Người chăn nuôi thận trọng tái đàn vì tình hình dịch bệnh phức tạp, giá cả bất ổn
Nhằm bảo vệ tốt hơn đàn vật nuôi phục vụ nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng dịp tết, công tác phòng, chống dịch bệnh và chống rét cần được đặc biệt quan tâm. |
Theo đánh giá của Phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình chăn nuôi năm 2015 có chiều hướng phát triển hơn so với năm 2014. Mặc dù chịu nhiều thách thức về dịch bệnh, thông tin bất lợi cho ngành như sử dụng chất tạo nạc trên đàn heo, bệnh cúm gia cầm, heo tai xanh, lở mồm long móng, giá sản phẩm không ổn định có lúc giảm rất thấp (như giá gà thịt) do không cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu nhưng nhìn chung sản xuất và phát triển ngành chăn nuôi năm 2015 vẫn đạt kế hoạch.
Tăng trưởng ngành chăn nuôi năm 2015 tăng 1,4% so với năm 2014. Ước năm 2015, tổng đàn gia súc, gia cầm không tăng, cụ thể như đàn heo 264.000 con (tăng 1% so với cùng kỳ và đạt 92,63% so kế hoạch), đàn gia cầm 7 triệu con (giảm 0,9% so với cùng kỳ và đạt 66,67% so với kế hoạch) nhưng sản lượng thịt các loại ước tăng hơn so với năm 2014.
Điều này chứng tỏ chất lượng con giống từng bước được nâng lên. Cụ thể, sản lượng thịt heo xuất chuồng ước đạt 44.650 tấn (tăng 2,5%), thịt trâu 630 tấn (tăng 0,2%), thịt bò 3.840 tấn (tăng 0,1%), gia cầm 23.800 tấn (giảm 2,2%), trứng các loại 177 triệu quả (tăng 10,4%).
Trong tuần qua, giá gà, vịt, heo hơi ổn định hơn so với tuần trước. Giá gà thả vườn từ 55.000 - 80.000 đồng/kg, giá vịt từ 32.000 - 55.000 đồng/kg, giá heo hơi từ 3,7 - 4,5 triệu đồng/tạ. Với giá này, người chăn nuôi cũng không có lãi cao.
Anh Đỗ Anh Duy, ngụ ấp Tân Hòa, xã Đức Tân, huyện Tân Trụ cho biết: “Gia đình tôi chăn nuôi heo đã nhiều năm nay. Hằng năm, tôi đều tái đàn nhằm đón giá cao vào dịp tết. Nhưng năm nay, tình hình dịch bệnh phức tạp, bên cạnh đó, nhiều người chăn nuôi sử dụng chất cấm làm cho giá cả không ổn định nên tôi cũng ngại, không dám tái đàn nhiều. Ban đầu, tôi dự tính tái đàn khoảng 50 con để đón thị trường tết, nhưng nay chỉ nuôi hơn 20 con vì sợ giá thấp không có lãi và dịch bệnh tái phát vào cuối năm”.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đã được kiểm soát. Song, theo Trưởng Phòng Dịch tễ, Chi cục Thú y Long An - Nguyễn Văn Cường: “Thời gian tới, thời tiết rất phức tạp sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như khả năng đề kháng của vật nuôi. Trong khi đó, gần tết, việc tái đàn phục vụ tiêu dùng làm cho mật độ chăn nuôi tăng, việc vận chuyển buôn bán tăng mạnh nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh tương đối cao, khó kiểm soát. Nhằm bảo vệ tốt hơn đàn vật nuôi phục vụ nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng dịp tết, công tác phòng, chống dịch bệnh và chống rét cần được đặc biệt quan tâm. Theo đó, người chăn nuôi cần chủ động sử dụng nhiều biện pháp như che chắn chuồng trại, sưởi ấm cho gia súc, gia cầm, bảo đảm chuồng trại khô, kín gió”.
Ông Nguyễn Văn Út, ngụ ấp 2, xã Long An, huyện Cần Giuộc cho biết: “Gia đình tôi nuôi gà nhằm phục vụ thị trường tết. Ngoài tiêm phòng định kỳ cho đàn gà, gia đình tôi còn tăng cường thuốc bổ cho gà. Chúng tôi cũng thường xuyên vệ sinh chuồng trại để gà phát triển tốt. Tuy nhiên, số lượng nuôi thấp hơn năm rồi vì sợ giá thấp không có lãi”.
Đồng hành cùng với người chăn nuôi trong phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi, phục vụ thị trường tết, ngành chức năng đã chỉ đạo tiêm phòng bổ sung vắc-xin cúm gia cầm. Lũy kế từ đầu năm 2015 đến nay, ngành Thú y tiêm phòng 155.016 liều vắc-xin lở mồm long móng trên gia súc; 66.694 liều vắc-xin tai xanh (PRRS) trên heo và 8.490.336 liều vắc-xin cúm gia cầm. Bên cạnh đó, Chi cục Thú y chỉ đạo hệ thống thú y tỉnh tăng cường giám sát dịch bệnh đến tận xóm, ấp, thành lập các đoàn kiểm tra để phát hiện kịp thời và xử lý sớm dịch bệnh phát sinh.
Bên cạnh đó, ngành tiếp tục chỉ đạo phát triển chăn nuôi; tăng cường phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch tai xanh trên heo, cúm gia cầm; chấn chỉnh tình trạng bơm nước vào cơ thể gia súc trước khi giết mổ; thực hiện kiểm tra, xử lý việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu, nhập khẩu qua biên giới.
Thông qua dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và An toàn thực phẩm (Dự án Lifsap), Long An xây dựng 4 vùng thực hành chăn nuôi tốt (vùng GAHP) trên địa bàn 4 huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước và Cần Giuộc với 38 nhóm GAHP gồm 718 hộ chăn nuôi heo và gà tham gia. Đến nay, đã có trên 85% hộ chăn nuôi trong vùng được cấp Giấy chứng nhận VietGAHP.
Trên cơ cở đó, có Hợp tác xã (HTX) Kim Kê Phát được thành lập và được Cty TNHH San Hà bao tiêu sản phẩm. Hoạt động này được xem là một trong những thành công của dự án Lifsap, giúp người chăn nuôi an tâm sản xuất, phát triển đàn vật nuôi đáp ứng yêu cầu của thị trường; bước đầu đã hình thành chuỗi liên kết thịt sạch từ trang trại đến bàn ăn thông qua sản phẩm sạch từ vùng GAHP đến các cơ sở giết mổ và chuyển đến các chợ thực phẩm được nâng cấp./.
Lê Huỳnh