Tiếng Việt | English

02/11/2015 - 09:10

Hội Khuyến học tỉnh Long An:

Nỗ lực chăm lo công tác khuyến học, khuyến tài

Trong nhiệm kỳ 2010-2015, Hội Khuyến học (KH) các cấp tỉnh Long An đã nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội KH tỉnh lần thứ III. Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đến nay, phong trào KH, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được giữ vững và phát triển gắn với phong trào xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới ở cơ sở. Tổ chức Hội được phủ kín trên địa bàn dân cư ấp, khu phố, trường học và mở rộng trong cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, công an, dòng họ và cơ sở tôn giáo.

Học sinh nhận học bổng

Xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ, cộng đồng khuyến học

Năm 2010, toàn tỉnh có 125.000 gia đình hiếu học, đến nay đã tăng hơn 300.000 gia đình, chiếm 80,39% tổng số hộ dân trong tỉnh. Riêng huyện Bến Lức có 5 xã có từ 85% - 97% hộ là gia đình hiếu học.

Tỉnh đã 2 lần tổ chức tuyên dương 277 gia đình hiếu học tiêu biểu xuất sắc, bình quân mỗi xã có 1 gia đình hiếu học được tuyên dương cấp tỉnh và 10 gia đình đại diện Long An tham dự Đại hội tuyên dương gia đình hiếu học toàn quốc. Riêng các huyện, thị xã, thành phố đã tuyên dương hơn 6.000 gia đình hiếu học tiêu biểu. Các gia đình này tuy có hoàn cảnh và điều kiện kinh tế khác nhau nhưng đều có điểm chung là cùng chăm lo cho các con ăn học thành đạt. Từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều gia đình thạc sĩ, tiến sĩ.

Việc xây dựng dòng họ hiếu học do điều kiện đặc thù các thành viên trong dòng họ phần lớn không sống chung trên địa bàn dân cư nên việc tổ chức còn gặp khó khăn nhưng các địa phương đã ra sức tổ chức xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học. Đến nay, có 117 dòng họ hiếu học và 169 cộng đồng khuyến học; 148 đơn vị KH.

Chúng tôi đến “gia đình cử nhân” của ông Nguyễn Văn Phương, ngụ ấp Bình Tây 2, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa. Mọi người thường gọi đùa như vậy bởi 6 trong 7 người con của ông từng là những học sinh xuất sắc và lần lượt tốt nghiệp đại học. Duy nhất người con gái thứ 3 không theo học văn hóa nhưng lại thành đạt ở lĩnh vực học nghề. Câu chuyện về gia đình nông dân hiếu học này tạo được sự chú ý của người dân trong ấp bởi ở vùng biên giới khó khăn, cuộc sống gia đình ông chủ yếu dựa vào sản xuất lúa, thế nhưng vợ chồng luôn cố gắng nuôi con ăn học thành tài. Trong căn nhà mới, ông “khoe”: “Căn nhà này cất được là nhờ vào số tiền các con gửi cho”.

Phát triển quỹ khuyến học

5 năm qua, Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho Tỉnh hội và 2 huyện Đức Hòa, Bến Lức; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua xuất sắc; bằng khen, kỷ niệm chương của Trung ương Hội; bằng khen UBND tỉnh,...và lần đầu tiên, Long An có cá nhân nhận giải thưởng KH Việt Nam.

Các cấp Hội trong tỉnh với nhiều phương thức vận động xã hội hóa giáo dục và nhận được sự đóng góp nhiệt tình của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm. Quỹ KH không chỉ được dùng để cấp phát học bổng mà còn sử dụng để xây dựng, sửa chữa trường học, đầu tư trang thiết bị dạy học.

Trong nhiệm kỳ, các cấp Hội trong tỉnh đã vận động trên 291 tỉ đồng, cấp trên 53.000 suất học bổng với số tiền trên 41 tỉ đồng; trên 332.000 phần thưởng cho học sinh giỏi, số tiền hơn 61 tỉ đồng. Trong đó, Tỉnh hội vận động, cấp hơn 3.000 suất học bổng cho học sinh, sinh viên vượt khó, hiếu học và khen thưởng cho học sinh xuất sắc với số tiền trên 5,8 tỉ đồng.

Ngoài ra, trong tỉnh còn có quỹ học bổng khuyến tài mang tên luật sư Nguyễn Hữu Thọ của Hội KH tỉnh và học bổng Võ Văn Tần, Huỳnh Văn Một của Hội KH huyện Đức Hòa; học bổng Nguyễn Văn Siêu huyện Bến Lức được tổ chức giúp đỡ cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn (riêng Quỹ học bổng Võ Văn Tần có 10 tỉ đồng).

Em Lê Thị Hồng Diễm, học sinh Trường THCS Khánh Hậu, TP.Tân An là một trong những học sinh nhiều năm liền nhận được sự hỗ trợ của Hội Khuyến học. Em sống cùng người mẹ tàn tật trong căn nhà nhỏ. Thương mẹ bệnh tật, vất vả, thương ông bà ngoại đã lớn tuổi lại phải đi mua ve chai, chạy xe ôm để lo cho mình ăn học, Diễm luôn nỗ lực trong học tập. 8 năm liền, em đạt danh hiệu học sinh giỏi. Hồng Diễm chia sẻ: “Nhiều năm nay, em nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương cùng những nhà hảo tâm đã hỗ trợ học bổng cho em, giúp em vượt qua khó khăn để tiếp tục học tập”.

Ngoài ra, các đồng chí lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo tỉnh, những người con quê hương Long An đang công tác hoặc nghỉ hưu thường xuyên vận động, tài trợ tiền, quà và trang bị hàng ngàn máy vi tính cho các trường học; xây mới trường THPT Hậu Nghĩa, THCS Thi Văn Tám, Tân Đức ở huyện Đức Hòa; Trường Tiểu học Nguyễn Văn Siêu, huyện Bến Lức; THCS Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc,... Bên cạnh đó, người dân hiến hàng chục ha đất để xây dựng trường học, lớp mẫu giáo.

Các tổ chức đoàn thể chính trị như MTTQ, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, LĐLĐ, Hội Cựu Chiến binh, Hội Người Cao tuổi,.. và các sở ngành, các công ty, doanh nghiệp hằng năm đều có chương trình cấp phát học bổng, tiếp sức học sinh nghèo vượt khó, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội KH Việt Nam, Chủ tịch Hội KH tỉnh-Phạm Thanh Phong cho biết: Ngoài các phong trào trên, nhiệm kỳ qua, Hội còn tham gia xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng. Các địa phương trong tỉnh đều xây dựng nhiều mô hình hay về công tác KH, khuyến tài. Sắp tới, Hội tiếp tục xây dựng 4 mô hình gia đình, dòng họ, đơn vị, cộng đồng học tập toàn tỉnh và thực hiện đến năm 2020 phấn đấu xây dựng thành công xã hội học tập./.

Thanh Nga 

Chia sẻ bài viết