Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần thứ ba, công bố và niêm yết danh sách chính thức của 14 người ứng cử ĐBQH; 98 người ứng cử ĐB HĐND tỉnh; 795 người ứng cử ĐB HĐND cấp huyện và 8.072 người ứng cử ĐB HĐND cấp xã. Toàn tỉnh đã thành lập 1.298 tổ bầu cử, phụ trách 1.298 khu vực bỏ phiếu; đã tiến hành niêm yết danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu, với tổng số cử tri toàn tỉnh là 1.260.694 cử tri. Các ngành chức năng, địa phương đang tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri (TXCT) để những người ứng cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp gặp gỡ, TXCT, trình bày chương trình hành động, vận động bầu cử theo luật định.
Song song đó, công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, trực quan, nhằm giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, quyền và nghĩa vụ của công dân, từ đó tích cực tìm hiểu về tiểu sử, quá trình công tác, chương trình hành động của những người sẽ đại diện cử tri trong các cơ quan quyền lực, chọn ra những người tiêu biểu, xứng đáng bầu vào cơ quan dân cử.
Qua tìm hiểu, nghiên cứu và tiếp xúc, lắng nghe chương trình hành động của ứng cử viên, cử tri rất phấn khởi trước tiêu chuẩn, chất lượng, trình độ, phẩm chất đạo đức, năng lực, điều kiện của những người ứng cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp lần này. Hầu hết người ứng cử ĐBQH có trình độ từ thạc sĩ trở lên; người ứng cử ĐB HĐND có trình độ đại học và trên đại học với cấp tỉnh là 96,94%, cấp huyện là 87,43%, cấp xã là 44,53%. Các cơ cấu đều bảo đảm theo quy định, thành phần hài hòa, hợp lý.
Những người ứng cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã, đang TXCT trình bày chương trình hành động. Việc trình bày chương trình hành động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi cử tri sẽ trực tiếp lắng nghe người ứng cử hứa hẹn những việc sẽ làm khi chính thức trở thành đại biểu dân cử. Đây là cơ hội quan trọng, duy nhất để người ứng cử thuyết phục cử tri quyết định chọn mình làm đại biểu. Cụ thể: Nội dung chương trình hành động có phù hợp, thiết thực, trách nhiệm với cử tri địa phương hay không? có phản ánh đúng nhu cầu bức xúc, lợi ích của người dân khu vực ứng cử? phong cách, năng lực giao tiếp, kỹ năng trình bày trước tập thể, sức khỏe cửa người ứng cử như thế nào? có đủ điều kiện, khả năng làm người đại diện xứng đáng của cử tri tại QH và HĐND các cấp hay không?… sẽ được người dân tận mắt chứng kiến, thẩm định và quyết định bầu chọn sau này. Điều này giúp cử tri không còn tâm lý “bầu người qua ảnh”, bầu theo giới tính, theo số thứ tự trong phiếu bầu,...
Để bầu chọn người có đủ sức, đủ tài, có tâm, có tầm xứng đáng là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân trong QH và HĐND các cấp, cử tri cần phát huy cao nhất quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thông qua cuộc bầu cử lần này. Cử tri cần tham gia đầy đủ các cuộc TXCT của người ứng cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp để có đủ cơ sở, sáng suốt lựa chọn, bầu người đủ sức, đủ tài, biết chăm lo quyền lợi của nhân dân vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và cơ quan quyền lực ở địa phương./.
Tân An