Rà soát thực tế tại các cụm, tuyến dân cư vượt lũ để có phương án khai thác, sử dụng hiệu quả
Hơn 20.600 hộ dân đã vào ở
Chương trình C,TDC vượt lũ trên địa bàn tỉnh được triển khai từ năm 2001 theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1548/QĐ-TTg, ngày 05/12/2001. Toàn tỉnh triển khai đầu tư 165 C,TDC (104 cụm, 61 tuyến).
Tổng mức đầu tư của chương trình hơn 938,2 tỉ đồng; nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư tôn nền, vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam đầu tư hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện, nước,... và nguồn vốn cân đối từ ngân sách của địa phương.
Từ năm 2002-2006 là giai đoạn thực hiện chương trình C,TDC vượt lũ rất quyết liệt. Qua đó, góp phần giải quyết nhiều vấn đề an sinh vùng lũ, mang lại hiệu quả khá rõ nét. Gia đình ông Nguyễn Văn Minh trước đây sinh sống trong căn nhà lá tạm bợ ở ngoài đồng, không có điện và nước hợp vệ sinh.
Những năm qua, ông lên TDC kênh 3, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa sinh sống. Ở TDC này, các điều kiện thiết yếu như điện, nước, đường đều đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt, đi lại của người dân nên ông Minh rất phấn khởi.
Tuy nhiên, những năm qua, chương trình này còn một số khó khăn, hạn chế. Các C,TDC vượt lũ trên địa bàn tỉnh chưa được sử dụng, khai thác hết công năng. Ngoài ra, tại một số C,TDC, vì nhiều lý do như không thuận lợi mưu sinh nên tỷ lệ người dân vào ở thấp, không ít trường hợp bỏ hoang, cũng có những trường hợp chủ nhà đóng cửa im ỉm quanh năm và đi kiếm việc làm ở nơi khác.
Ông Mai Văn Chín là một trong những cư dân ở khu dân cư vượt lũ tại xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng. "Tôi chủ yếu sống bằng nghề chài lưới nên phụ thuộc vào mùa nước nổi. Nhiều năm nay, lũ ít về, cá tôm không nhiều nên tôi bỏ nghề. Còn 2 đứa con, thời gian trước cũng ở đây nhưng vì không có việc làm nên rời quê đi làm công nhân ở tỉnh Bình Dương, thỉnh thoảng mới về thăm" - ông Chín nói.
Bên cạnh đó, có những C,TDC, hạ tầng thiết yếu chưa bảo đảm. Theo Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Văn Hùng, công tác xây dựng hạ tầng thiết yếu trong các C,TDC đạt 136/165 cụm, tuyến (khoảng 82%); còn lại 29 cụm, tuyến đã có hạ tầng nhưng hiện xuống cấp, chưa bảo đảm hạ tầng thiết yếu.
Theo rà soát và thống kê của cơ quan chức năng, đến nay, người dân vào ở trong C,TDC còn thấp, chỉ khoảng 59,4%. Cụ thể, có 20.654 hộ dân đã vào ở trong C,TDC, trong đó thuộc đối tượng là 13.035 hộ (đạt 71,7%), sinh lợi 7.619 hộ.
Dựa vào tình hình thực tế để điều chỉnh phù hợp
Qua thời gian, tình hình lũ ở các địa phương có nhà C,TDC vượt lũ cũng không còn như trước. Hàng năm, người dân ngóng lũ về lớn hơn nhưng chẳng thấy. Với giai đoạn hiện nay, cần đánh giá cụ thể các C,TDC vượt lũ, nhu cầu để có chủ trương thay đổi nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí. Vấn đề này cũng được đại biểu HĐND tỉnh chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng trong kỳ họp HĐND tỉnh gần đây.
Với nội dung này, Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã vùng lũ để rà soát nhu cầu sử dụng C,TDC vượt lũ.
Trường hợp cụm, tuyến chưa có dân vào ở hoặc không còn đối tượng vào ở thì báo cáo UBND tỉnh chuyển công năng để địa phương mời gọi đầu tư dự án phục vụ phát triển KT-XH, tránh láng phí nguồn lực về đất đai”.
Sở Xây dựng phối hợp UBND các huyện, thị xã vùng lũ nghiên cứu rà soát, điều chỉnh quy hoạch đối với các C,TDC còn trống lô nền. Sau đó, Sở bố trí các điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu hút dân vào ở cụm, tuyến theo đúng quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 1 Quyết định số 714/QĐ-TTg, ngày 14/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm tăng tỷ lệ lấp đầy các C,TDC vượt lũ.
Mặt khác, các địa phương vùng lũ lập kế hoạch tập trung mọi nguồn lực, gồm cả nguồn vốn thuộc các chương trình mục tiêu và huy động các nguồn vốn khác để đầu tư duy tu, nâng cấp hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, điện, nước,... Từ đó, phục vụ đời sống người dân, thu hút người dân vào ở trên các C,TDC vượt lũ, nhằm nâng tỷ lệ lấp đầy, hạn chế tình trạng bỏ hoang.
Người dân vào ở trong cụm, tuyến dân cư vượt lũ còn thấp, chỉ khoảng 59,4%. Cụ thể, có 20.654 hộ dân đã vào ở
UBND các huyện, thị xã có C,TDC vượt lũ rà soát lại đối tượng. Trường hợp không còn hộ gia đình thuộc diện đối tượng để bố trí hoặc đã giải quyết đủ thì báo cáo, đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương bán đấu giá những lô nền chính sách dôi dư theo quy định. Số tiền thu được từ việc bán đấu giá các lô nền, nhà ở nêu trên sẽ sử dụng để duy tu, bảo trì hoặc đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật theo đúng quy định tại khoản 4, Điều 1 của Quyết định số 714/QĐ-TTg, ngày 14/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, các địa phương có C,TDC vượt lũ chủ trì phối hợp Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan rà soát cụ thể số liệu, các quy định về quy hoạch để đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch thành đất dự trữ.
Trong đó, nêu rõ loại hình dự trữ phục vụ phát triển KT-XH của địa phương. Trên cơ sở này, báo cáo tỉnh xem xét cho chủ trương thực hiện đối với phần đất dự trữ khi kết thúc chương trình C,TDC vượt lũ.
|
Hơn 20 năm qua, chương trình Cụm, tuyến dân cư vượt lũ trên địa bàn tỉnh giúp hàng ngàn gia đình "an cư, lạc nghiệp". Tuy nhiên, đến nay, một số Cụm, tuyến dân cư người dân chưa “mặn mà” vào ở.
|
“Theo Quyết định số 319/QĐ-TTg, ngày 01/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến đến hết năm 2025 sẽ tổng kết, đánh giá và kết thúc chương trình C,TDC vượt lũ.
Sau khi kết thúc chương trình, các phần đất dự trữ thuộc thẩm quyền quản lý của của huyện, thị xã sẽ thực hiện đấu giá dùng để phát triển kinh tế của địa phương” - ông Nguyễn Văn Hùng thông tin./.
Lê Đức