Triển vọng từ nghề nuôi ếch
Trong những mô hình nông nghiệp mới, sáng tạo, hiệu quả kinh tế cao, nuôi ếch được đánh giá khá triển vọng, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân.
Anh Trương Văn Lươi (ấp Voi, xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) trước đây sống chủ yếu nhờ làm thuê. Ai thuê gì làm nấy nhưng tiền kiếm được chỉ đủ trang trải cuộc sống chứ không dư dả.
Đầu năm 2024, nhờ người quen giới thiệu, anh quyết định thử sức với nghề nuôi ếch. Với hơn 3 triệu đồng, anh xây một hồ nhỏ và nuôi thử 5.000 con ếch giống. Ban đầu, anh chỉ định “nuôi chơi”, không nghĩ rằng sẽ trở thành nguồn thu nhập chính.
Những lứa ếch đầu tiên mang lại lợi nhuận cao nên anh mạnh dạn đầu tư hơn 30 triệu đồng mở rộng quy mô. Đến nay, tổng diện tích các hồ nuôi ếch của anh hơn 300m2. Anh cũng là người đầu tiên trên địa bàn xã khởi xướng nuôi ếch, sau đó nhiều hộ khác bắt đầu nuôi theo.
Theo anh Lươi, thời gian nuôi ếch từ con giống đến khi xuất bán là 1,5 tháng, còn nuôi từ trứng đến khi bán là 2,5 tháng.
Anh Trương Văn Lươi (ấp Voi, xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ) đầu tư hơn 30 triệu đồng để xây hồ nuôi ếch
Anh Lươi chia sẻ: Dù thời gian nuôi ếch từ trứng dài hơn nhưng mang lại hiệu quả cao hơn nhờ tỷ lệ hao hụt thấp và tiết kiệm chi phí con giống. Tuy nhiên, giai đoạn ếch phát triển từ trứng lên nòng nọc đòi hỏi chăm sóc cẩn thận, vì đây là thời điểm quyết định chất lượng cả vụ nuôi.
Hiện tại, giá bán ếch thịt dao động từ 35.000-45.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, tùy theo giá mỗi năm, tôi có lợi nhuận từ 100-200 triệu đồng.
Ếch dễ nuôi, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, tuy nhiên, người nuôi cần quan sát kỹ để kịp thời xử lý khi ếch có dấu hiệu bệnh.
Để nuôi ếch thành công, anh Lươi chú trọng môi trường sống của chúng. Ếch là loài lưỡng cư, thay da mỗi ngày khiến nước trong bể dễ bẩn và đóng cặn.
Vì vậy, việc thay nước thường xuyên là rất cần thiết. Ngoài ra, ếch cũng dễ mắc các bệnh về tiêu hóa, người nuôi phải kiểm tra thường xuyên và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Theo các chuyên gia, trong tháng đầu tiên, sau 1 tuần bắt đầu thay nước; những lần sau, thay nước từ 2- 3 ngày/lần, mực nước duy trì từ 25-30cm. Từ tháng thứ hai, thay nước 1 lần/ngày, mức nước giảm xuống còn 10-15cm.
Đồng thời, cần thay nước vào buổi sáng sớm, nếu thay vào chiều tối thì thay trước khi cho ăn.
Nếu sử dụng nước giếng khoan thì nguồn nước phải được bơm lên và trữ trước 1 ngày để loại bỏ mùi kim loại, các thành phần hóa học trong nước.
Với kiến thức học hỏi từ người quen và Internet, anh Lươi thành công với mô hình nuôi ếch. Trong tương lai, anh mong muốn nhận được sự hỗ trợ về vốn và kỹ thuật để tiếp tục phát triển mô hình.
“Tôi hy vọng có thể chia sẻ nghề nuôi ếch đến những người quan tâm, giúp nhiều người có thêm lựa chọn hướng phát triển kinh tế bền vững" - anh Lươi nói.
Canh tác lúa theo hướng hữu cơ
Hiện nay, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Tân Trụ canh tác lúa theo quy trình hữu cơ, vừa giảm chi phí sản xuất, vừa tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe người dân khi hạn chế sử dụng phân bón, thuốc hóa học.
Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Trụ - Lê Văn Trường, thời gian qua, huyện có 25 mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với quy mô 250ha và tiếp tục duy trì, nhân rộng.
Mô hình canh tác lúa ứng dụng công nghệ cao theo hướng hữu cơ gắn với xây dựng xã nông thôn mới nâng cao được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Trụ triển khai tại nhiều khu vực trên địa bàn.
Nông dân quen dần với việc sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế bón thừa phân, nhất là phân đạm, giảm các đối tượng gây hại, bảo vệ hệ thiên địch, giảm chi phí đầu tư, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường, tạo ra sản phẩm lúa gạo an toàn.
Trồng lúa theo hướng hữu cơ giúp giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường
Ông Lê Văn Nga (ấp Bình Đức, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ) gắn bó với nghề trồng lúa từ nhỏ. Hiện ông canh tác 0,5ha lúa.
Sau khi tham gia mô hình, ông được Nhà nước hỗ trợ 40% chi phí vật tư gồm lúa giống và phân bón, chế phẩm phân hủy rơm rạ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón lá hữu cơ.
Ông Nga chia sẻ: “Tham gia mô hình và được hỗ trợ trồng lúa theo hướng hữu cơ, tôi thấy khả năng đẻ nhánh của ruộng lúa sớm hơn, số chồi hữu hiệu cao hơn trước kia. Việc sử dụng phân bón gốc, phân bón lá hữu cơ vi sinh, Trichoderma và Humic để bón lót góp phần giúp đất tơi xốp, hạ phèn, tăng khả năng đẻ nhánh và giúp rễ phát triển mạnh, hấp thu tối đa dinh dưỡng,... Sau khi tổng kết mô hình, tôi tiếp tục trồng lúa theo hướng hữu cơ này”.
Cũng theo ông Nga, sau khi trồng lúa theo hướng hữu cơ được 2 vụ, ông nhận thấy chi phí đầu tư giảm, năng suất tăng, lợi nhuận trung bình cao hơn lúc trước khoảng 11%.
“Sử dụng các loại phân bón hữu cơ vi sinh bón gốc và bón qua lá giúp cân bằng sinh thái đất. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học cũng như áp dụng các biện pháp quản lý sâu, bệnh hại giúp giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật” - ông Nga nói.
Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Trụ, những ruộng áp dụng mô hình và ruộng đối chứng có số lần bón phân như nhau (4 lần). Tuy nhiên, ruộng áp dụng mô hình sử dụng chủ yếu các loại phân bón hữu cơ nên đất tơi xốp hơn, rễ phát triển khỏe hơn.
Ở ruộng mô hình có sử dụng phân Humic Acid Granules 99%, phân bón lá DS-90, Neptune và Vidabor cung cấp acid humic, kali hữu hiệu và các chất trung lượng làm cho cây lúa phát triển chiều cao và bộ lá dày, dài hơn so với ruộng đối chứng.
Các hộ nông dân tham gia mô hình cũng nhiệt tình, đối ứng vật tư, thực hiện tốt các khâu từ bón lót phân hữu cơ vi sinh và Trichoderma trước khi gieo sạ đến canh tác theo quy trình kỹ thuật khuyến cáo.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh - Dương Văn Tuấn cho biết, những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp.
Hiện nay, Trung tâm khuyến khích, hỗ trợ và đồng hành cùng nông dân nhân rộng các mô hình canh tác hiệu quả như trồng trọt theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao vào canh tác,...
Trung tâm cũng chú trọng tổ chức các chương trình tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, tổ chức tham quan học tập các mô hình sản xuất hiệu quả để nông dân tiếp cận những phương pháp canh tác tiên tiến, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững, vừa bảo đảm hiệu quả kinh tế, vừa thân thiện với môi trường./.
Minh An