Người xưa uống rượu ngâm thơ, tiếp đãi bạn bè, người thân lâu ngày gặp lại hay “tống tửu” lúc chia ly,… Rượu góp phần tạo nên nhiều giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Chén rượu chứa đựng đầy ắp tình cảm của người mời và người được mời, nó được dùng như phương tiện biểu đạt tâm ý, thể hiện lòng thành. Thật vậy, binh tướng trước lúc xuất quân đánh giặc, chén rượu tiễn đưa làm tăng phần sĩ khí; khi ca khúc khải hoàn, chén rượu khao quân là tấc lòng thành của hậu phương thưởng người lập kỳ công nơi trận mạc. Chén rượu còn được dùng trong những cuộc tiễn đưa hay họp mặt, thật ấm áp nghĩa tình…
Còn hiện nay, chúng ta phải thừa nhận rằng, rượu bia ngày càng được sử dụng thái quá, “chén tạc chén thù” mất dần nét đẹp. Từ rượu, bia dẫn đến biết bao vụ tai nạn giao thông thương tâm, nhiều gia đình chịu cảnh mất mát, tang thương. Rượu vào lời ra, nhiều cuộc cãi vã không đáng có, xảy ra mâu thuẫn rồi xô xát, chém giết nhau. Lạm dụng rượu, bia còn gây tác hại đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống. Thậm chí, có không ít người “nghiện” rượu, sống cuộc sống bất cần. Nếu xưa, rượu được dùng để giao tế thì ngày nay, không ít người dùng rượu để thách đố nhau, uống để chứng tỏ tửu lượng hơn người,… Thậm chí, có trường hợp tử vong vì quá chén, dùng rượu để thách thức nhau. Đó là chưa kể đến thiệt hại về mặt kinh tế khi đất nước còn nhiều khó khăn nhưng lại là quốc gia tiêu thụ bia cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương, trong đó có Long An, cấm cán bộ, công chức uống rượu, bia trong giờ hành chính và giờ nghỉ trưa các ngày làm việc trong tuần, nhưng tình trạng này vẫn còn xảy ra. Có rượu, bia trong người, cán bộ, công chức sẽ khó thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, đó là chưa kể đến những người làm công tác tiếp dân trong tình trạng say xỉn sẽ rất phản cảm, gây mất niềm tin nơi người dân. Vì vậy, thực hiện nghiêm quy định trên không chỉ bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao mà cán bộ, công chức còn giữ được uy tín của mình trong nhân dân.
Hệ lụy của việc lạm dụng rượu, bia đã rõ, do đó những ai đã và đang dùng chúng hãy nhìn lại chính mình để giữ gìn “văn hóa uống” mãi là nét đẹp như bản chất vốn có của nó. Chúng ta không nên hơn thua nhau bằng chén rượu, dùng rượu để chứng tỏ “bản lĩnh”… mà hãy sử dụng chúng như một phương tiện giao tiếp, thể hiện tình cảm với nhau, biết dừng đúng lúc, ở mức độ cho phép và cũng không nên ép nhau chén rượu. Đừng để rượu, bia ảnh hưởng đến công việc, sức khỏe, chất lượng cuộc sống.
Rượu, bia và “văn hóa uống”, mọi chúng ta cùng suy ngẫm và có cách ứng xử phù hợp, giữ gìn nét đẹp văn hóa vốn có của nó./.
Khánh Tâm