Tiếng Việt | English

02/11/2015 - 09:41

Châu Thành-Long An:

Phát triển nhanh diện tích thanh long

Huyện Châu Thành hiện có trên 6.500ha thanh long, trong đó, phần lớn là thanh long ruột đỏ.

Các xã vùng hạ phát triển nhanh diện tích trồng thanh long

Thời gian gần đây, nhờ ứng dụng kỹ thuật xông đèn cho thanh long ra hoa trái vụ, bán được giá nên hiệu quả kinh tế của cây thanh long rất cao. Diện tích cây thanh long đang phát triển rất nhanh ở các xã vùng hạ, đến nay, xã Thanh Phú Long từ chỗ chỉ có hơn 100ha, đến nay đã phát triển gần 900ha, chiếm hơn 85% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. 2 xã Thuận Mỹ và Thanh Vĩnh Đông cũng trồng mới hàng trăm hécta thanh long.

Để hỗ trợ nông dân trong sản xuất, huyện phối hợp Viện Cây ăn quả miền Nam tổ chức hội thảo về phòng bệnh đốm trắng trên cây thanh long, giới thiệu quy trình quản lý, giảm thiệt hại ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng trái thanh long xuất khẩu. Trong đó, Viện Cây ăn quả miền Nam khuyến cáo nông dân sử dụng 5 biện pháp phòng trị bệnh đốm trắng trên cây thanh long, gồm: Vệ sinh đồng ruộng, giảm nguồn bệnh trong các khu vườn, thăm vườn thường xuyên, tỉa bỏ và tiêu hủy triệt để bằng cách cắt và chôn sâu các bộ phận cây và quả nhiễm bệnh; tuyệt đối không được vứt bỏ cành và quả bị bệnh trên liếp hoặc dưới mương nước sẽ làm mầm bệnh lây lan.

Trong canh tác, phải bón phân NPK và phân trung-vi lượng cân đối; tăng cường sử sụng chế phẩm vi sinh có lợi như nấm Trichoderma, kết hợp bón phân hữu cơ hoai mục. Khi có nhu cầu trồng mới, nông dân nên chọn lựa hom giống khỏe từ những vườn thanh long tốt, không bị nhiễm bệnh hoặc mua giống từ những cơ sở cung cấp cây giống có uy tín và chất lượng, làm thông thoáng vườn.

Để quản lý chặt và phòng bệnh đốm trắng trên cây thanh long có hiệu quả, nông dân cần diệt mầm bệnh khi mới phát hiện, thực hiện các biện pháp hết sức triệt để, mầm bệnh đốm trắng sẽ không lây lan ra diện rộng./.

Hoàng Hồ
 

Chia sẻ bài viết