Tiếng Việt | English

18/02/2025 - 08:44

Phát triển kinh tế từ những mô hình nông nghiệp hiệu quả

Những năm qua, nhiều nông dân (ND) trong tỉnh Long An mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng quy trình sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ,... vào quá trình canh tác nhằm nâng cao chất lượng nông sản. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, tăng thu nhập cho ND.

Từ ruộng lúa kém hiệu quả đến vườn chanh không hạt

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều ND ở xã biên giới Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng chuyển đổi diện tích trồng lúa, vườn tạp kém hiệu quả sang phát triển các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Điển hình là mô hình trồng chanh không hạt của ông Phạm Văn Bề (ấp Gò Xoài, xã Hưng Điền A). Ông Bề chia sẻ: “Nhận thấy chanh là cây dài hạn thích hợp với vùng đất này nên gia đình tôi chuyển 1ha từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng chanh không hạt. Đến nay, 1ha chanh đang cho trái với năng suất ổn định”.

Cũng theo ông Bề, cây chanh không hạt rất phù hợp phát triển tại địa phương, dễ trồng, dễ chăm sóc, cho trái quanh năm. Thời gian đầu tư trồng chanh không hạt từ cải tạo đất đến lúc bắt đầu thu hoạch khoảng 1 năm.

Hiện năng suất vườn chanh của ông Bề đạt khoảng 40 tấn/ha/năm, giá bán dao động từ 8.000-15.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi năm, gia đình ông thu lợi nhuận hơn 120 triệu đồng/ha.

Ông Phạm Văn Bề (ấp Gò Xoài, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng) chuyển đổi 1ha lúa kém hiệu quả sang trồng chanh không hạt đạt hiệu quả cao

Để trồng chanh không hạt hiệu quả, cần mua cây giống ở những nơi uy tín, chất lượng, bảo đảm cây sạch bệnh. Trong quá trình trồng chanh hạn chế sử dụng phân bón hóa học, nên dùng các loại phân bón hữu cơ có khả năng tái tạo đất. Có 2 đối tượng sâu, bệnh gây hại chính là bệnh ghẻ trái và nhện đỏ chích gây nám trái.

"Vì vậy, người trồng chanh cần thường xuyên vệ sinh gốc, tỉa cành và phun thuốc phòng trừ khi cây ra hoa. Không nên sử dụng thuốc diệt cỏ vì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của bộ rễ, chỉ dùng máy cắt cỏ để vệ sinh vườn” - ông Bề chia sẻ thêm.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Đinh Châu Phong cho biết: Hiện địa phương tập trung tuyên truyền, khuyến khích ND tiếp tục cải tạo vườn tạp hoặc chuyển đổi các diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng chanh không hạt nhằm tăng diện tích chanh. Qua đó, xây dựng vùng nguyên liệu để tổ chức liên kết sản xuất, bảo đảm đầu ra cho nông sản.

Hiệu quả từ trồng dưa lưới trong nhà màng

Sau khi thực hiện nhiều mô hình với các giống cây trồng, vật nuôi khác nhau nhưng hiệu quả mang lại chưa như mong muốn, ông Ngô Văn Bảy (ấp Kênh Giữa, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh) bắt đầu tìm hiểu và bắt tay vào thực hiện mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt.

Theo ông Bảy, cách đây hơn 7 năm, ông quyết định đầu tư hơn 350 triệu đồng để biến 2ha đất trồng lúa kém hiệu quả thành khu nhà màng kiên cố, bảo đảm các quy chuẩn trong canh tác dưa lưới.

Ông Bảy chia sẻ: “Quá trình sinh trưởng, phát triển của dưa lưới là 2,5 tháng, tương đương 75 ngày tuổi sẽ cho thu hoạch, sau mỗi vụ thu hoạch thì ngưng khoảng 2 tuần để vệ sinh và có thể sản xuất liên tục 4 vụ mỗi năm mà không phụ thuộc điều kiện thời tiết. Hiện nay, ông Bảy đầu tư 9 nhà màng, mỗi nhà màng khoảng 2.000m2, ông trồng xen canh giữa các giai đoạn phát triển của dưa để có nguồn thu hoạch liên tiếp”.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng giúp ông Ngô Văn Bảy (ấp Kênh Giữa, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh) có thu nhập hơn 1 tỉ đồng/năm

Nhờ chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng nên dưa lưới của ông Bảy phát triển tốt. Sau 75 ngày trồng, vườn dưa thu hoạch hơn 1 tấn trái, trọng lượng từ 1,2-1,6kg/trái, giá bán khoảng 40.000-42.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi nhà màng cho lợi nhuận khoảng 100-120 triệu đồng/vụ.

Hệ thống nhà màng trồng dưa lưới của ông Bảy có ưu điểm vượt trội, giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập. Ông luôn thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng cho cây và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên bảo đảm an toàn để sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng.

Toàn bộ diện tích dưa lưới của ông Ngô Văn Bảy (ấp Kênh Giữa, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh) đã được chứng nhận VietGAP

“Trồng dưa lưới không khó, cái khó là nguồn vốn đầu tư, nếu kiên trì, chịu khó thì mô hình trồng dưa lưới mới mang lại kết quả như mong muốn. Ngoài ra, việc sử dụng phương thức tưới nước nhỏ giọt còn làm cho chất dinh dưỡng từ phân bón, lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới” - ông Bảy chia sẻ thêm.

Hiện toàn bộ diện tích dưa lưới của gia đình ông Bảy được chứng nhận VietGAP. Hướng tới, ông sẽ kết nối với các ND trồng dưa lưới trên địa bàn xã thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để có đầu mối kết nối bao tiêu với doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh - Huỳnh Văn Hồng Phim thông tin: “Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của ông Bảy đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Đây cũng là cơ hội giúp ND học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng”.

Thu nhập cao nhờ trồng bưởi theo hướng hữu cơ

Sản xuất theo hướng hữu cơ đang trở thành xu hướng phát triển của nhiều địa phương nhằm hướng đến nền nông nghiệp bền vững. Bà Huỳnh Thị Hiền (ấp Nhơn Trị 2, xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) là một trong những người tiên phong trong việc chuyển đổi sang mô hình trồng bưởi theo hướng hữu cơ tại địa phương.

Bà Huỳnh Thị Hiền (ấp Nhơn Trị 2, xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) là một trong những người tiên phong trồng bưởi theo hướng hữu cơ tại địa phương

Gắn bó với nghề trồng bưởi hơn 9 năm, ngay từ những ngày đầu, bà Hiền tìm hiểu về phương pháp trồng hữu cơ để áp dụng cho vườn bưởi nhà mình.

Ban đầu, bà tự ủ phân gà để bón cho cây bưởi. Sau này, khi tham gia các lớp tập huấn do Hội ND TP.Tân An tổ chức, bà được các kỹ sư hướng dẫn cách canh tác hữu cơ bài bản hơn. Bà còn chủ động đi học hỏi thêm kinh nghiệm tại các tỉnh khác để áp dụng vào thực tế.

Bà Hiền cho biết, so với phương thức trồng bưởi bằng phân bón hóa học, canh tác hữu cơ vất vả hơn do ND phải tự ủ phân. Tuy nhiên, đổi lại, bưởi trồng theo hướng hữu cơ sẽ không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và cải thiện chất lượng đất.

Hiện tại, bà Hiền sở hữu 0,6ha bưởi với khoảng 250 gốc, 100% diện tích đều được canh tác theo hướng hữu cơ. Mỗi năm, bà thu hoạch khoảng 10 tấn bưởi.

Dù năng suất không tăng nhiều so với phương pháp truyền thống nhưng nhờ bưởi hữu cơ có chất lượng cao hơn nên giá bán tốt hơn. Trung bình, giá bưởi hữu cơ dao động khoảng 30.000 đồng/kg, riêng vào dịp tết, giá có thể tăng mạnh. Sau khi trừ chi phí sản xuất, bà thu lợi nhuận từ 150-200 triệu đồng/năm.

“Bưởi trồng theo phương pháp hữu cơ không chỉ bảo đảm an toàn sức khỏe cho người trồng, người tiêu dùng mà còn giúp cải thiện môi trường đất và nguồn nước. Phân hữu cơ chứa đầy đủ các nguyên tố đa, trung, vi lượng mà phân khoáng không có. Đặc biệt, việc sử dụng phân hữu cơ giúp giữ ổn định nhiệt độ đất, hạn chế hiện tượng bốc hơi nước, giúp tiết kiệm nước tưới. Vào mùa mưa, đất cũng dễ thoát nước hơn, giảm nguy cơ ngập úng và dư thừa nước” - bà Hiền chia sẻ.

Chủ tịch Hội ND xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An - Nguyễn Thị Ánh Hồng cho biết: “Chúng tôi luôn khuyến khích nhà vườn áp dụng phương pháp trồng bưởi hữu cơ vì không chỉ bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng mà còn giúp ND bán được sản phẩm với giá cao hơn”.

Với việc đẩy mạnh sản xuất và phát triển những mô hình nông nghiệp hiệu quả đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp nói riêng, KT-XH nói chung. Không chỉ tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa chủng loại cây trồng, vật nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn khuyến khích ND đổi mới tư duy, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Qua đó, góp phần khai thác tốt nguồn lực đất đai, lao động, nguồn vốn, bảo vệ môi trường sinh thái, thực hành sản xuất an toàn, sạch, xanh, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp bền vững./.

Bùi Tùng - Khánh Duy

Chia sẻ bài viết


Tham khảo diệt chuột tại Hà Nội giá rẻ