Hiệu quả trồng dưa lưới thủy canh
Là người kinh doanh tự do và cũng gặt hái được nhiều thành công, thế nhưng, anh Hứa Thanh Phú, ngụ xã Long Phụng, huyện Cần Giuộc, lại quyết định rẽ hướng sang làm nông nghiệp, với mô hình trồng dưa lưới thủy canh. Nghĩ là làm, năm 2019, anh quyết định đầu tư 300 triệu đồng xây dựng nhà màng và hệ thống thủy canh hồi lưu với diện tích 1.000m2 để sản xuất dưa lưới theo hướng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Để chọn được giống dưa lưới phù hợp thổ nhưỡng, anh Phú đã trồng thử nghiệm hơn 10 loại giống khác nhau.
Anh Hứa Thanh Phú thành công nhờ trồng dưa lưới theo mô hình thủy canh, góp phần mở ra hướng đi mới cho nông dân
Theo quan sát, mô hình trồng dưa lưới của anh Phú theo hướng công nghệ cao có nhiều ưu điểm, cây dễ hấp thụ đủ dinh dưỡng, hạn chế được sâu, bệnh, nhẹ công chăm sóc, tiết kiệm được nước tưới trong điều kiện thời tiết khô hạn và biến đối khí hậu.
Anh Phú chia sẻ: “Chỉ với 1.000m2 trồng dưa lưới thủy canh, sau 3 tháng, tôi thu lợi nhuận hàng chục triệu đồng. Thấy hiệu quả, tôi tự tin mở rộng diện tích trồng dưa lưới lên 2.000m2 và đầu tư thêm nhà màng trồng rau màu với diện tích 3.000m2. Song song đó, tôi đăng ký nhãn hiệu và logo sản phẩm dưa lưới với Sở Khoa học và Công nghệ để nhận biết được thương hiệu nông sản của xã nhà; đồng thời, xét nghiệm quy trình sản xuất an toàn để làm cơ sở đăng ký tiêu chuẩn VietGAP nhằm khẳng định chất lượng sản phẩm, tạo niềm tin cho khách hàng”.
Điều đáng ghi nhận ở anh Phú không chỉ là mạnh dạn trồng dưa lưới theo hướng thủy canh mà còn ấp ủ dự định góp phần giúp người dân xã nhà thay đổi tập quán sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống, nhất là tạo ra một nơi trải nghiệm, học tập thú vị cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện.
Phó Bí thư Huyện đoàn Cần Giuộc - Đỗ Thị Thảo Phương khẳng định: “Hiện nay, dưa lưới của anh Phú đã có đầu ra ổn định, thương lái bao tiêu sản phẩm. Được biết, mục tiêu sắp tới của anh là liên kết với nông dân làm các mô hình du lịch sinh thái nhằm giúp đoàn viên, thanh niên trải nghiệm làm nông nghiệp, rèn luyện kỹ năng sống. Đây là ý tưởng mới và có nhiều triển vọng, làm phong phú thêm hoạt động Đoàn ở địa phương”.
Hướng đi mới cho cá trê vàng
Mô hình nuôi cá trê vàng của Tổ hợp tác Nuôi trồng thủy sản Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới cho nông dân trên địa bàn.
Anh Lê Văn Thông - Tổ trưởng Tổ hợp tác Nuôi trồng thủy sản Mỹ Thạnh Tây, cho biết: “Cá giống được nông dân bắt tại địa phương, sau đó ươm ra nên rất dễ nuôi, ít bệnh. Song song đó, tôi còn yêu cầu tổ viên phải nắm vững các phương thức nuôi cá thương phẩm, tạo chất lượng, không chạy theo năng suất, từ đó đầu ra cá trê vàng ổn định, giá bán dao động từ 38.000-60.000 đồng/kg. Theo tôi, trước đây, người dân Thạnh Hóa nuôi cá trê vàng bị thua lỗ vì mua con giống không rõ nguồn gốc nên tỷ lệ nhiễm bệnh cao dẫn đến hao hụt, đồng thời đầu ra không ổn định”.
Ông Phùng Văn Lăng - thành viên Tổ hợp tác Nuôi trồng thủy sản Mỹ Thạnh Tây, là một trong những người nuôi thử nghiệm cá trê vàng và gặt hái được nhiều thành công. Ông Lăng nuôi 400m2 cá trê vàng nhưng chỉ sau 3 tháng rưỡi đã thu về lợi nhuận 20 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Thấy hiệu quả, ông Lăng dự định tiếp tục chuyển thêm một phần đất sang nuôi cá.
Có thể thấy, với việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm, nhiều nông dân không chỉ có thu nhập ổn định, vươn lên ổn định cuộc sống mà còn góp phần mở ra hướng đi mới an toàn, hiệu quả cho ngành Nông nghiệp tỉnh./.
Lê Ngọc