Tiếng Việt | English

06/07/2016 - 09:53

Bữa ăn giữa ca cho công nhân:

Nỗi lo từ thực phẩm không an toàn

Tình trạng ngộ độc thực phẩm từ bữa ăn giữa ca cho công nhân (CN) ở các khu công nghiệp xảy ra trên địa bàn cả nước thời gian qua khiến không ít CN, lao động canh cánh nỗi lo. Để bữa ăn của CN ngày càng được nâng cao chất lượng, hơn lúc nào hết, cần sự chung tay của các ngành chức năng, chủ doanh nghiệp và toàn xã hội.

Cơm CN – Vừa ăn, vừa lo

Chị Lê Thị Lẹ, CN Cty L.L, huyện Bến Lức, tỉnh Long An cho biết: "CN được Cty cho bữa ăn giữa ca. Chúng tôi ăn là để lấy sức làm việc tiếp chứ ít khi nào quan tâm đến chất lượng bữa ăn, nói gì đến an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)".

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng thực phẩm cung cấp bữa ăn cho CN với giá chỉ từ 12.000-14.000 đồng/suất ăn; Mức giá này chưa kể chi phí cho người nấu bếp, lợi nhuận của cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp nên giá trị thực của mỗi suất ăn còn thấp hơn nhiều.

Suất ăn cho công nhân hiện nay phổ biến với giá trị còn thấp so với mức quy định tối thiểu

Chúng tôi có dịp tháp tùng đoàn kiểm tra ATVSTP trực tiếp xuống các Cty ở các khu, cụm công nghiệp và chứng kiến những bữa cơm của CN. Theo đánh giá của chúng tôi, một số suất ăn chỉ khoảng 7.000-8.000 đồng/suất. Đại diện một số doanh nghiệp cho biết, giá trị suất ăn thấp vì Cty có rất nhiều CN, nếu nâng giá trị suất ăn lên thì CN sẽ bị giảm lương (cuối cùng, người lao động vẫn là người chịu thiệt). Đây chính là vấn đề khó trong việc quản lý ATVSTP trong các bếp ăn ở các khu, cụm công nghiệp hiện nay.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh - Nguyễn Văn Quí cho biết: "Việc nỗ lực nâng cao chất lượng bữa ăn trưa nhằm bảo đảm sức khỏe cho CN được đưa vào nghị quyết của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tuy nhiên, quá trình thực hiện đến nay vẫn chưa đạt hiệu quả. Nhiều Cty tư nhân do muốn giảm chi phí nên định giá mỗi suất ăn cho CN thấp hơn so với mức quy định tối thiểu. Công đoàn thường xuyên vận động chủ doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến chất lượng bữa ăn cho CN và nhiều hoạt động khác chứ không được dùng biện pháp chế tài một khi doanh nghiệp không quan tâm đến bữa ăn cho CN".

Cần sự quan tâm của các ngành chức năng và chủ doanh nghiệp

Theo nhận định của các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng, ngoài việc mất ATVSTP, ảnh hưởng đến sức khỏe, việc bữa ăn không bảo đảm chất lượng còn ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất lao động của CN, hay nói đúng hơn là tác động trực tiếp đến kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, quan tâm đến chất lượng bữa ăn và sức khỏe CN là vấn đề cần được các doanh nghiệp quan tâm.

Chế biến thức ăn cho công nhân tại bếp ăn tập thể ở một doanh nghiệp

Tuy nhiên, theo khảo sát, số doanh nghiệp quan tâm đến chất lượng bữa ăn theo quy định, nhất là việc bảo đảm ATVSTP cho CN còn rất ít, khiến sức khỏe của CN đang bị đe dọa nghiêm trọng.

"Theo quy định hiện nay, mỗi suất ăn của CN với mức thấp nhất 15.000 đồng, bảo đảm cung cấp đủ năng lượng trong khẩu phần ăn. Nếu bữa ăn kém chất lượng, CN sẽ mệt mỏi, không đủ sức làm việc và như vậy, doanh nghiệp ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Các ngành chức năng cần quy định mức giá của suất ăn công nghiệp cho từng loại hình, tính chất lao động nặng, nhẹ, giản đơn, phức tạp để thực hiện đồng bộ, kèm các chế tài xử phạt, lúc đó mới mong các doanh nghiệp chấp hành việc nâng mức suất ăn cho CN” - một cán bộ Đoàn kiểm tra chuyên ngành ATVSTP của tỉnh cho biết.

Với CN, lao động đang làm việc tại các cơ sở sản xuất hoặc trong các khu, cụm công nghiệp, bữa ăn giữa ca luôn được xem là bữa ăn chính trong ngày của họ. Với tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, không chỉ các bà nội trợ nói riêng mà hàng trăm ngàn CN nói chung đang cần những động thái tích cực, kiên quyết hơn từ các ngành chức năng, giúp họ yên tâm trước những bữa ăn hằng ngày nhằm bảo đảm sức khỏe để sống và làm việc./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích