Tiếng Việt | English

01/11/2021 - 08:07

Phát huy vai trò trạm y tế lưu động trong phòng, chống Covid-19

Tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Long An cơ bản được kiểm soát, để “thích ứng an toàn” với Covid-19, tỉnh triển khai kế hoạch thành lập các trạm y tế lưu động (TYTLĐ) theo đúng yêu cầu của Bộ Y tế tại Quyết định số 4800/QĐ-BYT. Hiện các TYTLĐ luôn trên tinh thần sẵn sàng đưa công tác y tế đến gần người dân, chăm lo người bệnh Covid-19 ngay từ cơ sở.

Các thành viên trạm y tế lưu động chuẩn bị sẵn sàng và chuyển túi thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà để các bệnh nhân được điều trị kịp thời, hạn chế chuyển biến nặng phải nhập viện

Chăm lo F0 từ cơ sở

Theo Quyết định 4042/QĐ-BYT, ngày 21/8/2021 của Bộ Y tế, TYTLĐ có nhiệm vụ quản lý, theo dõi người mắc Covid-19 tại nhà và cộng đồng; xét nghiệm Covid-19; tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19; truyền thông về Covid-19; khám, điều trị, cấp thuốc cho người mắc các bệnh khác và thực hiện các nhiệm vụ khác do giám đốc trung tâm y tế (TTYT) cấp huyện phân công.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh thành lập được 94 TYTLĐ tại 15 huyện, thị xã, thành phố với gần 400 người. Các thành viên TYTLĐ thường xuyên bám sát địa bàn, theo dõi và chăm sóc kịp thời, hiệu quả các trường hợp F0 đang được cách ly tại các khu vực phong tỏa và tại nhà.

Trạm y tế lưu động thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2

Tại TP.Tân An - một trong những địa phương tập trung đông dân cư, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, đến thời điểm này, địa phương thành lập được 14 TYTLĐ trực thuộc TTYT thành phố tại các xã, phường. Các trạm hoạt động 24/24 giờ, bảo đảm chăm sóc, xử trí kịp thời khi có ca mắc Covid-19 tại cộng đồng.

Trưởng trạm Y tế, Trưởng TYTLĐ phường 3 - Nguyễn Thị Hương cho biết: TYTLĐ phường 3 được thành lập từ tháng 9-2021 với 9 thành viên, tham gia thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo Quyết định 4042/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Hiện tại, dù tình hình dịch bệnh được kiểm soát nhưng đội ngũ cán bộ y tế luôn trên tinh thần cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh; phối hợp địa phương, ban, ngành, đoàn thể và tổ Covid cộng đồng để sẵn sàng nhận nhiệm vụ ngay khi có ca mắc Covid-19.

Bên cạnh đó, vì địa bàn rộng, dân cư đông nên trạm còn một số khó khăn về nhân lực. Hiện TTYT thành phố hỗ trợ bổ sung 1 bác sĩ cho TYTLĐ, góp phần nâng cao hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Tương tự, tại huyện Đức Hòa - địa phương có ca mắc Covid-19 cao nhất tỉnh, sau thời gian đưa vào hoạt động, TYTLĐ đã phát huy hiệu quả trong việc phát hiện sớm, hướng dẫn, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc, sơ cứu chuyển viện các trường hợp nặng,...

Trên địa bàn huyện, đến nay có trên 13.000 ca mắc Covid-19, trong đó, xã Đức Hòa Hạ là địa phương có ca mắc cao nhất với trên 6.000 ca, do đó, TYTLĐ tại đây luôn trên tinh thần làm việc hết “công suất”.

Các trạm y tế lưu động được trang bị đủ bình oxy để chăm sóc, hỗ trợ tốt nhất cho F0 tại nhà

Trưởng TYTLĐ xã Đức Hòa Hạ - Nguyễn Thị Mỹ Hiền chia sẻ: “Khi trưởng ấp thông tin có ca mắc Covid-19 trên địa bàn thông qua nhóm Zalo cấp cứu thì chúng tôi sẽ đến ngay để hỗ trợ, chăm sóc ngay từ đầu. TTYT huyện cũng có các nhóm liên lạc qua Zalo hỗ trợ chặt chẽ cho các TYTLĐ để xử trí kịp thời, bảo đảm người dân được chăm sóc sức khỏe ngay từ cơ sở, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong.

Khi thực hiện TYTLĐ thì 7 thành viên gồm cán bộ y tế và tài xế luôn trên tinh thần sẵn sàng, thường xuyên liên lạc, theo dõi sức khỏe các ca mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà trên địa bàn để xử trí kịp thời, bảo đảm sức khỏe người bệnh.

Trong trường hợp bệnh nhân tại khu vực phong tỏa chuyển biến nặng, có nơi đường hẹp, xe cấp cứu không vào trong được thì lực lượng y tế trực tiếp đến nhà đưa bệnh nhân đi điều trị kịp thời. Dù công việc rất vất vả nhưng chỉ cần bệnh nhân hồi phục sức khỏe thì chúng tôi lại có thêm động lực để tiếp tục công việc”.

Chị T. (SN 1985, ngụ ấp Bình Tiền 2, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa) cho biết: “Cả gia đình tôi có 5/6 thành viên mắc Covid-19 và được điều trị tại nhà. Ngay khi nhận được thông tin dịch bệnh, các cán bộ TYTLĐ đã nhanh chóng hướng dẫn chúng tôi theo dõi sức khỏe, tuân thủ cách ly theo quy định.

Dù số ca mắc Covid-19 tại địa phương khá nhiều nhưng các y, bác sĩ rất quan tâm, ngày nào cũng điện thoại thăm hỏi sức khỏe; hỗ trợ thuốc, nước súc miệng, thuốc xông mũi, vitamin,... Đến nay, các thành viên trong gia đình tôi đều đã khỏi bệnh. Chúng tôi rất cảm động trước sự hỗ trợ tận tình, kịp thời của y, bác sĩ TYTLĐ”.

An tâm điều trị với túi thuốc cho F0 tại nhà

Bên cạnh được trang bị bình oxy, thiết bị đo SpO2, dụng cụ cấp cứu cơ bản, một điều đặc biệt quan trọng là hiện nay, các TYTLĐ đều chuẩn bị sẵn sàng các túi thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà.

Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hiền chia sẻ: Bên cạnh những túi thuốc do TTYT huyện cấp, chúng tôi cũng được mạnh thường quân, chính quyền địa phương vận động hỗ trợ các nhóm thuốc theo đúng quy định về điều trị F0 không triệu chứng. Hàng ngày, chúng tôi luôn chuẩn bị sẵn các túi thuốc, bình oxy để sẵn sàng cung cấp cho F0 đủ điều kiện điều trị tại nhà. Hàng ngày, các nhóm Zalo liên lạc để theo dõi sức khỏe, nếu có diễn biến nặng thì sẽ chuyển đi theo phân tầng điều trị.

Bên cạnh thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, trạm y tế lưu động còn tổ chức khám, điều trị, cấp thuốc cho người mắc các bệnh khác

Phó Giám đốc TTYT huyện Đức Hòa - Lương Thị Hồng Thắm cho biết: Ngoài các vật tư y tế cần thiết, mỗi TYTLĐ đều có một cơ số thuốc nhất định. Đây là các loại thuốc điều trị triệu chứng cho F0 như hạ sốt, giảm đau, giảm ho, nâng thể trạng, vitamin,... Kinh phí của các túi thuốc này hầu hết từ xã hội hóa.

Khi cung cấp túi thuốc về TYTLĐ, chúng tôi ưu tiên cho các địa phương có nhiều F0. Hàng tuần, các trạm đều báo cáo số lượng thuốc về TTYT để thống kê, rà soát và cung ứng kịp thời theo nhu cầu, bảo đảm không để thiếu hụt.

Những túi thuốc này có ý nghĩa rất lớn đối với F0 điều trị tại nhà. Trong quá trình cách ly, các F0 này không được ra ngoài, khi có các triệu chứng nhẹ như sốt, ho thì sẽ có thuốc để sử dụng ngay. Các thành viên TYTLĐ sẽ chuyển thuốc kịp thời đến tận nhà bệnh nhân, hạn chế tình trạng chuyển biến nặng phải nhập viện.

Với TP.Tân An, địa phương cũng được mạnh thường quân hỗ trợ các túi thuốc nghĩa tình. Những túi thuốc này được TTYT thành phố phân bổ đến các TYTLĐ, trung bình mỗi trạm sẽ có trên 20 túi thuốc để cung cấp ngay khi cần. Trong túi thuốc có bảng hướng dẫn cho F0 sử dụng. Ngoài ra, túi thuốc cũng thông tin đầy đủ những điều cần biết khi điều trị tại nhà, các biện pháp tự theo dõi sức khỏe và bảo đảm phòng dịch cho những người xung quanh.

Bên cạnh thành phần thuốc theo quy định của Bộ Y tế, điểm chung của các túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà là đều có các thông tin cần thiết và đường dây nóng để liên hệ ngay khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Đặc biệt, các túi thuốc còn kèm những lời chúc ý nghĩa, động viên người bệnh Covid-19 giữ tinh thần lạc quan để sớm hồi phục sức khỏe.

Qua thời gian nỗ lực phòng, chống dịch, các TYTLĐ giảm tải cho hệ thống điều trị Covid-19; giúp các địa phương chủ động hơn trong xử trí F0 tại cộng đồng, góp phần hiệu quả vào việc xây dựng “pháo đài” trong phòng, chống dịch tại cơ sở. “Cuộc chiến” chống dịch còn nhiều gian nan, tuy nhiên, khi có được những chiến lược đúng đắn như hiện nay, tin rằng trong thời gian tới, các TYTLĐ ngày càng phát huy hiệu quả, không chỉ giúp người bệnh Covid-19 được tiếp cận y tế nhanh chóng, góp phần giảm tỷ lệ tử vong mà còn giúp tỉnh kiểm soát được dịch bệnh trong bối cảnh “thích ứng an toàn” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ./.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh thành lập được 94 TYTLĐ tại 15 huyện, thị xã, thành phố với gần 400 người. Các thành viên TYTLĐ thường xuyên bám sát địa bàn, theo dõi và chăm sóc kịp thời, hiệu quả các trường hợp F0 đang được cách ly tại các khu vực phong tỏa và tại nhà.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết