Mô hình trồng rau thủy canh của ông Chinh, góp phần mang lại sản phẩm sạch, an toàn cho gia đình và người dân xung quanh
Mạnh dạn đầu tư trồng rau thủy canh
Với mong muốn người dân quê mình có được nguồn rau sạch, an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe và môi trường, ông Lê Văn Chinh, ngụ xã Thạnh Hưng, mạnh dạn đầu tư hơn 130 triệu đồng trồng rau thủy canh, với diện tích 300m2. Ông Chinh trải lòng: “Đa số người dân xã Thạnh Hưng chủ yếu trồng rau theo cách truyền thống, thường sử dụng thuốc hóa học. Điều này làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Nhận thức được điều này, tôi bắt đầu trồng rau thủy canh để tự cung cấp nguồn rau sạch cho gia đình. Sau thời gian thực hiện, tôi nhân rộng mô hình để phục vụ người dân địa phương”.
Với suy nghĩ trên, ông Chinh tìm tòi, học hỏi các mô hình trồng rau thủy canh qua Internet. Và cách đây 2 tháng, ông lặn lội lên TP.HCM mua các dụng cụ cần thiết để thiết kế vườn rau thủy canh và nhờ người quen mua hạt giống ở Đà Lạt. Nhờ sự cần cù, chịu khó, ông Chinh hoàn thành vườn rau thủy canh, chủ yếu trồng các loại rau như xà lách, cải thìa, bán giá khoảng 20.000 đồng/kg, không cao hơn so với các loại rau trồng theo phương thức truyền thống.
Ông Chinh cho biết thêm: “Vườn rau thủy canh của gia đình được thiết kế gồm 13 kệ, mỗi kệ trồng 48 cây rau. Mỗi ngày, tôi thu hoạch khoảng 15kg rau, chủ yếu bán cho người dân xung quanh. Trung bình 40 ngày, sau khi trừ chi phí, gia đình lãi trên 6 triệu đồng. Mặc dù lãi ít, chậm thu hồi vốn nhưng các thành viên trong gia đình đều vui vì vừa có nguồn rau sạch cho gia đình, vừa cung cấp cho người dân xung quanh”.
Ông Chinh là một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương. Hiện nay, gia đình ông canh tác 7ha lúa, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhưng vẫn quyết định trồng rau thủy canh để phục vụ người dân. Điều này cho thấy, ông rất tâm huyết với sản xuất nông nghiệp sạch.
Tạo hướng đi mới
Những năm qua, nông dân trồng lúa thường chịu cảnh “được mùa, mất giá” và ngược lại. Mặt khác, tình hình dịch bệnh, thời tiết diễn biến bất thường ảnh hưởng đến năng suất lúa. Trước thực trạng này, ông Nguyễn Tấn Thành, ngụ ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp, mạnh dạn chuyển 7ha đất trồng lúa sang trồng quýt đường xen bưởi.
Ông Thành chia sẻ: “Sau khi tham quan mô hình trồng quýt xen bưởi ở Tiền Giang, tôi rất thích nên bàn với gia đình chuyển đổi cây trồng. Chi phí chuyển 1ha đất trồng lúa sang trồng quýt xen bưởi (từ khâu làm đất đến thu hoạch) khoảng 200 triệu đồng và gần 4 năm mới thu hoạch. Khi cây bắt đầu cho trái thì chỉ cần 1 năm, gia đình có thể lấy lại nguồn vốn ban đầu. Thấy hiệu quả, tôi tiếp tục chuyển thêm 3ha đất trồng lúa sang trồng quýt đường xen bưởi”.
Để trồng quýt xen bưởi đạt hiệu quả, ông Thành mạnh dạn thuê kỹ thuật viên của Viện Cây ăn quả miền Nam hướng dẫn trong gần 2 năm. Ngoài ra, khi quýt hay bưởi bị sâu, bệnh, ông Thành chủ động đến Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thị xã Kiến Tường để được hỗ trợ, tư vấn về kỹ thuật. Nhờ tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, vườn cây ăn trái của ông Thành phát triển tốt, quýt đường có độ ngọt không kém so với trồng ở vùng đất Tiền Giang, còn bưởi cho trái to, đều, bán được giá.
Với 10ha đất trồng lúa chuyển sang trồng quýt đường xen bưởi đang thu hoạch, bán giá 20.000 đồng/kg quýt đường, 35.000 đồng/kg bưởi, không chỉ giúp gia đình ông Thành tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động nhàn rỗi ở địa phương với thu nhập trên 200.000 đồng/ngày.
Ông Chinh, ông Thành là những nông dân chân lấm, tay bùn, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng lại dám nghĩ, dám làm, không ngại khó khăn để thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp. Những nông dân này cũng góp phần mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương./.
Lê Ngọc