Tiếng Việt | English

22/01/2018 - 13:50

Rửa tay bằng xà phòng: Thói quen nhỏ, lợi ích lớn

Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch được xem là vắc-xin phòng bệnh. Thế nhưng, thói quen rửa tay chưa được thực hiện tự giác và thường xuyên trong toàn dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn và người đang nuôi hoặc chăm sóc trẻ.

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch góp phần cứu sống hàng triệu người

Còn xem nhẹ việc rửa tay bằng xà phòng

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, hầu hết người dân biết rửa tay bằng xà phòng với nước sạch, vệ sinh ăn uống, sát khuẩn, diệt khuẩn đồ chơi, nơi sinh hoạt của trẻ sẽ phòng được bệnh tay - chân - miệng (TCM) và các bệnh về đường tiêu hóa. Nhưng từ nhận thức đúng cho đến hành động đúng thì còn xa nên bệnh vẫn xuất hiện.

Thực tế cho thấy, hiện nay, nhiều người còn xem nhẹ tầm quan trọng của việc rửa tay bằng xà phòng, thậm chí biết rõ tác hại của việc không rửa tay thường xuyên nhưng vẫn không thực hiện. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, là nguyên nhân dẫn đến mắc các bệnh nguy hiểm. Chị Nguyễn Thị Mỹ Oanh, tạm trú tại thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An cho rằng: “Rửa tay với nước sạch, ngửi không còn mùi hôi nghĩa là bàn tay đã sạch. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh là không cần thiết. Vì vậy, gia đình không trang bị xà phòng ở các vòi nước”.

Theo số liệu điều tra của Bộ Y tế, tỷ lệ người dân Việt Nam rửa tay với xà phòng trước khi ăn hiện chỉ đạt 23% và 36% sau khi sử dụng nhà vệ sinh. Chính vì xem nhẹ việc rửa tay bằng xà phòng và nước sạch nên trẻ thường mắc bệnh từ người lớn, người trực tiếp chăm sóc trẻ hoặc do bàn tay trẻ không được sát khuẩn. Năm 2017, Long An ghi nhận 4.544 ca mắc bệnh TCM (2.169 ca nội trú, tăng 3,2% so với năm 2016; 2.375 ca ngoại trú); 4.287 ca mắc bệnh tiêu chảy.

Giáo viên Trường Mẫu giáo Hoa Sen hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng đúng cách trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh

Cần giữ bàn tay luôn sạch khuẩn

Nhằm giữ bàn tay luôn sạch khuẩn cũng như phòng, tránh các bệnh truyền nhiễm, hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đều có công văn gửi các cơ sở giáo dục đẩy mạnh các biện pháp phòng bệnh TCM. Theo đó, các em ở trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học được giáo viên tập thói quen rửa tay thật sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Tại Trường Tiểu học An Lục Long B (xã An Lục Long, huyện Châu Thành), công tác vệ sinh phòng dịch luôn được chú trọng.Trường có 13 lớp, 407 học sinh. Trường tuyên truyền việc thực hiện vệ sinh cá nhân thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, lớp, phát thanh, các cuộc họp cha mẹ học sinh, đồng thời thường xuyên vệ sinh sân trường, phát quang bụi rậm,... Từ đó, học sinh không chỉ ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân mà còn tuyên truyền cho gia đình và cộng đồng, giúp mọi người biết tầm quan trọng của việc phòng, chống bệnh.

Em Đỗ Thị Kim Ngân - học sinh lớp 5.3, Trường Tiểu học An Lục Long B, cho biết: “Em thực hiện rửa tay bằng xà phòng và nước sạch mỗi ngày ít nhất 3 lần. Tay dơ có thể chứa hàng triệu vi khuẩn và rất nhiều tác nhân gây bệnh, nhất là bệnh TCM, tiêu chảy”.

Mỗi năm, Trường Mẫu giáo Hoa Sen (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) đón khoảng 430 trẻ nhập học, trong đó, tỷ lệ bán trú là 100%. Ngoài việc chăm sóc chu đáo cho trẻ, trường chú trọng bảo đảm vệ sinh các bữa ăn, đặc biệt là thực hiện tốt phòng, chống dịch bệnh.

Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Sen - Nguyễn Thị Thùy Trang thông tin: “Công tác vệ sinh phòng, chống dịch bệnh được trường đưa vào kế hoạch hoạt động hàng năm. Sàn nhà các phòng học được giáo viên lau ít nhất 2 lần/ngày. Thứ sáu hàng tuần, giáo viên làm sạch tất cả thiết bị đồ chơi và đồ dùng cá nhân của trẻ bằng xà phòng hoặc dung dịch Cloramin B. Trường trang bị đầy đủ hệ thống rửa tay và xà phòng để trẻ rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Nếu phát hiện có trẻ mắc bệnh thì cán bộ y tế ở trường thông báo ngay cho gia đình và các đơn vị y tế để phối hợp xử lý kịp thời”.

Thứ sáu hàng tuần, giáo viên làm sạch tất cả thiết bị đồ chơi và đồ dùng cá nhân của trẻ bằng xà phòng hoặc dung dịch Cloramin B

Việc vệ sinh phòng dịch và giáo dục trẻ về ý thức vệ sinh cá nhân ở Trường Mẫu giáo Bình Minh (phường 1, TP.Tân An) luôn được quan tâm thực hiện hiệu quả. Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Bình Minh - Nguyễn Thị Thu Nga chia sẻ: “Xác định chăm sóc và giáo dục trẻ là 2 nhiệm vụ song song, vì vậy, chúng tôi luôn chú trọng bảo đảm sức khỏe cho trẻ. Công tác tập huấn kỹ năng phòng, chống dịch bệnh cho trẻ được triển khai đến 100% giáo viên”.

Theo đó, giáo viên thường xuyên làm vệ sinh môi trường trường học, đặc biệt là vệ sinh lớp học, nhà tiêu, nhà tiểu.Nhân viên y tế chủ động nắm tình hình học sinh mỗi lớp, sớm phát hiện những cháu có biểu hiện lạ như mệt, sốt để có biện pháp xử lý kịp thời. Cùng với thường xuyên vệ sinh đồ dùng, đồ chơi cho trẻ, trường tổ chức tuyên truyền kiến thức phòng, chống dịch bệnh cho các bậc phụ huynh; treo bảng hướng dẫn cách phòng tránh bệnh tiêu chảy, TCM, đau mắt đỏ,... ở những nơi mà phụ huynh dễ nhìn nhất.

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Long An - bác sĩ Ngô Văn Hoàng đánh giá: Hiện nay, các trường từ mầm non, mẫu giáo đến tiểu học đều triển khai hướng dẫn rửa tay cho học sinh. Tuy nhiên, một số trường trang bị hệ thống rửa tay nhưng chưa thực hiện thường xuyên. Nhiều trường trang bị bồn cũng như vòi nước rửa tay rất ít so với số lượng học sinh. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch là một biện pháp phòng bệnh hiệu quả, ít tốn kém, giúp phòng tránh các bệnh lây qua đường tiêu hóa, tiếp xúc như TCM. Vì vậy, người chăm sóc trẻ phải rửa tay nhiều lần trong ngày, nhất là trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ; thường xuyên vệ sinh đồ chơi, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường hoặc Cloramin B”.

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch chỉ là thói quen nhỏ nhưng lợi ích lớn, là biện pháp hiệu quả bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Vì vậy, mỗi chúng ta cần chú trọng thực hiện để giữ sạch đôi tay. Đặc biệt, người lớn cần tạo cho trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng để phòng tránh các bệnh nguy hiểm cũng như tránh lây lan bệnh qua bàn tay bẩn.

Tại Hội nghị triển khai hoạt động truyền thông rửa tay bằng xà phòng và nước sạch tại các trường tiểu học vừa qua, cán bộ phụ trách Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Viện Pasteur TP.HCM - Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Thị Thiên Ngân nhấn mạnh: “Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch góp phần cứu sống hàng triệu người. Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch còn được xem là liều vắc-xin tự chế, rất đơn giản, dễ thực hiện, hiệu quả về chi phí, giảm 40% các trường hợp mắc bệnh tiêu hóa và 25% bệnh liên quan đường hô hấp (cúm mùa, viêm phổi, bệnh sởi,...). Vì vậy, chúng ta nên dành 15-20 giây rửa tay bằng xà phòng và nước sạch”./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích