Tiếng Việt | English

07/07/2015 - 09:27

Những quan niệm sai lầm về bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp là khi huyết áp tối đa bằng hoặc lớn hơn 140mmHg, huyết áp tối thiểu lớn hơn hoặc bằng 90mmHg trở lên. Tăng huyết áp có thể là tăng cả huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu, hoặc chỉ tăng 1 trong 2 chỉ số đó. Cần chú ý, nếu tăng huyết áp trong trường hợp huyết áp tối thiểu tăng cao là rất nguy hiểm, dễ gây tai biến.

Bệnh tăng huyết áp có triệu chứng rất nghèo nàn và phức tạp, tùy thể trạng của từng người mà có các dấu hiệu bệnh lý khác nhau. Bệnh nhẹ có các triệu chứng như: đau đầu, chóng mặt, ù tai, hoa mắt, mất ngủ... Bệnh nặng có các triệu chứng như: đau đầu dữ dội, đau vùng tim, thị lực giảm sút, thở gấp, mặt đỏ bừng hoặc tái xanh, thậm chí có thể nôn hoặc buồn nôn, hốt hoảng...

Bệnh tăng huyết áp có thể là nguyên nhân của các bệnh lý ở động mạch vành, tim, xơ cứng động mạch thận... Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp những biểu hiện của bệnh tăng huyết áp không rõ ràng, tạo cảm giác chủ quan cho người bệnh, vì thế có những lầm tưởng hết sức nguy hiểm về căn bệnh này.

Biến chứng đáy mắt ở bệnh tăng huyết áp 

 Biến chứng tim mạch ở bệnh tăng huyết áp

 

Tăng huyết áp chỉ ở người cao tuổi?

Trước đây, tăng huyết áp luôn tỷ lệ thuận với độ tuổi, nhất là vào giai đoạn lão hóa, trong đó, huyết áp tối đa tăng rõ rệt nhất, vì vậy bệnh tăng huyết áp thường gặp ở người cao tuổi nên dẫn đến quan niệm sai lầm bệnh tăng huyết áp là ở người cao tuổi.

Ngày nay, tăng huyết áp được y học chứng minh là một bệnh lý không ngoại trừ bất cứ ai. Người có huyết áp tối đa cao có nguy cơ gặp phải các tai biến nguy hiểm cao hơn so với người có huyết áp tối đa bình thường, nếu có biện pháp điều trị tốt sẽ giúp phòng ngừa được các bệnh về tim và mạch máu não đối với họ. Do đó, tăng huyết áp không phải là bệnh của người cao tuổi và càng không phải người trẻ tuổi không mắc bệnh.

Tăng huyết áp do căng thẳng thần kinh?

Nhiều người cho rằng, tăng huyết áp là do bị kích thích và căng thẳng về thần kinh, cho nên việc điều trị hết sức qua loa, chỉ điều trị khi cảm thấy khó chịu, căng thẳng tinh thần. Y học đã chứng minh, tăng huyết áp là một bệnh, có rất nhiều người sống trong điều kiện thoải mái, nhẹ nhàng nhưng vẫn bị tăng huyết áp. Thuật ngữ “tăng” ở đây có nghĩa là quá mức, còn “áp” chỉ là áp lực của dòng máu tác động lên trên thành mạch. Do đó, nếu áp lực máu tăng cao mà không có biện pháp can thiệp để hạ thấp sẽ nguy hiểm cho mạch máu, nhất là mạch máu não.

Đánh giá bệnh bằng cảm giác

Triệu chứng của bệnh tăng huyết áp và mức độ nặng, nhẹ của bệnh thường không đi đôi với nhau. Có thể triệu chứng của bệnh rất rõ ràng nhưng huyết áp lại không cao, ngược lại có những người huyết áp rất cao nhưng triệu chứng lâm sàng không rõ ràng. Do không nhận biết được chính xác các triệu chứng của bệnh, nên sẽ không uống thuốc, dẫn đến các chứng bệnh khác nhau cùng phát sinh như: tim phì đại, nhồi máu cơ tim...

Với người tăng huyết áp mà triệu chứng lâm sàng không có cũng cần điều trị giảm huyết áp một cách tích cực, điều này phụ thuộc vào tuổi tác, chỉ số huyết áp, tình trạng bị tổn thương của các phủ tạng như: tim, não, thận và các nhân tố gây nguy hiểm khác.

Tự chọn biện pháp điều trị

Không ít người, khi bác sĩ khuyên ngoài việc uống thuốc hạ huyết áp hằng ngày, cần phải thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt như giảm béo, năng tập thể dục, chế độ ăn giảm muối thì người bệnh lại chọn lấy một trong những cách trên để thay thế cho việc uống thuốc và nhất là chỉ uống thuốc cầm chừng, tức là khi nào cảm thấy “khó chịu” mới uống thuốc. Trên thực tế, những phương pháp điều trị không uống thuốc chỉ là các phương pháp bổ trợ, chứ không thể thay thế việc điều trị bằng thuốc. Cách điều trị như trên hoàn toàn sai lầm và rất nguy hiểm.

Tự ý ngưng thuốc

Rất nhiều người bị bệnh tăng huyết áp, sau khi uống thuốc một thời gian trị số huyết áp trở lại mức bình thường, thế là tự cho phép mình ngưng uống thuốc, vì nghĩ rằng đã hoàn toàn khỏe mạnh.

Trên thực tế, số người bệnh tăng huyết áp điều trị khỏi rất hiếm, vì tăng huyết áp là một loại bệnh không tìm được nguyên nhân rõ ràng, do vậy chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải điều trị lâu dài, liên tục. Trong quá trình điều trị còn phải thường xuyên kiểm tra điều chỉnh nhằm phòng chống những biến chứng do nó gây ra. Vì vậy, phần lớn người tăng huyết áp đều phải uống thuốc huyết áp suốt đời.

Qua những lầm tưởng về bệnh tăng huyết áp của người bệnh, chúng tôi muốn nhắc nhở những người chưa, sẽ và đã mắc bệnh tăng huyết áp luôn cảnh giác, thường xuyên kiểm tra sức khỏe, duy trì mức độ huyết áp bình thường là tốt nhất, huyết áp tăng cao sẽ dễ dẫn đến nhiều bệnh khác.

Tuy nhiên, không phải người có huyết áp 150mmHg thì an toàn hơn người có huyết áp 200mmHg mà sự an toàn tính mạng chủ yếu là do ý thức bảo vệ sức khỏe. Mặc dù người huyết áp cao 200mmHg nhưng biết cách giữ gìn sức khỏe, uống thuốc đều theo đúng chỉ định của bác sĩ, sống điều độ sẽ giúp huyết áp ổn định. Ngược lại, người huyết áp chỉ ở mức 150mmHg mà không giữ gìn, ăn uống vô tội vạ, không tập luyện thường xuyên rất dễ tiến triển thành bệnh nặng.

Vì thế, không phải tùy thuộc vào chỉ số huyết áp cao hay thấp mà quan trọng là phải hiểu đúng về căn bệnh này để có thái độ đúng trong việc điều trị./.

Bác sĩ Hồ Văn Cưng

Chia sẻ bài viết