Nông dân có điều kiện ứng dụng công nghệ cao vào trồng chanh nhờ nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân
Chanh không hạt là một trong những cây trồng chủ lực tại xã Thạnh Hòa vì thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, phát triển tốt. Cây chanh không hạt đã trở thành cây trồng làm giàu cho ND bởi không chỉ nổi tiếng trong tỉnh, góp phần phát triển KT-XH địa phương mà còn lần lượt chinh phục thị trường châu Âu, Trung Đông, châu Á, Bắc Mỹ.
Chủ tịch Hội ND xã Thạnh Hòa - Nguyễn Hoài Vũ cho biết: Hội ND xã đang quản lý 3 dự án với tổng nguồn vốn 1,6 tỉ đồng. Trong đó có 1 dự án từ Quỹ HTND Trung ương với số tiền 800 triệu đồng, có 11 hộ vay; 2 dự án từ Quỹ HTND tỉnh với 20 hộ vay, gồm 1 dự án 500 triệu đồng và 1 dự án 300 triệu đồng. Tất cả nguồn vốn này đều được ND sử dụng để cải tạo vườn chanh, ứng dụng công nghệ cao trên tổng diện tích 43,5ha chanh nhằm mang lại giá trị cao trong quá trình sản xuất trên cùng một diện tích đất.
Ông Lê Thanh Phùng (ấp 2, xã Thạnh Hòa) đang trồng khoảng 4,5ha chanh không hạt, ổi, tắc,... Ông Phùng chia sẻ, vườn chanh không hạt trồng cách đây nhiều năm nên già cỗi, cho trái ít, năng suất lẫn chất lượng giảm. Tháng 5/2022, từ 50 triệu đồng vay của Quỹ HTND tỉnh, ông thuê nhân công phá bỏ vườn chanh cũ, đầu tư trồng các gốc chanh giống mới.
Ngoài dành vốn đầu tư giống chanh mới, ông Phùng còn đào mương dẫn nước vào vườn chanh, đầu tư hệ thống tưới. Đến nay, vườn chanh bắt đầu cho trái chiến, rất xanh tốt và hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Nhờ nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, ông Lê Thanh Phùng (ấp 2, xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức) cải tạo vườn, ứng dụng công nghệ cao vào trồng chanh
Ông Lê Minh Chắn (ấp 2, xã Thạnh Hòa) được vay 60 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương vào tháng 3/2023. Từ nguồn vốn này, ông làm hệ thống nước tưới, mua dụng cụ phát cỏ, phân bón, thuốc sinh học,...
Hiện nay, 1,5ha chanh của ông đều sản xuất theo hướng an toàn sinh học và ký hợp đồng bán trái chanh cho Công ty TNHH Một thành viên The Fruit Repulic Cần Thơ.
Ông Chắn cho biết: “Một tháng, tôi thu hoạch chanh từ 1-2 lần, mỗi lần khoảng 1 tấn trái. Số tiền bán chanh, tôi dùng trang trải chi phí thuê nhân công, phân thuốc, lo cho con học đại học. Thuận lợi của việc trồng chanh ứng dụng công nghệ cao là được ký hợp đồng thu mua dài lâu với doanh nghiệp, giá bán cao hơn giá thị trường từ 4.000-5.000 đồng/kg, không sợ chanh rớt giá, không bán được. Theo tôi, nguồn Quỹ HTND rất thiết thực vì nguồn phí quản lý thấp (0,7%/tháng), mỗi quí đóng phí 1 lần nên không quá “nặng gánh” với ND”.
Quỹ HTND là hình thức hoạt động không vì mục đích lợi nhuận mà để hỗ trợ, giúp đỡ hội viên ND xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển ngành nghề. Theo đó, ND được vay quỹ trong vòng 36 tháng, phí quản lý 0,7%/tháng. Với thời gian vay lâu, phí quản lý thấp, nhiều ND mạnh dạn vay để đầu tư sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn.
Theo ông Nguyễn Hoài Vũ, nguồn vốn vay từ Quỹ HTND đã thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, giúp ND khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng đất, tạo ra các loại nông sản hàng hóa, dịch vụ đạt chất lượng cao.
Qua việc hỗ trợ vay vốn từ nguồn quỹ này, Hội ND lồng ghép đẩy mạnh tuyên truyền, tập hợp ND tham gia thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế gắn với phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống ND và xây dựng Hội vững mạnh.
Bên cạnh đó, Hội góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giúp nhiều lượt hội viên ND mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, từng bước ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống./.
"Hội ND xã đang quản lý 3 dự án với tổng nguồn vốn 1,6 tỉ đồng. Trong đó có 1 dự án từ Quỹ HTND Trung ương với số tiền 800 triệu đồng, có 11 hộ vay; 2 dự án từ Quỹ HTND tỉnh với 20 hộ vay, gồm 1 dự án 500 triệu đồng và 1 dự án 300 triệu đồng. Tất cả nguồn vốn này đều được ND sử dụng để cải tạo vườn chanh, ứng dụng công nghệ cao trên tổng diện tích 43,5ha chanh nhằm mang lại giá trị cao trong quá trình sản xuất trên cùng một diện tích đất”.
Chủ tịch Hội ND xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức - Nguyễn Hoài Vũ
|
Mai Hương