Tiếng Việt | English

26/07/2021 - 11:44

Quan tâm chăm sóc sức khỏe phụ nữ vùng biên giới

Bên cạnh việc thực hiện các giải pháp ưu tiên chăm sóc sức khỏe (CSSK) người dân biên giới, nhất là phụ nữ (PN) thì Chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS-KHHGÐ) cũng được triển khai sâu, rộng tại các vùng biên. Qua đó, giúp PN dễ tiếp cận các dịch vụ y tế cũng như có điều kiện CSSKSS ngày càng tốt hơn.

Tư vấn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ

Tư vấn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ 

Người dân xã biên giới Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An chủ yếu sản xuất nông nghiệp, đời sống còn gặp khó khăn. Do đó, công tác CSSK cho PN được xã đặc biệt quan tâm. Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp - Bùi Anh Văn cho biết: “Công tác tuyên truyền được chú trọng bằng nhiều hình thức như vãng gia, lồng ghép trong các cuộc họp, thông qua hệ thống loa, đài. Nội dung truyền thông chủ yếu về hệ lụy mất cân bằng giới tính khi sinh; tầm quan trọng của sàng lọc trước sinh, sơ sinh; các biện pháp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho PN;… Từ đó, người dân từng bước nâng cao nhận thức trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, chú trọng về an toàn thực phẩm và nước sạch dùng trong sinh hoạt; đặc biệt là lợi ích của CSSKSS định kỳ”.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Lan, ngụ ấp 2, xã Tân Hiệp, chia sẻ: “Các đợt Chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ CSSKSS-KHHGÐ được tổ chức tại địa phương, tôi đều tham gia. Đội ngũ y, bác sĩ không chỉ tận tình kiểm tra sức khỏe mà còn tư vấn kỹ về các dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ, giúp tôi lựa chọn các biện pháp tránh thai hiện đại, phù hợp. Qua đó, tôi cũng hiểu được tầm quan trọng của khám sức khỏe định kỳ, nhất là việc tầm soát ung thư cổ tử cung. Nếu có vấn đề về sức khỏe thì tôi đến trạm y tế xã để được tư vấn và điều trị kịp thời”.

Cũng như các địa phương khác, xã biên giới Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa có nhiều giải pháp thay đổi hành vi, nhận thức của người dân trong CSSK, nhất là CSSKSS cho PN. Trong đó, công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe là một trong những giải pháp góp phần trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết cho mỗi gia đình.

Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Tây - Hoàng Thị Thùy Như thông tin: “Những năm qua, công tác bảo vệ, CSSK PN, trẻ em trên địa bàn luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo thực hiện. Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp PN xã tích cực phối hợp tổ chức các đợt Chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ CSSKSS-KHHGÐ tại địa phương. Đội ngũ cộng tác viên ngoài thực hiện tốt các dịch vụ CSSK cho PN biên giới còn chú trọng công tác truyền thông, đặc biệt là tuyên truyền vãng gia để nâng cao nhận thức của người dân. Hàng năm, xã đón nhiều đoàn y, bác sĩ đến khám bệnh miễn phí cho người dân và PN vùng biên. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, các hoạt động này tạm dừng để hạn chế tập trung đông người”.

Qua tuyên truyền, phụ nữ chủ động tìm hiểu các biện pháp chăm sóc sức khỏe bản thân

Qua tuyên truyền, phụ nữ chủ động tìm hiểu các biện pháp chăm sóc sức khỏe bản thân

Hàng năm, ngành Dân số phối hợp các ban, ngành, đoàn thể triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền về dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ. Toàn xã có 15 cộng tác viên dân số - gia đình và trẻ em hoạt động đều khắp ở 5 ấp. Công tác tuyên truyền được lồng ghép trong các cuộc họp, sinh hoạt chi, tổ hội, họp nhóm, nói chuyện chuyên đề.

Từ đầu năm 2021 đến nay, xã vận động 15 PN khám thai định kỳ và sàng lọc trước sinh. Xã có 813 PN trong độ tuổi sinh đẻ, trong đó, có 725 PN được vận động thực hiện các biện pháp KHHGĐ phù hợp, hiện đại. Trong các đợt khám bệnh từ thiện, xã đều ưu tiên mời PN, nhất là PN nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, giúp họ có cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế và nâng cao nhận thức trong việc CSSK bản thân.

Hoạt động CSSKSS-KHHGĐ tại các xã biên giới trong thời gian qua đạt nhiều kết quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức và chất lượng cuộc sống cho PN vùng biên. Việc triển khai Chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ CSSKSS-KHHGÐ tại vùng biên giới không chỉ giúp PN được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc thiết yếu mà còn góp phần nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH địa phương.

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết