Tiếng Việt | English

31/05/2023 - 08:29

Phát triển nhà ở xã hội cần những giải pháp đồng bộ (Bài cuối)

Là một trong những tỉnh, thành nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Long An có tốc độ phát triển KT-XH hàng năm duy trì ở mức cao, quy mô nền kinh tế đứng đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thứ 12 cả nước và tốp 3 cả nước về quy mô các khu công nghiệp. Những năm qua, bên cạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa diễn ra nhanh, nhiều đô thị được mở rộng về không gian, phát triển mạnh mẽ về kết cấu hạ tầng. Việc hình thành các khu nhà ở, khu đô thị góp phần thay đổi diện mạo đô thị. Tuy nhiên, hiện nay, các dự án (DA) phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh đa số là DA nhà ở thương mại, thiếu phân khúc xây dựng các DA nhà ở xã hội (NƠXH). Trong khi đó, nhu cầu NƠXH của công nhân, lao động (CNLĐ), người có thu nhập thấp vẫn rất cao. Để đạt mục tiêu hoàn thành 95.000 căn NƠXH vào năm 2030 rất cần những giải pháp đồng bộ.

Bài cuối: Cần những giải pháp đồng bộ

Để hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2030 hoàn thành 95.000 căn NƠXH theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, CN khu công nghiệp (KCN) giai đoạn 2021-2030” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngay từ thời điểm này, UBND tỉnh; các sở, ngành cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trong phát triển NƠXH.

Quy hoạch phải bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội

Thông tin từ HĐND tỉnh, qua kết quả triển khai, thực hiện phát triển NƠXH những năm qua trên địa bàn tỉnh, có thể thấy rõ bất cập khi tỷ lệ quỹ đất quy hoạch dành để xây dựng NƠXH trong khu dân cư, khu đô thị, KCN chưa bảo đảm theo quy định bắt buộc, chưa kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung đủ quỹ đất dành để phát triển NƠXH trong quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị.

HĐND tỉnh khảo sát một số vị trí được quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn TP.Tân An

Tại cuộc đối thoại về phát triển NƠXH mới đây do HĐND tỉnh tổ chức, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh - Mai Văn Nhiều khẳng định, để bảo đảm yêu cầu chỉ tiêu Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển NƠXH, UBND tỉnh phải khẩn trương rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dành cho phát triển NƠXH để điều chỉnh, bổ sung phù hợp. Đặc biệt cần bố trí đủ quỹ đất để phát triển NƠXH trong các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch phát triển KCN và quy hoạch xây dựng các cơ sở giáo dục đại học, trường dạy nghề theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Trong quá trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết phải bảo đảm bố trí đủ 20% quỹ đất trong các DA khu dân cư, khu đô thị và 2% tổng diện tích quy hoạch các KCN dành để xây dựng NƠXH cũng như triển khai đầu tư thiết chế Công đoàn theo Đề án của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng các thiết chế Công đoàn tại các KCN, khu chế xuất bảo đảm đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ CNLĐ làm việc tại KCN.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm, hiện UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương khẩn trương phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng xác định lại quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất đã có, quy hoạch đang chuẩn bị triển khai để đề xuất quy hoạch vị trí khu đất phù hợp để đầu tư các khu NƠXH tập trung theo đúng tinh thần nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh.

“Đối với các DA nhà ở thương mại, khu đô thị tại đô thị loại 3 trở lên khi phê duyệt đồ án quy hoạch phải dành quỹ đất cho phát triển NƠXH. Đối với các khu vực không phải là đô thị loại 3, UBND cấp huyện phải căn cứ vào nhu cầu NƠXH trên địa bàn huyện theo chương trình, kế hoạch và chỉ tiêu phát triển nhà ở đã được UBND tỉnh phê duyệt để dành một phần diện tích đất ở trong DA xây dựng NƠXH theo đúng quy định của pháp luật” - ông Nguyễn Minh Lâm cho biết.

Ngoài ra, để đầu tư hoàn thành 95.000 căn NƠXH đến năm 2030, nhu cầu đất ở cần khoảng 580ha. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 là 220ha và giai đoạn 2026-2030 là 360ha. Với quỹ đất 357ha hiện bảo đảm đáp ứng chương trình phát triển NƠXH của tỉnh đến năm 2025. Giai đoạn 2025-2030 còn thiếu khoảng 223ha. Do đó, UBND tỉnh yêu cầu các huyện phát triển mạnh về công nghiệp như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước,... tập trung rà soát nhu cầu nhà ở CN, xây dựng kế hoạch phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng đề xuất quy hoạch vị trí khu đất phù hợp để đầu tư các khu NƠXH tập trung. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế rà soát lại các KCN đề xuất quy hoạch vị trí khu đất phù hợp để đầu tư nhà ở CN theo đúng quy định.

Bài 1: Công nhân, lao động “khát” nhà ở xã hội

Bài 2: Phát triển nhà ở xã hội không đạt chỉ tiêu nghị quyết

Thực hiện đồng bộ các chính sách

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách khi thực hiện các DA NƠXH, thời gian tới, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh xem xét, tính toán, phối hợp thực hiện đồng bộ các loại chính sách từ đất đai, đầu tư, xây dựng, các loại thuế, chính sách cho người LĐ, chính sách đặc thù của tỉnh để thực hiện hoặc đề xuất chỉnh sửa cho phù hợp thực tiễn yêu cầu phát triển NƠXH.

Đồng thời, UBND tỉnh đề nghị Sở Xây dựng phối hợp Sở Tài chính và các cơ quan liên quan sớm nghiên cứu, đề xuất cơ chế thành lập Quỹ NƠXH từ nguồn vốn do các chủ đầu tư khi thực hiện DA thuộc trường hợp phải dành 20% quỹ đất bố trí NƠXH đóng góp với giá trị tương đương việc dành 20% quỹ đất bố trí NƠXH theo quy định hiện nay cùng với nguồn hỗ trợ từ ngân sách địa phương và huy động từ các nguồn hợp pháp khác để thực hiện việc đầu tư xây dựng NƠXH bảo đảm hoàn thành mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, để giữ chân CN làm việc lâu dài cho các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp, UBND tỉnh khuyến khích và sẵn sàng hướng dẫn chủ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp thực hiện đầu tư xây dựng NƠXH cho CN tương ứng với phần diện tích của khu, cụm công nghiệp.

Từ hiệu quả của một số mô hình nhà ở xã hội, tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của công nhân, lao động, người có thu nhập thấp

Ngoài ra, thực tế tại tỉnh, việc đầu tư các khu NƠXH riêng lẻ theo từng DA sẽ dẫn đến những bất cập. Do đó, UBND tỉnh sẽ có báo cáo, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh thực hiện phát triển NƠXH tập trung thay cho việc dành các quỹ đất 20% cho phù hợp với thực tiễn tại địa phương và nhằm bảo đảm cho khu đô thị, khu nhà ở hình thành phát triển đồng bộ về không gian kiến trúc cảnh quan, khai thác tối đa giá trị quỹ đất có giá trị trong khu đô thị. Đồng thời, UBND tỉnh sẽ xây dựng quy định cụ thể việc hoán đổi vị trí khu đất cũng như trách nhiệm đóng góp kinh phí của các chủ đầu tư nhà ở thương mại dùng để đầu tư NƠXH theo đúng quy định.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ Xây dựng, Chính phủ sớm đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng đang còn vướng mắc, chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn để tạo thuận lợi trong việc phát triển NƠXH trong thời gian tới, bảo đảm chỉ tiêu NQ của HĐND tỉnh và chỉ tiêu đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, CN KCN giai đoạn 2021-2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, phân bổ chi tiêu phát triển NƠXH cho tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030, đầu tư hoàn thành 95.000 căn./.

TP.Tân An quy hoạch 5 khu nhà ở xã hội

Thông tin từ Phòng Quản lý đô thị TP.Tân An, hiện thành phố có chủ trương đầu tư 5 khu NƠXH trên địa bàn phường 5, xã Nhơn Thạnh Trung, Hướng Thọ Phú (2 khu) và An Vĩnh Ngãi. Trong đó, diện tích quy hoạch NƠXH tại phường 5 có quy mô khoảng 59ha, xã Hướng Thọ Phú 56ha, Nhơn Thạnh Trung 92ha và vị trí ở An Vĩnh Ngãi khoảng 117ha. Các vị trí quy hoạch xây dựng NƠXH tại TP.Tân An cơ bản thuận lợi với hạ tầng giao thông, tiện ích xã hội hiện hữu. Giai đoạn 2023-2025, dự kiến lập kế hoạch phân khu, kế hoạch chi tiết và lập các quy hoạch phù hợp để thu hút đầu tư tại 2 khu trên địa bàn phường 5 và xã Hướng Thọ Phú. Giai đoạn 2025-2030, thành phố sẽ tiếp tục triển khai các khu NƠXH còn lại theo định hướng quy hoạch tổng thể chung.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết