Tiếng Việt | English

10/02/2016 - 09:39

Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp:

Nông dân rất vui mừng

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nhân dịp đầu năm mới 2016 - năm đầu tiên đưa nghị quyết vào cuộc sống, phóng viên Long An online gặp gỡ và ghi nhận một số ý kiến của nông dân về chương trình đột phá liên quan đến sản xuất, đời sống của gần 70% dân số tỉnh nhà.

 Ông Nguyễn Văn Tuấn, ấp Đình, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn do giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, giá đầu ra một số nông sản, nhất là giá lúa giảm liên tục; thời tiết diễn biến bất thường; phân bón, thuốc trừ sâu giả tràn lan, gây thiệt hại cho nông dân. Vì vậy, chúng tôi mong các cơ quan chức năng cần tiếp tục có các cơ chế, chính sách hỗ trợ như tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, đồng thời, tìm đầu ra ổn định cho nông sản để người dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống.

Bà Bùi Thị Ba, ấp 7, xã Lương hòa,huyện Bến Lức

Là người gắn bó lâu năm với cây chanh không hạt, tôi nhận thấy tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học-công nghệ trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi thông qua các buổi hội thảo, tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên một số loại cây trồng; kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; kỹ thuật ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo quản nông sản sau thu hoạch, những giải pháp sử dụng chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ môi trường,...

Tôi rất vui khi tỉnh ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, qua đó, giúp nông dân từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm không còn phù hợp nhằm nâng cao trình độ thâm canh, chủ động hơn trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế.

Anh Đào Quốc Huy, ấp Bình Thủy, xã Tân Phú, huyện Đức Hòa

Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh luôn chú trọng việc tuyên truyền, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh đối với hội viên. Tôi nhận thức được việc ứng dụng khoa học-kỹ thuật là “chiếc chìa khóa” để nâng cao năng suất, gia tăng giá trị nông sản trên cùng một diện tích đất canh tác. Bên cạnh đó, việc dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với các mô hình sản xuất, kinh doanh cần được các cấp, các ngành quan tâm. Qua đó, nông dân có thêm những kiến thức mới ứng dụng vào sản xuất, làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác không còn phù hợp, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan, ấp Bình Điện, xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn sản xuất, các cấp Hội Nông dân tích cực tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ; phối hợp chuyển giao khoa học-kỹ thuật, dạy nghề cho nông dân, nắm bắt nhu cầu, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả cao thông qua việc ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, công nghệ cao tạo ra sản phẩm sạch, có thương hiệu. Hơn 14 năm qua, nhờ ứng dụng khoa học-kỹ thuật cũng như được học hỏi kinh nghiệm từ các lớp tập huấn, các cuộc hội thảo giúp tôi nắm vững kiến thức về chăn nuôi bò. Việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật để xử lý, bảo quản sản phẩm góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc chăn nuôi bò sữa. Do đó, tôi rất mừng khi tỉnh có chương trình đột phá trong phát triển nông nghiệp, lấy khoa học và công nghệ làm trọng tâm. Nông dân chúng tôi vô cùng phấn khởi!./.

Hùng Anh (ghi)

Chia sẻ bài viết