Giới thiệu việc làm cho hộ nghèo
Với phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động đưa ra nhiều biện pháp giảm nghèo bền vững: Hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất; hỗ trợ dạy nghề; tìm việc làm,... đồng thời, huy động nhiều nguồn lực xã hội khám, chữa bệnh, phát thuốc, tặng quà, xây nhà tình thương,... cho hộ nghèo và cận nghèo.
Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội chính là điểm tựa cho người nghèo nỗ lực vươn lên ổn định cuộc sống
Huyện Cần Đước là địa phương tiêu biểu làm tốt công tác giảm nghèo. Đầu năm 2017, huyện có 805 hộ nghèo, chiếm 1,79% số hộ dân. Đến giữa tháng 9-2017, huyện giảm được 30 hộ nghèo. Để đạt được kết quả đó, phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm Long An và các doanh nghiệp giải quyết việc làm cho trên 4.800 lao động. Đặc biệt, huyện còn tích cực duy trì và thường xuyên củng cố các tổ hợp tác may gia công.
Năm 2017, toàn tỉnh có 14.198 hộ nghèo, chiếm 3,57%; 15.006 hộ cận nghèo, chiếm 3,78%. Dự kiến cuối năm 2017, giảm 0,3 – 0,5% hộ nghèo. Hầu hết hộ nghèo và cận nghèo còn trong độ tuổi lao động đều được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội hoặc được giới thiệu vào các công ty, doanh nghiệp, tổ hợp tác trên địa bàn làm việc. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã giảm qua từng năm, không xảy ra tình trạng tái nghèo. Phó Chủ tịch UBND xã Long Trạch, huyện Cần Đước - Trần Kim Hường |
Phó Chủ tịch UBND xã Long Trạch, huyện Cần Đước - Trần Kim Hường, thông tin: “Hầu hết hộ nghèo và cận nghèo còn trong độ tuổi lao động đều được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) hoặc được giới thiệu vào các công ty, doanh nghiệp, tổ hợp tác trên địa bàn làm việc. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã giảm qua từng năm, không xảy ra tình trạng tái nghèo. Đến nay, xã còn 30 hộ nghèo, chiếm 1,15%; 51 hộ cận nghèo, chiếm 1,62%. Số hộ nghèo hiện tại của xã chủ yếu là những gia đình neo đơn, bệnh tật, không có khả năng lao động. Vì vậy, xã chỉ hỗ trợ bằng các hoạt động an sinh xã hội”.
Trước đây, gia đình chị Hứa Thị Hồng Thắm (ngụ ấp Long Thanh, xã Long Trạch) thuộc diện hộ nghèo. 4 nhân khẩu trong gia đình chị sống dựa vào số tiền làm công nhân của chồng chị. Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã giới thiệu chị Thắm nhận hàng về may gia công. Nhờ vậy, chị Thắm kiếm được hơn 100.000 ngàn đồng/ngày mà có thời gian chăm sóc 2 đứa con nhỏ. Chị Thắm chia sẻ: “Nếu Hội Liên hiệp Phụ nữ xã không hỗ trợ 2 triệu đồng mua máy may nhận hàng về gia công thì gia đình tôi chắc chưa thoát nghèo. Giờ đây, cuộc sống ổn định, gia đình tôi rất phấn khởi và cảm ơn sự chung tay giúp đỡ của các cấp, các ngành”.
Tạo việc làm ổn định cho lao động nhàn rổi ở địa phương bằng việc tham gia các tổ may gia công, tổ đan lục bình,…góp phần giảm nghèo bền vững
Nhằm giúp phụ nữ nghèo làm chủ hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, đồng thời phát huy vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình và xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Vĩnh Hưng duy trì 2 tổ may gia công, 2 tổ đan lục bình, trên 10 tổ vần công,... với gần 300 thành viên tham gia. Ủy viên Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Vĩnh Hưng - Lê Thị Linh Phượng, cho biết: “Hiện nay, toàn huyện còn 477 hội viên nghèo làm chủ hộ. Các hộ này đều được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất và được giới thiệu tổ vay gia công, tổ vần công,... Qua đó, đời sống của hội viên ngày một nâng lên”.
Được vay vốn phát triển sản xuất
NHCSXH chủ động đưa 13 chương trình vay vốn kịp thời đến với người nghèo, các đối tượng chính sách. Qua 15 năm đi vào hoạt động, NHCSXH tỉnh Long An hỗ trợ vốn cho 768.037 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách với số tiền 7.803 tỉ đồng, giúp 64.780 hộ thoát nghèo; duy trì tạo việc làm cho gần 57.867 lao động; hỗ trợ xây dựng gần 13.935 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách,...
Chị Huỳnh Thanh Nga, ngụ ấp Gò Châu Mai, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Năm 2015, tôi được NHCSXH hỗ trợ vay 30 triệu đồng để nuôi bò, đồng thời Chủ tịch Hội Nông dân xã cho mượn đất làm chuồng và trồng cỏ. Từ 1 con bò ban đầu, gia đình tôi nhân giống được 3 con bò, lãi trên 30 triệu đồng. Dự kiến cuối năm 2017, gia đình tôi sẽ thoát nghèo”.
Chị Huỳnh Thanh Nga (ngụ ấp Gò Châu Mai, xã Khánh Hưng) dự kiến cuối năm 2017 sẽ thoát nghèo
Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Vĩnh Hưng - Huỳnh Trọng Tín cho biết: “Hiện nay, huyện có 10 điểm giao dịch ở 9 xã và 1 thị trấn với 158 tổ vay vốn. Để nguồn vốn đến đúng đối tượng cần vay, phòng giao dịch phối hợp các hội, đoàn thể nhận ủy thác, thường xuyên kiểm tra mục đích vay và nguyện vọng của các đối tượng vay vốn để có sợ hỗ trợ kịp thời, bảo đảm vốn vay được sử dụng đúng mục đích”.
Tuy nhiên, công tác giảm nghèo của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Một số người nghèo còn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, một vài địa phương còn chạy theo thành tích, báo cáo khống số liệu giảm nghèo; các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn chưa thu hút được hộ nghèo tham gia; tình trạng tái nghèo, phát sinh nghèo ở các địa phương còn cao,...
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Hoa Thanh Niên, cho biết: “Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2016-2020) đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và triển khai đến tận người dân, trong đó, người nghèo đóng vai trò quan trọng nhất. Thời gian tới, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát, đánh giá lại hộ nghèo và cận nghèo; tổ chức đối thoại trực tiếp về chính sách giảm nghèo với hộ nghèo và cận nghèo để có phương hướng, giải pháp hỗ trợ phù hợp và kịp thời; kiên quyết xử lý mạnh tình trạng tái nghèo cao”.
Có thế nói, giảm nghèo là “chìa khóa” để nâng cao mức sống cho người dân. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo của tỉnh vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn nên rất cần sự nỗ lực từ các cấp, các ngành, nhằm thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”./.
Lê Ngọc