Tiếng Việt | English

05/01/2021 - 08:57

Rau, hoa, quả sẵn sàng phục vụ thị trường tết

Thời điểm này, nông dân các địa phương trên địa bàn tỉnh Long An tất bật chăm sóc rau, hoa, quả để sẵn sàng phục vụ thị trường tết.

Tất bật chăm sóc rau màu

Từ đầu năm 2020 đến nay, thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Vì vậy, nhiều mặt hàng trái cây hút hàng trong dịp Tết Nguyên đán như bưởi, mãng cầu, dưa hấu,... đều được nông dân thận trọng khi đầu tư vì lo sợ thị trường tiêu thụ năm nay sẽ khó khăn hơn những năm trước.

Thời gian gần đây, dưa hấu Mỹ Lộc (xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc) khá nổi tiếng. Cứ khoảng 22-25 tháng Chạp, thương lái từ nhiều nơi lại đến thu mua dưa hấu tận ruộng. Điều này giúp nông dân trồng dưa ở xã Mỹ Lộc năm nào cũng có vụ mùa bội thu. Ông Lưu Hoàng Minh, ngụ ấp Lộc Trung, xã Mỹ Lộc, có kinh nghiệm trồng dưa hấu hơn 20 năm, chia sẻ: “Người dân xã Mỹ Lộc chủ yếu trồng dưa hấu không hạt hay còn gọi là dưa Mặt trời đỏ. Thông thường, giữa tháng 10 Âm lịch, nông dân bắt đầu xuống giống dưa hấu. Gần đến Tết Nguyên đán, dưa hấu được vận chuyển ra đường lớn để thương lái đến mua. Giá bán dao động từ 13.000-15.000 đồng/kg. Năm nay, gia đình tôi định mở rộng diện tích trồng dưa hấu phục vụ thị trường tết nhưng lo ngại dịch bệnh còn diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng đầu ra nên chỉ trồng 0,6ha”.

Người dân xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc chăm sóc dưa hấu chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán

Ngoài chú trọng phát triển công nghiệp, huyện Cần Giuộc cũng quan tâm nhiều đến nông nghiệp, nhất là sản xuất rau màu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc cho biết: “Khoảng tháng 11 Âm lịch, nông dân bắt đầu xuống giống các loại rau màu phục vụ thị trường tết, trong đó tập trung nhiều ở các xã: Mỹ Lộc, Phước Hậu, Phước Lâm,... với tổng diện tích khoảng 1.700ha. Không chỉ trồng rau, nhiều năm qua, người dân còn trồng các loại hoa như vạn thọ, cúc mâm xôi, sống đời,... với diện tích trên 30ha. Dự kiến tết năm nay, nông dân trồng hoa màu sẽ có lãi cao hơn từ 2- 2,5 lần so với năm trước”.

Từ lâu, khổ qua trở thành món ăn không thể thiếu của nhiều gia đình trong dịp tết. Nắm bắt được điều này, gia đình ông Đồng Tấn Phong, ngụ khu phố Quyết Thắng II, phường Khánh Hậu, TP.Tân An, xuống giống 0,9ha khổ qua. Ông Phong cho biết: “Khổ qua tết thường bán với giá cao. Như Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, khổ qua bán giá 20.000-21.000 đồng/kg tại vườn. Trong khi đó, khổ qua chỉ cần bán với giá khoảng 5.000 đồng/kg là người dân đã có lãi. Khổ qua trồng từ 45-50 ngày thì bắt đầu thu hoạch, nếu chăm sóc tốt thời gian thu hoạch kéo dài từ 1,5-2 tháng”.

Dự kiến Tết Tân Sửu 2021, vườn bưởi của anh Lê Minh Quý phục vụ thị trường hơn 1 tấn bưởi

Anh Lê Minh Quý, ngụ khu phố Thủ Tửu 1, phường Tân Khánh, TP.Tân An, cho biết: “Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, gia đình tôi bán ra thị trường khoảng 1 tấn bưởi da xanh, với giá bán dao động từ 55.000-65.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, còn lãi trên 20 triệu đồng. Năm nay, từ đầu tháng 5 Âm lịch, gia đình tôi bắt đầu tỉa cành, chỉ chọn lại những bông đẹp, trái đều để chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Dự kiến gia đình bán ra thị trường 1 tấn bưởi với giá không tăng so với năm rồi, thậm chí có thể thấp hơn”.

Còn gia đình ông Bùi Văn Hoài, ngụ ấp Tân Chánh A, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, trồng mãng cầu Thái, giá bán ngày thường trên 60.000 đồng/kg. Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, gia đình ông chủ động chăm sóc cho cây ra trái đúng dịp để phục vụ nhu cầu của người dân. Ông Hoài trải lòng: “Năm nay, vườn mãng cầu cho trái rất sai nhưng gia đình tôi không dám để trái nhiều như mấy năm trước mà chia thành từng đợt để có thể tiêu thụ nhanh, không bị dội hàng”.

Tại huyện Cần Đước, vụ rau tết năm nay, nhiều nông dân chủ động sản xuất theo hướng an toàn, giảm tối đa lượng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật để mang sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng.

Sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao cho năng suất cao hơn từ 10-20% so với sản xuất truyền thống

Để chuẩn bị cho thị trường tết, ông Lê Văn Quyển, ngụ ấp 4, xã Long Khê, huyện Cần Đước, quyết định cải tạo gần 1ha đất để trồng hành lá theo hướng an toàn. Theo ông Quyển, sản xuất rau an toàn trong nhà màng giúp nông dân giảm chi phí hơn và tăng lợi nhuận so với sản xuất truyền thống. “Năm nay, gia đình tôi trồng hành lá và các loại rau gia vị với diện tích khoảng 1ha để phục vụ thị trường tết. Hiện nay, giá hành lá được thu mua tại vườn dao động từ 20.000-25.000 đồng/kg, tăng 8.000-12.000 đồng/kg so với năm trước. Theo dự kiến, mọi việc thuận lợi thì vụ này, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi cũng kiếm thêm được vài chục triệu đồng để vui đón tết”.

Làng mai Tân Tây vào vụ tết

Khoảng 4 năm trở lại đây, mỗi mùa tết, người dân xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa lại tất bật chăm sóc mai để bán. Đến nay, tổng diện tích trồng mai của xã trên 285ha, phần lớn đang vào giai đoạn chăm bón, xử lý để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.

Trưởng ban Đại diện làng nghề trồng mai Tân Tây - Nguyễn Văn Hoàng cho biết, trước đây, người dân địa phương chủ yếu trồng lúa, khoai mì, khoai mỡ nhưng hiệu quả không cao. Sau đó, có người đem cây mai từ huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre về địa phương trồng và chỉ sau vài năm thì thu về hàng chục tỉ đồng. Từ đó, người dân nơi đây dần chuyển đổi sang trồng mai và cải thiện được thu nhập, nâng cao mức sống. “Hiện tại, đã có nhiều thương lái đến vườn thu mua với số lượng hơn 1.000 gốc mai. Giá bán vẫn như mọi năm, tầm 1,5-2 triệu đồng/gốc” - ông Hoàng nói.

Hơn 6.000 gốc mai trên 4 năm tuổi sẵn sàng phục vụ thị trường tết

Ông Phạm Tấn Cường, ngụ ấp 3, xã Tân Tây, chia sẻ, năm rồi, vào thời điểm này, làng mai vàng Tân Tây đã tấp nập người mua, bán, còn hiện tại thì có vẻ trầm lắng hơn. Năm nay, ông Cường có gần 2.000 gốc mai vàng (hơn 3 năm tuổi) dự tính bán trong dịp tết. “Hiện có một vài chủ vườn đã bán mai vàng gần hết. Nhìn chung, giá mai năm nay không dao động nhiều so với mọi năm, mỗi gốc mai trên 4 năm tuổi vẫn giữ mức bán khoảng 2 triệu đồng/gốc” - ông Cường chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tây - Lê Xuân Hảo cho biết: “Những năm gần đây, nhiều nông dân trồng mai mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, trên địa bàn xã có gần 3ha mai vàng (tương đương với 6.000 gốc mai) từ 4 năm tuổi trở lên, dự kiến sẽ bán trong dịp tết này. Nhưng trước diễn biến thất thường của thời tiết và dịch bệnh Covid-19, người trồng mai cần thường xuyên thăm vườn, chủ động trong khâu chăm sóc và có định hướng đầu ra. Hy vọng người trồng mai tết sẽ có một mùa vàng”.

Tết đang đến gần, rau màu, hoa, cây kiểng phục vụ thị trường tết bắt đầu vào mùa. Nông dân hy vọng sẽ có vụ tết bội thu để vừa góp chút hương xuân, vừa có thêm thu nhập đón tết đủ đầy, sung túc./.

Hiện toàn tỉnh có khoảng 5.150ha rau màu, trong đó có hơn 2.100ha rau ứng dụng công nghệ cao. Việc triển khai ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau hiện nay được người dân đồng tình, ủng hộ, nhất là tại các vùng rau chuyên canh của tỉnh như Cần Đước, Cần Giuộc vì đáp ứng yêu cầu thị trường, đặc biệt là năng suất tăng từ 10-20%. Sở chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp địa phương thường xuyên tập huấn, hỗ trợ người dân về các mô hình sản xuất, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra tình hình sâu, bệnh nhằm kịp thời phát hiện, hướng dẫn người dân phòng trị, bảo đảm nguồn rau màu an toàn phục vụ thị trường tết”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện

Lê Ngọc - Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích