Tiếng Việt | English

26/02/2022 - 14:45

Nữ bác sĩ kể về những ngày giành sự sống cho F0

“Ở khu điều trị bệnh nhân (BN) Covid-19 tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, nhiều đêm, chúng tôi thay nhau canh trực, xử lý tình huống để cho BN được ngủ ngon giấc, giữ gìn sức khỏe ổn định” - bác sĩ (BS) Ngô Thị Quyền (SN 1989), công tác tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cần Giuộc, tỉnh Long An nhớ lại khoảng thời gian cùng đồng nghiệp tham gia chăm sóc, điều trị F0.

Nữ bác sĩ tình nguyện chữa trị cho bệnh nhân mắc Covid-19

Nữ bác sĩ tình nguyện chữa trị cho bệnh nhân mắc Covid-19

Chế độ trực chiến 24/7

Với chị Quyền, những ngày “chiến đấu” với dịch Covid-19 đã ghi lại mối ân tình sâu đậm của những cán bộ y tế quên mình cùng BN giành giật sự sống. Chia sẻ về những ngày đặc biệt ấy, lắng đọng trong mỗi câu chuyện kể là thông điệp về khát vọng sống và tình yêu thương.

Thời điểm đó, dịch bệnh bùng phát và lan rộng trên địa bàn tỉnh, trong đó có huyện Cần Giuộc - địa phương chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh. Chị Quyền chia sẻ, lúc đỉnh dịch, nhân viên y tế và tất cả các cấp lãnh đạo, ban, ngành nói chung phải làm việc từ 200-300% công suất để bảo vệ người dân tốt nhất có thể. Mỗi người mỗi việc nhưng vẫn có sự phối hợp nhịp nhàng với nhau giữa trung tâm y tế, bệnh viện, chính quyền cùng ê-kíp Trung tâm Cấp cứu từ thiện với mục đích cuối cùng là khống chế dịch bệnh, đem lại cuộc sống bình yên cho mọi nhà. Trung tâm Y tế truy vết, lấy mẫu, đưa BN vào khu cách ly tập trung điều trị bất kể ngày, đêm, mưa gió. Bệnh viện tập trung nhân lực cũng như sức lực có thể để giành giật sự sống cho từng BN. Các cấp lãnh đạo kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ từ vật lực, tài lực, điều phối chuỗi hoạt động Nữ bác sĩ kể về những ngày giành sự sống cho F0 phòng, chống dịch bệnh tại huyện liên tục bất kể thời gian.

Chị Quyền tâm sự, ai trong chúng ta cũng muốn được ở bên cạnh gia đình nhưng đại dịch xảy đến với số ca nhiễm tăng lên theo từng ngày. Các đồng nghiệp phải túc trực 24/7 tại cơ quan, có người xa gia đình, xa con mấy tháng dài, phần vì công việc, phần vì tính mạng người dân, hơn nữa họ không biết bản thân mình có là F0 hay không, họ sợ là nguồn lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng.

“Thời điểm đó, nhân lực y tế của huyện vô cùng khó khăn, các cô chú nghỉ hưu cũng tình nguyện tham gia phòng, chống dịch. Bệnh viện vừa điều trị BN Covid-19, vừa điều trị bệnh thông thường nên nhân viên “chia năm xẻ bảy”. Trong khi đó, BN Covid-19 càng ngày càng tăng nên bệnh viện phải thành lập nhiều điểm để chứa F0 như khu Nguyễn Thị Bẹ, Trạm Y tế thị trấn cũ, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, vì vậy, nhân lực y tế phân bổ khắp nơi. Hơn nữa, do chưa được tiêm ngừa nên những ca nhiễm diễn biến nặng từ tầng 1 chuyển sang tầng 3 rất nhanh, số ca tử vong cũng tăng dần” - chị Quyền nhớ lại.

