Tiếng Việt | English

14/12/2021 - 11:00

Nỗi lòng diễn viên quần chúng

"Có lần vào vai quần chúng cho một clip quảng cáo, quay xong em chạy xe từ quận 7 về nhà ở quận 2, trời mưa lất phất mà nước mắt em cứ chảy", diễn viên Trâm Anh cho biết.

Trước khi được biết đến rộng rãi với series phim ngắn trinh thám Anh thám tử (phát trên YouTube) với hàng triệu lượt xem mỗi tập, Trâm Anh từng trải qua những tháng ngày đóng vai quần chúng, với nhiều tủi nhục mà theo cô không thể nào quên trong cuộc đời làm nghề của mình.

Diễn viên Trâm Anh

NVCC

Diễn viên Trâm Anh (bìa trái, hàng sau)

NVCC

Người đẹp kể: “Lần thứ hai em đi làm diễn viên quần chúng (extras) là quay quảng cáo ở gần cầu Ánh Sao (thuộc Q.7, TP.HCM). Thấy nhiều người trong đoàn uống cà phê, cà phê sữa, em lại hỏi xin một ly thì nhận được ánh mắt kỳ thị của một bạn trong tổ sản xuất: “Extras hả, qua bên kia uống trà đá”. Tới giờ ăn cơm, em gắp hai cục thịt, thì bị nhắc nhở: Extras mà ăn nhiều vậy, bỏ bớt lại một cục đi”.

Trâm Anh cho biết cô không thể nào tả được cảm giác lúc đó, muốn chui xuống đất cho xong. “Quay xong em chạy xe từ quận 7 về nhà ở quận 2, trời mưa lất phất mà nước mắt em cứ chảy”, Trâm Anh nói.

Diễn viên Trâm Anh (giữa, hàng đầu)

NVCC

Vai extras đầu tiên Trâm Anh đóng là tham gia vào một MV parody của ca sĩ Hương Giang (Anh đang ở đâu anh?). Quay xong, MV phát hành trên YouTube, Trâm Anh coi đi coi lại mấy lần mới phát hiện mình xuất hiện được… bờ vai và lưng.

Trang Hồng Phượng, người có hơn 6 năm đóng vai quần chúng, trước khi được mời vào các vai diễn có thoại, có số phận, bộc bạch rằng: “Lần đầu đi quay, em không biết trang điểm và ăn mặc như thế nào, nhưng không ai hướng dẫn. Tới trưa, hỏi cơm ăn thì em nhận được câu hỏi: “Lần đầu đi quần chúng phải không?”. Vì theo Phượng, có luật “bất thành văn” khi đó là diễn viên quần chúng phải tự túc cơm nước, tự lo phục trang, make up.

Trang Hồng Phượng (thứ hai từ trái qua) trong một lần quay phim quảng cáo

NVCC

Phượng kể: “Có lần em vào vai y tá, chỉ đi qua đi lại cho đông khung hình. Nhưng phó đạo diễn “mi đường dây” (hướng dẫn) cho em đi từ trái sang phải; trợ lý đạo diễn thì kêu em đi từ phải sang trái. Mà lúc đó, mới đi phim, đâu dám hỏi xem đi bên nào mới đúng. Đạo diễn hô: Diễn. Em run quá, đi lướt qua mặt diễn viên chính luôn. Em bị đạo diễn la quá trời”.

Trang Hồng Phượng (giữa) trong một cảnh phim

NVCC

Thường diễn viên chính ký hợp đồng theo tập, theo dự án, hoặc phân đoạn, thì extras sẽ làm việc và ăn “lương” theo ngày, hoặc nửa ngày (mỗi ngày trung bình khoảng 300.000 đồng). Phượng kể diễn viên quần chúng thường phải mang theo nhiều bộ đồ khác để khi quay hết cảnh này sẽ phải thay ra để quay cảnh khác.

Yan Lưu, một extras lâu năm, có lần không biết bơi, nhưng dám nhận vai té sông, vì theo anh: “Nếu nói không biết bơi, người ta sẽ không kêu mình đi phim. Em nghĩ mình chỉ té ở trong mé sông, bơi vô được, chắc không sao. Đâu ngờ té sông bị hụt chân, uống nước no bụng”. Yan Lưu kể mình có tới hai lần nhận vai như vậy và đều hai lần suýt chết.

Yan Lưu (trái) trong một lần tham gia phim xưa

NVCC

Có hai dạng diễn viên quần chúng, một là extras chuyên nghiệp, nghĩa là họ chỉ đi làm nghề diễn viên quần chúng từ tháng này qua năm nọ, dần đi lên từ những vai nhỏ lẻ. Hai là những người có học diễn xuất, qua trường lớp, được đào tạo bài bản, đi extras vì chưa có kinh nghiệm. Nhưng, ai đã từng đi làm extras sẽ thấy, có quá nhiều gian nan, khổ nhọc khi bước vào nghề.

Diễn viên Xuân Nghị, Quách Ngọc Tuyên trước khi nổi tiếng, cũng qua những tháng ngày cơ cực đóng vai quần chúng, bị o ép, bị ăn chặn tiền. Diễn viên Quang Thảo cho biết: “Tôi đi quay ở nhiều đoàn phim, thấy mấy bạn diễn viên quần chúng hay ngồi theo khu vực, tụm lại, như một thế giới riêng. Có diễn viên còn gây tổn thương cho extras, kiểu xua đuổi, nặng lời. Nhiều lúc mình thấy bực mình, phải lên tiếng bảo vệ anh chị em extras, rồi gây mích lòng luôn với diễn viên, đoàn phim”.

Yan Lưu (bìa phải) trong một lần đi phim

NVCC

Theo đạo diễn Võ Thanh Hòa, nếu bên nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc, extras được trả lương xứng đáng, thì ở Việt Nam, extras thường bị trả thù lao thấp, họ lại ít được công nhận và tôn trọng.

Võ Thanh Hòa cho biết anh đi lên từ diễn viên quần chúng, rồi làm trợ lý, phó đạo diễn, rồi mới tới đạo diễn, nên anh hiểu được những khó khăn mà extras gặp phải. Chính vì vậy mỗi khi đoàn phim của Võ Thanh Hòa quay, anh luôn bố trí người giữ tài sản cho extras. “Cơm đoàn, anh em ăn như thế nào thì extras ăn như thế đó. Mình uống nước suối, thì extras uống nước suối”, đạo diễn Võ Thanh Hòa cho biết thêm.

Đạo diễn Khoa Nguyễn cho rằng extras xứng đáng được công nhận là một thành phần quan trọng của đoàn phim, với những đóng góp thầm lặng nhưng to lớn. Riêng bản thân anh càng trân trọng extras bởi thu nhập của họ thường thấp và bấp bênh nhưng luôn hết lòng với nghề./.

Theo Thanh Niên

Chia sẻ bài viết