Tiếng Việt | English

30/07/2022 - 17:13

Phòng, chống mua bán người: Lấy bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân làm trung tâm

Tội phạm mua bán người gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về quyền con người, tác động tiêu cực đến an ninh chính trị của mỗi quốc gia và là trung tâm dẫn đến hàng loạt các hành vi vi phạm pháp luật.

Bàn giao đối tượng để khởi tố vụ án mua bán người sang Campuchia tại Gia Lai. (Ảnh minh hoạ: Hồng Điệp/TTXVN)

Bàn giao đối tượng để khởi tố vụ án mua bán người sang Campuchia tại Gia Lai. (Ảnh minh hoạ: Hồng Điệp/TTXVN)

Trong hai năm năm qua, mặc dù phải tập trung đối phó với dịch COVID-19, nhưng Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương vẫn luôn coi công tác phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ trọng tâm, triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này. Đặc biệt, công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống mua bán người đang ngày càng chặt chẽ.

80% nạn nhân bị mua bán qua các nước giáp biên

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an nhận định tội phạm mua bán người xảy ra ở hầu hết các địa bàn từ thành thị, tới nông thôn hay vùng sâu hẻo lánh. Phương thức phạm tội thường tinh vi, có cả trực tiếp dẫn gián tiếp, đôi khi qua trung gian hoặc thông qua không gian mạng... Tội phạm có cấu kết chặt chẽ, giữa người mua, người bán, hay những kẻ môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh, xuyên quốc gia, quốc tế.

Các hình thức mua, bán người phổ biến là núp dưới vỏ bọc cho nhận con nuôi; đẻ thuê; kết hôn với người nước ngoài; xuất khẩu lao động; di cư bất hợp pháp; vượt biên trái phép đi lao động tự do; ra nước ngoài thăm thân, du lịch... Gần đây nhất là vụ việc lừa đảo đưa lao động đi làm việc tại Campuchia.

Theo Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, 80% nạn nhân của buôn bán người bị bán sang các quốc gia có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam, số còn lại sang một số nước khác bằng đường bộ, đường không và đường biển nên công tác phòng ngừa phát hiện điều tra, xử lý của lực lượng chức năng gặp nhiều trở ngại.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng có nhiều nguyên nhân làm gia tăng nạn mua bán người, như: Tình trạng di cư, phân hóa giàu nghèo, bất ổn kinh tế, chính trị, thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh; sự phát triển không gian mạng và các nền tảng kỹ thuật số đã đang tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm mua bán người; chính sách mở cửa, hội nhập toàn cầu tạo cơ hội cho những kẻ mua bán người di chuyển và đưa dẫn nạn nhân qua biên giới một cách dễ dàng, an toàn dưới danh nghĩa hợp tác làm ăn, thăm thân, du lịch.

“Gần đây, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu tìm việc làm để ổn định đời sống của một bộ phận quần chúng nhân dân gặp khó khăn. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các đối tượng triệt để lợi dụng lừa gạt, dụ dỗ nạn nhân ra nước ngoài để mua bán,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cảnh báo.

Tăng cường hợp tác liên ngành

Tội phạm mua bán người gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về quyền con người, tác động tiêu cực đến an ninh chính trị của mỗi quốc gia và là trung tâm dẫn đến hàng loạt các hành vi vi phạm khác như nhập cư bất hợp pháp, làm giả giấy tờ, kinh doanh mại dâm, buôn bán ma túy. Do đó, trước tình hình tội phạm mua bán người có những diễn biến phức tạp, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương luôn coi công tác phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ trọng tâm và được triển khai quyết liệt.

Lễ ký kết quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Lễ ký kết quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Bên cạnh việc thực thi các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người và các pháp luật khác có liên quan thì Thủ tướng Chính phủ ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch nhằm thúc đẩy thực thi tốt hơn các vấn đề về phòng, chống mua bán người như: Quyết định thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 138/CP); Quyết định số 193/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1957/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Công ước ASEAN về phòng, chống mua người đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hằng năm, các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP đều xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, phân công lãnh đạo bộ, ngành tham gia Ban Chỉ đạo; thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện Chương trình Phòng, chống mua bán người tại các địa phương. 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người và các chương trình, kế hoạch chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 138/CP.

Bên cạnh đó, Việt Nam luôn là thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm của Công ước Liên hợp quốc, Công ước ASEAN, Nghị định thư và các Hiệp định hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước liên quan về phòng, chống mua bán người.

Đặc biệt, mới đây bốn cơ quan của Chính phủ gồm: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công An, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao đã cùng nhau ký kết quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Quy chế phối hợp tập trung làm rõ và đẩy mạnh thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản như tăng cường công tác thông tin, nâng cao chất lượng nghiệp vụ công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân được tốt nhất, kịp thời nhất và hiệu quả nhất.

Các bộ ngành sẽ tập trung tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ theo nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm, nhất là trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người. Quy chế sẽ đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất của các bộ để nâng cao hiệu quả, chất lượng phối hợp và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập khi thực hiện hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân bị mua bán.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh hệ lụy của tội phạm mua bán người rất nặng nề, dai dẳng đối với các nạn nhân, gia đình và xã hội, đòi hỏi công tác tiếp nhận, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị mua bán cần được điều chỉnh, cải thiện hơn nhằm giúp nạn nhân có thể dễ dàng tái hòa nhập với cộng đồng. Sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ thông qua Quy chế phối hợp là yếu tố chính nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết