Ngành chức năng lấy mẫu kiểm tra chất lượng nguồn nước
Trên 210 vị trí quan trắc môi trường không khí, tiếng ồn, nguồn nước
Ngày 23/02/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1435 về quan trắc chất lượng môi trường tỉnh giai đoạn 2021-2025 để thực hiện. Theo kế hoạch này, có 70 vị trí lấy mẫu phân tích quan trắc môi trường không khí, tiếng ồn. Trong đó, quan trắc không khí khu đô thị, khu dân cư 18 vị trí; không khí giao thông 8 vị trí; không khí khu vực khí bãi rác 3 vị trí; không khí môi trường nền 4 vị trí; đặc biệt là quan trắc không khí ở các khu vực khu, cụm công nghiệp có tới 37 vị trí. Tần suất quan trắc không khí, tiếng ồn là 6 lần/năm vào các tháng: 2, 4, 6, 8, 10, 11.
Ngoài ra, đã lắp đặt 3 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, cố định tại các huyện: Đức Hòa, Cần Giuộc và Bến Lức. Cũng theo kế hoạch, ở hệ thống kênh, rạch chính trên địa bàn tỉnh, có 25 vị trí thực hiện quan trắc môi trường; nước mặt ở các sông có 68 vị trí quan trắc môi trường. Tần suất quan trắc của kênh, rạch chính và mặt nước sông là 6 lần/năm vào các tháng: 2, 4, 6, 8, 10, 11. Trong khi đó, đối với quan trắc môi trường nước ngầm dưới đất có 48 vị trí, tần suất quan trắc 2 lần/năm vào tháng 3 và tháng 9.
Các điểm quan trắc chất lượng môi trường không khí, nước mặt, nước dưới đất được bố trí phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển KT-XH của địa phương và kinh nghiệm quan trắc trong thời gian qua. Mặt khác, các điểm quan trắc có tính đại diện đặc trưng cho mục tiêu quan trắc và giám sát các thành phần môi trường, đáp ứng yêu cầu quản lý môi trường. Địa điểm, đối tượng quan trắc ưu tiên tập trung các đoạn sông, rạch bị ô nhiễm và các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, khu dân cư tập trung, khu nuôi, trồng thủy sản,... có ảnh hưởng trực tiếp, sâu, rộng đến môi trường và cuộc sống của người dân.
Theo báo cáo kết luận quan trắc của Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và Dịch vụ tài nguyên, môi trường - Quách Cao Minh, quan trắc môi trường không khí tại khu vực Khu công nghiệp (KCN) Đức Hòa 1 - Hạnh Phúc và Cụm công nghiệp (CCN) Đức Mỹ có 6 vị trí; khu vực các KCN: Tân Đức, Hải Sơn, Tân Đô 4 vị trí; khu vực KCN Đức Hòa II (KCN Xuyên Á, CCN Hoàng Gia) 3 vị trí; khu vực KCN Đức Hòa III (KCN Anh Hồng, Thái Hòa 5 vị trí); khu vực KCN Thuận Đạo, Nhựt Chánh, CCN Long Định - Long Cang 7 vị trí; khu vực KCN Vĩnh Lộc 2, KCN Phúc Long 5 vị trí; khu vực KCN Long Hậu 4 vị trí;...
Trong khi đó, quan trắc môi trường nước mặt thì sông Bảo Định 5 vị trí, sông Vàm Cỏ 6 vị trí, sông Vàm Cỏ Đông 8 vị trí và đã lắp đặt trạm quan trắc tự động tại 2 vị trí; sông Vàm Cỏ Tây 12 vị trí và đã lắp đặt 1 trạm quan trắc tự động;...
Vị trí quan trắc môi trường nước mặt sông Bảo Định nằm ở ranh Long An và Tiền Giang (hợp lưu sông Bảo Định - rạch Ông Đạo) nhằm kiểm tra các nguồn tiềm ẩn tác động đến môi trường nước như nước thải sinh hoạt, chăn nuôi của các khu dân cư ven sông, nước thải từ các cơ sở công nghiệp ở phường Khánh Hậu (TP.Tân An), KCN Tân Hương (tỉnh Tiền Giang). Hoặc như vị trí lấy mẫu quan trắc chất lượng môi trường nước mặt sông Vàm Cỏ Đông tại vàm Bà Mảng (giáp ranh Long An - Tây Ninh) để kiểm soát, kiểm tra các nguồn tiềm ẩn tác động đến môi trường nước lan truyền ô nhiễm từ phía thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông xuống và các chất thải, ô nhiễm từ trên lưu vực rạch Bà Mảng đổ ra.
Đối với quan trắc chất lượng môi trường nước mặt sông Vàm Cỏ tại vị trí hợp lưu sông Cần Đước và sông Vàm Cỏ là để xác định, kiểm tra các nguồn tiềm ẩn tác động đến môi trường nước là nước thải từ thị trấn Cần Đước, các khu dân cư ven sông đổ ra.
Còn quan trắc chất lượng môi trường nước mặt sông Cần Giuộc tại vị trí hợp lưu rạch Dơi - sông Cần Giuộc (ranh Long An - TP.HCM) cũng để kiểm tra, theo dõi các nguồn tiềm ẩn tác động đến môi trường từ nước thải của các kênh, rạch phía Nam TP.HCM đổ ra; nước thải từ KCN và Khu dân cư Tân Kim - Cần Giuộc.
Đối với quan trắc chất lượng nước mặt kênh Thầy Cai tại vị trí cầu Thầy Cai (Đường tỉnh 823) để theo dõi, kiểm tra các nguồn tiềm ẩn tác động đến môi trường là nước thải KCN Đức Hòa III và nước thải từ bãi rác Phước Hiệp. Đối với vị trí quan trắc chất lượng nước mặt tại kênh Ranh sẽ xác định các nguồn tiềm ẩn tác động đến môi trường từ nước thải của CCN Hoàng Gia,...
Đánh giá kịp thời diễn biến chất lượng môi trường không khí, nguồn nước
Qua quan trắc chất lượng môi trường kịp thời phát hiện và cung cấp thông tin về môi trường một cách định kỳ, liên tục giúp phát hiện kịp thời ô nhiễm môi trường, nguy cơ ô nhiễm và đánh giá được diễn biến chất lượng môi trường, tác động đến con người. Từ đó, xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và giải quyết, xử lý kịp thời các vấn đề về môi trường.
Căn cứ vào kết quả quan trắc qua các đợt, Sở Tài nguyên và Môi trường đều có thông báo kết quả quan trắc đến UBND các huyện và các tỉnh phối hợp liên vùng để theo dõi, thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường.
Theo báo cáo kết luận quan trắc của Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và Dịch vụ tài nguyên, môi trường - Quách Cao Minh, từ kết quả quan trắc, đơn vị kiến nghị các giải pháp để xử lý, cải thiện chất lượng môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm. Theo đó, cơ quan quản lý môi trường các cấp tăng cường công tác quản lý môi trường, bảo đảm kiểm soát tốt các nguồn thải, nhất là nước thải công nghiệp. Cơ quan quản lý môi trường các cấp tăng cường rà soát, kiểm tra và quản lý công tác khai thác nước dưới đất, khuyến khích doanh nghiệp, người dân sử dụng nước mặt trong sản xuất và sinh hoạt.
Công tác quan trắc môi trường sẽ góp phần phát hiện, giải quyết kịp thời các diễn biến, nguy cơ ô nhiễm môi trường
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về bảo vệ cảnh quan môi trường; tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu các nhà máy sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp thực hiện nghiêm biện pháp bảo vệ môi trường; tiến hành khảo sát, thu thập thông tin và đánh giá về các nguồn thải có khả năng gây ảnh hưởng đến chất lượng nước trên các sông.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện chương trình quan trắc định kỳ vào tháng để so sánh và đánh giá sự khác biệt về nồng độ của các chất ô nhiễm so với đợt quan trắc trong năm. Từ đó, tổng hợp sơ bộ mối quan hệ giữa các tác động làm cơ sở đề xuất chương trình quan trắc tiếp theo cũng như biện pháp kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, đề xuất với ngành chức năng có liên quan nạo vét các tuyến kênh, rạch thoát nước bị bồi lắp bởi cỏ, rác, bùn, lục bình để tạo sự thông thoáng và tiêu thoát nước tốt hơn, hạn chế ứ đọng gây mùi hôi thối ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và môi trường./.
Tháng 9/2023, Trung tâm Phát triển quỹ đất và Dịch vụ tài nguyên, môi trường (gọi tắt là Trung tâm) tiếp tục tiến hành quan trắc đợt 2 năm 2023 (cả năm 2 lần) về chất lượng nước ngầm trên địa bàn tỉnh tại 35 vị trí ở 6 tầng chứa nước tại các địa phương trong tỉnh. Kết luận quan trắc cho thấy, nhìn chung, chất lượng nước ngầm trên địa bàn tỉnh còn khá tốt, ít ô nhiễm hữu cơ. Tuy nhiên, một số vị trí quan trắc nước ngầm bị nhiễm mặn và phèn.
Trong tháng 10/2023, Trung tâm quan trắc môi trường nước mặt đợt 5 năm 2023 tại hàng chục vị trí trên các sông: Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông, Bảo Định, Vàm Cỏ, kênh Thầy Cai, sông Cần Giuộc và các kênh, rạch chính trên địa bàn tỉnh (đợt 6 năm 2023 sẽ quan trắc trong tháng 11). Kết quả cho thấy, có nhiều điểm quan trắc, chất lượng nước mặt sông bị ô nhiễm dinh dưỡng, nhiễm phèn, hữu cơ.
Tại một số vị trí cho thấy, các hoạt động sinh hoạt, công nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản, giao thông thủy và sự lan truyền ô nhiễm từ các vùng lân cận đã ảnh hưởng đến chất lượng nước.
Tiếp theo, cũng trong tháng 10/2023, Trung tâm tiến hành quan trắc đợt 5 năm 2023 về hiện trạng môi trường không khí tại 37 địa điểm ở khu vực khu, cụm công nghiệp (đợt 6 năm 2023 sẽ quan trắc trong tháng 11). Kết quả cho thấy, nồng độ bụi, CO, NO2, SO2, NH3, H S, Benzen, Xylen, Toluen và Phenol đều đạt quy chuẩn QCVN 05:2023/BTNMT. Mức ồn nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn QCVN 26:2010/BTNMT tại tất cả các vị trí quan trắc.
Còn kết quả quan trắc môi trường không khí ở 33 vị trí tại các khu vực khu dân cư, khu đô thị, mạng lưới giao thông, bãi rác thì nồng độ bụi, CO, NO2, SO2, NH3 đều đạt quy chuẩn QCVN 05:2023/BTNMT, trung bình 1 giờ. Mức ồn đạt quy chuẩn QCVN 26:2010/BTNMT; không phát hiện nồng độ chì. Môi trường nền thì tất cả thông số quan trắc đều trong giới hạn cho phép.
|
Lê Đức