Vợ chồng cùng tình nguyện

Trong “cuộc chiến” với đại dịch Covid-19, cả 2 vợ chồng chị (chồng cũng công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cần Giuộc) đều trở thành “chiến sĩ”. Nằm trong đội ngũ y tế, biết trước khả năng lây nhiễm rất cao và cũng chuẩn bị tâm lý một ngày nào đó cũng trở thành F0 nhưng đứng trước sự sống và cái chết của BN, chị không cầm được lòng, luôn suy nghĩ phải làm gì đó để giúp họ giành lại sự sống. Và chị cho rằng, nếu chúng ta không chịu hy sinh bản thân mình, không đi chống dịch thì dịch bùng phát, liệu chúng ta có được an toàn? Từ suy nghĩ đó, vợ chồng chị và đồng đội quyết định tình nguyện đến địa điểm Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện để chăm sóc, chữa trị BN với trọng trách của người thầy thuốc và nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Mỗi ngày, những tiếng xe cấp cứu hú còi chuyển BN đến khu điều trị xé tan cả bầu không gian tĩnh lặng, tiếng thở gấp gáp của BN, tiếng khóc nao lòng của người nhà BN mỗi khi người thân mắc Covid-19 ra đi... Chứng kiến cảnh ấy, cả đội nhìn nhau khóc nghẹn, đau nhói trong lòng. Tuy nhiên, nén nước mắt vào trong, cả đội làm việc ngày đêm giành lại sự sống, sức khỏe cho người bệnh.

Mỗi ngày, nhìn thấy BN được xuất viện về với gia đình là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao nhất đối với đội ngũ y, BS. Và đến một ngày, chồng chị trở thành F0. Hai vợ chồng từng động viên nhau cùng đi chống dịch và cùng về. Nhưng do khu điều trị lúc đó quá tải nên chồng chị được chuyển qua khu điều trị khác.

Chị nói: “Điều trị cho biết bao BN nhưng lúc chồng bị nhiễm bệnh thì tôi lại không chăm sóc được ngày nào. Thời điểm đó, số ca tử vong nhiều, trong đầu tôi lại nghĩ không biết mình có còn được gặp lại anh nữa không? Xe cấp cứu chở anh đi lúc đêm khuya mà lòng tôi đau như cắt, nhìn anh lên xe mà tôi không nói được lời nào...”. Nhưng rồi tiếng gọi “BS ơi” của BN kéo chị về với thực tại. Gác lại tình cảm riêng tư, cố gắng giữ bình tĩnh, suy nghĩ tích cực hơn, lương tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc đã “đánh bại” những giây phút yếu lòng, hơn nữa, bản thân chị lại là nhóm trưởng nên nhiệm vụ càng nhiều. Bên cạnh chị vẫn còn đó đồng đội đang chờ hội chẩn, vẫn còn rất nhiều F0 đang chờ chị cứu sống nên chị hiểu mình càng phải cố gắng và cố gắng hơn nữa...

Với sự đồng lòng, đội của chị đã kéo giảm số ca tử vong trong giai đoạn cam go nhất, chuyển tuyến kịp thời những trường hợp nặng. Đây được xem là nguồn động lực cho các y, BS bệnh viện tiếp tục tình nguyện tham gia vào Bệnh viện dã chiến số 16, số 24, khu cách ly tập trung, tham gia đội truy vết, lẫy mẫu, tiêm vắc-xin của huyện.

Hiện tại, những ngày chống dịch căng thẳng đã qua đi, chị Quyền và các đồng nghiệp trở về với công việc hàng ngày. Bằng niềm yêu nghề và nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Quyền vừa làm, vừa theo đuổi chương trình đào tạo BS chuyên khoa I (sắp hoàn thành) để có thể nâng cao tay nghề, tận tâm, tận lực chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Với các BS, khó khăn, vất vả nào rồi cũng sẽ vượt qua nhưng làm thế nào để đẩy lùi dịch bệnh mới là điều quan trọng nhất. BS Quyền và những cán bộ y tế nói chung chỉ mong sao người dân chấp hành tốt các quy định về phòng, chống dịch để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và giảm tải cho lực lượng y tế tuyến đầu./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết