Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII khai mạc vào ngày 04/10, dự kiến kết thúc ngày 10/10/2017.
Hội nghị lần này thảo luận, cho ý kiến về: Tình hình KT-XH và tài chính - ngân sách năm 2017, dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán tài chính - ngân sách năm 2018; tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;...
Một trong những nội dung được rất nhiều cán bộ, đảng viên, nhân dân mong đợi tại hội nghị là vấn đề xây dựng tổ chức bộ máy chính trị. Nhiều nhiệm kỳ qua, Đảng ta có nhiều văn bản chỉ đạo về xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tập trung lãnh đạo thực hiện với yêu cầu là tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội từng bước được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn; chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các tổ chức trong hệ thống chính trị được phân định và điều chỉnh hợp lý hơn,...
Tuy nhiên, trong thực tế, tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị còn cồng kềnh; chức năng, nhiệm vụ chồng chéo, trùng lắp, vai trò lãnh đạo, quản lý và hiệu quả hoạt động còn hạn chế; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức Đảng còn thấp. Công tác xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên ở một số địa bàn trọng yếu và trong các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài khu vực Nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu. Tổ chức bộ máy của khối MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập chậm được đổi mới; tổ chức và biên chế ngày càng phình to.Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước và người hoạt động không chuyên trách cấp xã ngày càng nhiều.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đây là vấn đề rất lớn, rất quan trọng nhưng rất khó, rất phức tạp và nhạy cảm, vì nó liên quan đến những vấn đề lý luận cơ bản về phương thức lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân; về đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế; về quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; liên quan đến quyền lợi, tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động,... được xã hội đặc biệt quan tâm.
Với những nội dung hết sức quan trọng, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân rất quan tâm, kỳ vọng vào kết quả hội nghị với niềm tin sâu sắc rằng, các đồng chí lãnh đạo của Đảng phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, đề án, dự thảo các nghị quyết, kết luận của Trung ương. Sau hội nghị, các nghị quyết đi vào cuộc sống, bộ máy trong hệ thống chính trị được tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thúc đẩy KT-XH phát triển; cán bộ, công chức nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người dân, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân./.
Kim Quy