Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra việc kinh doanh, vận chuyển gia cầm tại các địa phương giáp biên giới
Ứng phó các chủng vi-rút cúm gia cầm có thể lây sang người
Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới, tình hình dịch bệnh cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đang diễn biến phức tạp ở 13 tỉnh, thành phố với số ca mắc tăng cao đột biến, tỷ lệ tử vong cao (khoảng 40%). Đồng thời, theo thông báo của Tổ chức Thú y Quốc tế (OIE) tại tỉnh Svay Rieng (Campuchia) xảy ra một số ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm - đây là tỉnh có chung đường biên giới khu vực Tây Nam của nước ta.
Ngoài dịch cúm A/H7N9, A/H5N1 đang có diễn biến phức tạp trên các đàn gia cầm hoặc gây bệnh trên người, hiện nay, thế giới đang ghi nhận cúm A/H5N6, cúm A/H5N8 gây dịch trên các đàn gia cầm tại một số nước châu Âu, châu Á. Tại Việt Nam cũng ghi nhận rải rác ổ dịch cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm tại một số tỉnh, thành phố. Trước tình hình trên, ngành Y tế Long An chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tích cực ứng phó với dịch bệnh, nhất là những địa phương có các xã giáp biên giới Campuchia.
Cơ quan chức năng kiểm tra việc buôn bán trứng gia cầm
Tại thị xã Kiến Tường, công tác phòng, chống dịch bệnh đang được chú trọng thực hiện. Nhân viên Khoa Kiểm soát dịch y tế thuộc Trung tâm Y tế dự phòng Long An - Nguyễn Nhựt Linh, người trực tiếp thực hiện kiểm dịch y tế tại Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, chia sẻ: “Kiểm dịch y tế tại cửa khẩu là nhiệm vụ hằng ngày của đơn vị. Khi có dịch bệnh thì công tác này càng được tăng cường. Mỗi ngày, lượng khách Campuchia qua Việt Nam giao thương, buôn bán khoảng 30 người. Khoa được trang bị 1 máy tầm nhiệt và 1 máy nhiệt kế áp tai nhằm kiểm soát nhiệt độ người dân qua biên giới Việt Nam. Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh, chúng tôi sẽ phối hợp ngành Y tế địa phương cách ly, theo dõi và điều trị, tránh lây lan trong cộng đồng. Khoa cũng được trang bị máy phun thuốc tiêu độc, khử trùng hàng hóa, phương tiện nhập vào Việt Nam. Ngoài ra, hàng hóa này cũng được kiểm tra có đủ tiêu chuẩn và có nằm trong vùng dịch hay không để có biện pháp xử lý kịp thời”.
Ngành Y tế thị xã Kiến Tường cũng sẵn sàng ứng phó dịch bệnh. Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã - bác sĩ Chung Văn Kiều chia sẻ: “Chúng tôi củng cố thành viên ban chỉ đạo phòng, chống dịch và 2 đội phòng, chống dịch lưu động; đồng thời, có công văn chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn chủ động phòng, chống dịch bệnh. Ngành duy trì mạng lưới sẵn sàng thu dung, điều trị, cách ly kịp thời các trường hợp nghi ngờ. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thị xã thường xuyên giám sát tình hình dịch bệnh và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các xã biên giới, nhất là việc qua lại của người dân biên giới và nước bạn qua đường tiểu ngạch”.
Với huyện Tân Hưng, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, ngành phối hợp ngành Thú y cùng chính quyền địa phương kiểm soát vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm trên địa bàn; tăng cường tuyên truyền để người dân hợp tác chặt chẽ các cơ quan chức năng trong việc giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời khi có dịch bệnh. Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Hưng - Bùi Thị Thùy Linh thông tin: “Ngành chuẩn bị đầy đủ phương tiện cấp cứu, thuốc, vật tư, máy phun hóa chất, phương tiện bảo hộ, khu vực cách ly bệnh, sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra, nhất là tại các xã biên giới như Hưng Điền, Hưng Điền B, Hưng Hà”.
Mặc dù, hiện nay nước ta nói chung và Long An nói riêng chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H7N9, A/H5N1, A/H5N6 ở người; tuy nhiên, các dịch cúm trên có nguy cơ xâm nhập vào nước ta, lây truyền sang người và bùng phát dịch. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các ngành, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Khoa Kiểm dịch y tế được trang bị thiết bị kiểm soát nhiệt độ người dân qua biên giới Việt Nam tại cửa khẩu
Theo thông tin cập nhật tình hình dịch bệnh cúm gia cầm ngày 11/3/2017 từ Cục Thú y Việt Nam (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cả nước hiện có 6 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tại 11 hộ chăn nuôi trên địa bàn 6 tỉnh (Bạc Liêu, Sóc Trăng, Tây Ninh, Bắc Ninh, Cao Bằng và Hà Tĩnh) chưa qua 21 ngày. Riêng TP.Cao Bằng có 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi thuộc phường Sông Bằng. Tổng số gia cầm bị cúm A/H5N1 và H5N6 chết và tiêu hủy là 12.360 con. Theo Cục Thú y, nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. |
Phòng cúm gia cầm cũng là bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh trên gia cầm cũng là cách bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Do đó, công tác phối hợp giữa ngành Y tế và Thú y là vô cùng quan trọng. Trong đó, truyền thông là một trong những biện pháp giúp người dân nâng cao nhận thức, chủ động phòng, chống dịch bệnh. Ngành Y tế, Thú y cùng chính quyền địa phương phối hợp tuyên truyền qua hệ thống loa, đài; qua các cuộc họp tổ, chi hội của các ngành, đoàn thể. Cộng tác viên y tế ấp và nhân viên chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cán bộ Thú y xã tăng cường đến từng hộ gia đình, kịp thời giải đáp những thắc mắc của người dân về các chủng vi-rút cúm gia cầm, không để người dân hoang mang, lo lắng, không sử dụng gia cầm bệnh chết và gia cầm không rõ nguồn gốc.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường - Trương Văn Y, xã có 14,2km đường biên giới giáp xã Nhor, Ksetr của huyện Kampong Rou, tỉnh Svay Rieng (Campuchia). Hiện tại, tổng đàn gia cầm của toàn xã là 11.000 con, bao gồm vịt chạy đồng, gia cầm của người dân trong xã nuôi với quy mô nhỏ, lẻ nên nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Do đó, thời điểm này, lãnh đạo xã tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, tuyên truyền người dân chú ý tiêm ngừa đầy đủ. Khi nghi ngờ có dịch bệnh xảy ra, người dân báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp khống chế dịch, ngăn chặn lây lan diện rộng.
Chị Mai Thị Huỳnh Dao, ngụ ấp 2, xã Thạnh Trị chia sẻ: “Qua tuyên truyền, tôi biết được các chủng vi-rút cúm gia cầm, sự nguy hiểm của dịch bệnh. Vì vậy, dù gia đình tôi nuôi gia cầm nhỏ, lẻ nhưng vẫn thực hiện tiêm ngừa đầy đủ. Các thành viên trong gia đình đều thực hiện ăn chín, uống chín; sử dụng gia cầm có nguồn gốc rõ ràng”.
Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Kiến Tường - Nguyễn Thành Nhơn thông tin: “Kiến Tường hiện có 11 đàn gia cầm với gần 40.000 con. Trong 11 đàn vịt chạy đồng trên địa bàn thị xã thì có 6 đàn đến từ các địa phương khác: Vĩnh Long, Đồng Tháp,... Kiến Tường là địa phương có biên giới giáp Campuchia, người dân chăn nuôi nhỏ, lẻ, ít khai báo, khi buôn bán, vận chuyển không đi đường chính ngạch. Để phòng, chống dịch bệnh, ngành chú trọng kiểm tra, kiểm soát giết mổ và khuyến cáo người dân không nên chăn thả gia cầm ở những cánh đồng trên đất Campuchia, chú ý công tác tiêu độc, khử trùng chuồng trại, vệ sinh môi trường, phòng trừ dịch bệnh”.
Nhằm phòng, chống, đẩy lùi các nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, mỗi người dân phải có ý thức, trách nhiệm, chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân cũng là chung tay bảo vệ cộng đồng./.
N.Mận-P.Ngân-T.Hiểu