản. Lo nhất là tụi nhỏ đi học dễ bị rớt xuống kênh. “Bây giờ đã khác, có cầu rồi, phụ nữ đi chợ, con trẻ đi học, người dân đi khám bệnh, làm ruộng,… trở nên dễ dàng, an toàn hơn” - anh Hoàng phấn khởi bày tỏ.
Hình ảnh bác Tư Sang giản dị đi khảo sát, kiểm tra cầu ở biên giới đã trở nên quen thuộc
Còn chị Nguyễn Thị Hường vui vẻ chia sẻ: “Sau nhiều năm đợi chờ, giờ đây, cây cầu bêtông nối nhịp bờ vui đã trở thành hiện thực, trước vắng vẻ nhưng giờ xe máy qua lại thường xuyên”. Nhìn những chiếc xe bon bon băng qua cầu, chị Hường càng phấn khởi. Và câu nói “Vui lắm, phấn khởi lắm!” được chị và người dân ở đây nhắc đi, nhắc lại nhiều lần. Trong ngày lễ khánh thành cầu hôm ấy, người dân vui mừng, xúc động khi nghe đại diện doanh nghiệp hứa tiếp tục xem xét tài trợ xây thêm cầu.
Gần đây, trở lại cây cầu N5 tại xã biên giới Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa, chúng tôi cảm nhận nhiều thay đổi ở nơi này. “Cầu N5 được khánh thành tháng 4-2018. Từ ngày có cầu bêtông, người dân chẳng còn tốn công sức khắc phục, sửa chữa mỗi lần cầu gỗ bị hư. Giờ đây, khi đêm xuống, người dân qua lại chẳng phải lo lắng té sông, rớt cầu nữa. Làng xóm hai bên bờ kênh không còn bị ngăn cách mà đã gần nhau hơn. Cảm ơn nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang, Tạp chí Nông thôn Việt và nhà tài trợ!” - bà Nguyễn Thị Huệ bày tỏ.
Một cây cầu gỗ tạm bợ ở huyện Đức Huệ được khảo sát để xây dựng cầu bêtông thay thế
Riêng với những thành viên trong Ban Tổ chức thực hiện chương trình như bà Nguyễn Thị Quốc Hương - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt, lại càng có nhiều kỷ niệm. Thời gian trôi qua nhưng đến bây giờ, bà Hương vẫn nhớ mãi hình ảnh một cụ già lom khom đứng trên cây cầu mới xây xong, đưa vào sử dụng ngày đầu tiên giữa trời nắng chang chang ở vùng biên giới Đức Huệ, nước mắt rưng rưng vì quá vui mừng. Trò chuyện với mọi người, cụ bà bày tỏ: “Tưởng chết mà không kịp nhìn thấy cây cầu mới này hoàn thiện thì tiếc lắm! Có cầu mới bằng bêtông, tin rằng vùng sâu này rồi sẽ khác, cuộc sống của con, cháu sẽ tốt hơn nữa”.
“Lời chia sẻ đó của cụ bà như càng thôi thúc chúng tôi phải tiếp tục vận động thực hiện thêm nhiều cây cầu nối nhịp bờ vui cho những vùng còn khó khăn, khuất nẻo, căn cứ kháng chiến cũ để tặng bà con quê mình. Từ những nhịp cầu ấy, chúng tôi cũng mong sẽ lan tỏa tình người, làn gió mới góp phần thúc đẩy phát triển vùng nông thôn, cải thiện và nâng chất đời sống của người dân” - bà Nguyễn Thị Quốc Hương - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt, xúc động nói.
Vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh vẫn còn những nơi cần được xây dựng cầu để thay thế việc di chuyển bằng xuồng
Vui mừng khi thấy những nhịp cầu giữa vựa lúa Đồng Tháp Mười, ông Trần Bảo Định - một người con sống xa xứ, trong một lần trở về quê cũ ở Vĩnh Hưng, đã hoài niệm về quá khứ: “Cho dù quê nghèo của anh đã có điện, đường, trường, trạm,... nhưng, còn cầu, bao năm trầy trật và bế tắc! Nhiều lần tôi thủ thỉ: Cây cầu nối đôi bờ quá khứ - vị lai, nó nối tình, cột nghĩa. Và nếu như đường không có cầu, sông, rạch không có cầu, chân người không có cầu để bước qua... thì sẽ ra sao?”. Tôi hiểu, cả vùng đất: Vĩnh Trị, Thái Trị,... mong đợi những cây cầu. Và, những mong mỏi đó phải đợi chờ gần nửa thế kỷ, giờ đây đã trở thành sự thật, trong đó có những cây cầu được thực hiện từ chương trình Cầu nông thôn./.
Lê Đức