Tiếng Việt | English

01/01/2020 - 11:20

Nước sạch - chỉ tiêu khó trong xây dựng nông thôn mới

Môi trường và an toàn thực phẩm là một trong những tiêu chí (TC) khó đạt nhất và thường đạt cuối cùng trong 19 TC xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Trong đó, chỉ tiêu nước sạch (NS) thuộc TC này là vấn đề khó khăn đối với các địa phương trong lộ trình XDNTM giai đoạn 2016-2020.

Đáp ứng "cơn khát" cho vùng nông thôn

Những năm qua, từ việc huy động, lồng ghép các nguồn vốn khác nhau, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ nhu cầu của người dân được đầu tư xây dựng.Những công trình này mang lại hiệu quả rõ rệt, bảo đảm đủ nước sinh hoạt và chất lượng nước, giúp nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, các công trình cấp nước sinh hoạt này đa phần chỉ đáp ứng về nước hợp vệ sinh (NHVS), còn tỷ lệ hộ dân sử dụng NS rất thấp, phần lớn tập trung tại các vùng đô thị hoặc các địa phương phát triển về công nghiệp, dịch vụ.

Có nước sạch, người dân yên tâm sử dụng

Có nước sạch, người dân yên tâm sử dụng

Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Long An, NS có thể được định nghĩa là nguồn nước: Trong, không màu, không mùi, không vị, không chứa các độc chất và vi khuẩn gây bệnh cho con người. NS là nước đáp ứng 14 chỉ tiêu theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt do Bộ Y tế ban hành. Trong khi đó, NHVS chỉ có thể đánh giá theo cảm quan con người, là nước không màu, không mùi, không vị,… Do đó, NS có chất lượng cao hơn rất nhiều so với NHVS. 

Qua 10 năm XDNTM, tỉnh Long An tập trung nguồn lực, kêu gọi các tổ chức, cộng đồng đóng góp kinh phí, xây dựng hàng ngàn trạm cấp nước. Các công trình đưa vào sử dụng đáp ứng niềm khao khát NS, NHVS cho người dân, trường học, trạm y tế,…Đồng thời, giúp các địa phương hoàn thành chỉ tiêu 17.1 trong XDNTM.

Ông Lê Văn Thanh, ngụ ấp Phước Thới, xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, chia sẻ: “Là xã vùng hạ của huyện nên điều kiện sinh hoạt, nhất là nước để sử dụng còn gặp khó. Đặc biệt vào mùa khô, xảy ra tình trạng nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn hoặc không đủ để sử dụng. Bây giờ xã được đầu tư hệ thống NS, chúng tôi mừng lắm! Ai cũng yên tâm sử dụng mà không còn lo lắng nguồn nước ảnh hưởng đến sức khỏe như trước đây”.

Bí thư Đảng ủy xã Phước Lại - Trần Văn Tuấn cho biết, tình trạng thiếu NS phục vụ nhu cầu người dân cũng như xử lý rác sinh hoạt đặt ra nhiều vấn đề bức xúc cho địa phương. Những năm trước, khi phát động XDNTM, xã còn nhiều TC chưa đạt, trong đó, chỉ tiêu về NS luôn làm địa phương “đau đầu”. Năm 2019, cùng với các xã vùng hạ của huyện, địa phương được đầu tư hệ thống nước sạch của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), cung cấp cho các hộ dân của 6/6 ấp trong xã. Nhờ đó, hiện nay, xã đạt chỉ tiêu NS, góp phần đạt TC môi trường trong lộ trình về đích NTM vào cuối năm 2020.

Cần nhiều hơn nữa những trạm cấp nước sạch để giúp các địa phương hoàn thành chỉ tiêu nước sạch trong xây dựng nông thôn mới

Cần sự quyết tâm

Theo phản ánh của các địa phương, trong TC môi trường có một số chỉ tiêu không được định tính, định lượng rõ ràng mà chủ yếu về cảm quan nên thực tế triển khai và công tác đánh giá tại các địa phương không đồng đều, thiếu bền vững ngay cả đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn. Ranh giới giữa NS và NHVS còn chưa rõ ràng nên nhiều xã mới chỉ đạt tiêu chuẩn NHVS chứ chưa đạt tiêu chuẩn NS.

Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyên, ngụ ấp 4, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, cho rằng: “Chúng tôi không phân biệt NS hay NHVS, miễn có nước dùng là tốt! Nhớ lại trước đây, gia đình tôi còn sử dụng nước sông, kênh, rạch ô nhiễm, không bảo đảm, nay được Nhà nước đầu tư trạm cấp nước, chúng tôi cảm thấy rất vui”. 

Chủ tịch UBND xã Tân Đông - Bùi Văn Dũng thông tin, địa phương phấn đấu về đích NTM vào năm 2020.Đến nay, xã đạt 17/19 TC.Một trong 2 TC chưa đạt liên quan đến tỷ lệ hộ dân sử dụng NS. Điều kiện sinh sống của người dân còn gặp khó nên việc vận động, kêu gọi các nguồn lực để tập trung cho các công trình NS rất nan giải, trong khi nguồn vốn để xây dựng các trạm cấp nước, công trình NS rất lớn. Vì vậy, địa phương nhận định, để đạt chỉ tiêu này và về đích NTM đúng hẹn, rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành liên quan và sự chung tay của cộng đồng. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của người dân nông thôn về sử dụng NS, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia cùng Nhà nước thực hiện các công trình cấp nước tại địa phương; tham mưu tỉnh và thực hiện nhiều công trình xây mới, cải tạo, nâng cấp các trạm cấp nước đạt tiêu chuẩn nước sạch của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh, hộ dân sử dụng NHVS đạt khoảng 98%; hộ dân sử dụng NS đạt khoảng 40%. Trong khi đó, chỉ tiêu người dân sử dụng NS, theo bộ tiêu chí mới quy định đến năm 2020, tỷ lệ người dân sử dụng NS phải đạt ≥65%.
Để các xã hoàn thành chỉ tiêu NS trong TC môi trường, không để chỉ tiêu này trở thành rào cản trong quá trình XDNTM, ngoài sự cố gắng của từng địa phương, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, sở, ngành liên quan, nhất là trong việc bố trí nguồn vốn kịp thời để xây dựng, hoàn thiện các trạm cấp nước đạt tiêu chuẩn.

Đối với những địa phương xây dựng trạm cấp nước thì cần khảo sát, đánh giá chất lượng nguồn nước, xây dựng, hoàn thiện thêm hệ thống xử lý bảo đảm nước đầu ra đạt tiêu chuẩn chất lượng NS theo quy định. Ngoài ra, trong quá trình XDNTM, các xã cần chủ động thực hiện xã hội hóa trong đầu tư xây dựng các trạm cấp NS, không chỉ trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ từ cấp trên.Song song đó, mỗi địa phương phải thực sự quyết tâm, xây dựng các giải pháp nhằm thực hiện chỉ tiêu này./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích