Tiếng Việt | English

17/11/2015 - 12:43

Ơn thầy soi lối mở đường

Đã chọn sự nghiệp “trồng người”, thầy cô không ngại khó khăn, vất vả, đem cả cái tâm và cái tài phục vụ cho sự nghiệp giáo dục.

Nhiều người từng ví nghề giáo như nghề đưa đò và thầy cô giáo là những người âm thầm chở từng thế hệ học sinh đến bến bờ tri thức. Các chuyến đò ấy không phải lúc nào cũng gặp sóng yên, gió lặng mà có lúc chòng chành bởi sóng dữ, thế nhưng với tình yêu dành cho từng lớp học trò, thầy cô cố gắng giữ vững mái chèo đưa các em đến bước đường công danh.

Ngay từ bậc mẫu giáo, cô dạy các em biết lễ phép, ngoan ngoãn, biết vâng lời cha mẹ. Đến bậc tiểu học cô lại ân cần dạy bảo, uốn nắn từng nét chữ, rèn từng nết người, trang bị kiến thức và hình thành nhân cách cho mỗi học sinh. Cô luôn xuất hiện với hình ảnh dịu dàng, ân cần quan tâm, lo lắng cho trò. Cô như những bà tiên trong truyện cổ tích, như người mẹ hiền theo dõi từng bước con đi. Đến cấp 2, cấp 3 rồi vào đại học, mặc dù thầy cô không còn chăm chút tỉ mỉ cho từng học sinh nhưng lại cố gắng truyền đạt kiến thức mong sao trò có thể lĩnh hội được tri thức và áp dụng được vào thực tế. Để làm được điều đó, người thầy không ngừng tìm tòi, học hỏi, đổi mới phương pháp giảng dạy để có thể truyền đạt tri thức một cách hiệu quả nhất.

Không ai đạt thành công mà không có sự dạy bảo của thầy cô. Phía sau sự thành công của mỗi con người luôn có bóng dáng thầy cô. Và có lẽ món quà ý nghĩa nhất mà thầy cô muốn nhận chính là sự thành đạt của học trò, nhìn lớp lớp học sinh vững bước vào đường tương lai.

Đã chọn sự nghiệp “trồng người”, thầy cô không ngại khó khăn, vất vả, đem cả cái tâm và cái tài phục vụ cho sự nghiệp giáo dục. Tháng 11, tháng để mỗi người tỏ lòng tri ân đến các thầy giáo, cô giáo - người đã dìu dắt, dạy bảo chúng ta nên người và nguyện với lòng sẽ tiếp tục phấn đấu, tiếp tục vươn lên đem bàn tay và khối óc của mình góp phần xây dựng quê hương, đất nước như thầy cô đã từng dạy bảo./.

Tuệ Lâm

Chia sẻ bài viết