Tiếng Việt | English

18/10/2020 - 11:40

Sản xuất hồi phục, xuất khẩu cả năm vẫn có thể tăng 3-4%

Căn cứ bối cảnh tình hình hiện nay, dự kiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cả năm 2020 sẽ có thể đạt mức tăng từ 3-4%

Trong 9 tháng năm 2020, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương, trong khi nhiều nền kinh tế khu vực và thế giới có mức tăng trưởng âm. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động sản xuất trong nước đang từng bước được khôi phục sau dịch Covid-19.

Bộ Công Thương cho biết, tính chung 9 tháng qua, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 8,4%). Đáng chú ý, trong quý III/2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 80,07 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước và tăng 34% so với quý II/2020 (tăng 26,6% so với quý 1/2020).

“Điều này cho thấy xuất khẩu đã phục hồi tích cực trong quý III/2020. Sự phục hồi này tập trung ở nhóm các mặt hàng công nghiệp chế biến, với kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này 9 tháng đã tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm tỷ trọng 84,6% tổng kim ngạch xuất khẩu”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá.

Sự phục hồi xuất khẩu quý III tập trung ở nhóm các mặt hàng công nghiệp chế biến.

Mặc dù trong 9 tháng, nhập khẩu giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước nhưng kim ngạch giảm chỉ tập trung ở nhóm hàng cần kiểm soát, không khuyến khích nhập khẩu, không phục vụ nhu cầu sản xuất như ô tô dưới 9 chỗ; máy ảnh, máy quay phim; rau quả.... Trong khi nhóm hàng cần nhập khẩu, chủ yếu là nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất, chỉ giảm 0,3% so với cùng kỳ.

Do đó, trong quý III/2020, kim ngạch nhập khẩu đạt 68,54 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 18,5% so với quý II năm nay (tăng 15,2% so với quý I), cho thấy sản xuất bắt đầu phục hồi, nhu cầu nhập khẩu đã tăng lên.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát kỹ từng lĩnh vực, ngành hàng để cập nhật lại kịch bản điều hành, xem xét các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu cho những tháng cuối năm. Qua đánh giá cho thấy, khả năng có thể đạt được ở các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và thương mại nội địa cả năm 2020 đều tích cực hơn so với đánh giá hồi tháng 7/2020.

“Do nhu cầu tiêu thụ những tháng cuối năm tăng, nên xuất khẩu vào các thị trường Mỹ và các thị trường khác cũng sẽ có mức tăng trưởng hơn so với các đầu năm. Căn cứ bối cảnh tình hình hiện nay, dự kiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cả năm 2020 sẽ có thể đạt mức tăng từ 3-4%”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin.

Thực thi Hiệp định EVFTA kịp thời thúc đẩy tăng trưởng

Từ ngày 1/8 vừa qua, Việt Nam đã chính thức thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA). Việc triển khai thực thi Hiệp định đang được thực hiện tích cực và cho kết quả hết sức khả quan. Bên cạnh mặt hàng thủy sản, gạo Việt xuất khẩu sang EU cũng có những tín hiệu khả quan khi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này đã tăng so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực. Ngoài ra, nhiều mặt hàng khác như điện thoại và linh kiện, máy móc, thiết bị phụ tùng, dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ, cà phê… cũng đang được nhận định kỳ vọng lớn trong việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này thời gian tới.

Đánh giá hiệu quả của công tác xuất khẩu sau 2 tháng thực thi Hiệp định, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chỉ rõ, trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khối EU đạt 3,25 tỷ USD, tăng 4,65% so với cùng kỳ, đưa kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 22,76 tỷ USD. Trong tháng 9 kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tiếp tục duy trì đà tăng mạnh, tăng khoảng 14,4% so với cùng kỳ.

Qua 2 tháng Bộ Công Thương đã cấp được 20.680 bộ chứng nhân CE cho hàng hóa Việt Nam vào EU với kim ngạch 830 triệu USD. Những mặt hàng được cấp CE chủ yếu là giày dép, nhựa, cà phê, túi xách, thủy sản, rau quả. Đặc biệt là mặt hàng giày dép được cấp nhiều chứng nhận CE nhất lên đến 385 triệu USD. Đối với mặt hàng thủy sản xuất khẩu vào EU được cấp CE lên tới 178 triệu USD…

“Đây là những kết quả hết sức tích cực cho thấy việc thực thi Hiệp định EVFTA đã rất kịp thời, giúp các DN tận dụng được thị trường, đặc biệt trong bối cảnh năm 2020 nền kinh tế đang phải chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19. Hiện các DN đã nắm bắt và vận dụng được những quy định của Hiệp định EVFTA”, ông Trần Thanh Hải khẳng định.


Mặt hàng giày, dép được cấp nhiều chứng nhận CE vào EU nhất, lên đến 385 triệu USD trong 2 tháng. Ảnh minh họa: KT

Cũng theo ông Trần Thanh Hải, để có các giải pháp hỗ trợ các DN tổ chức khai thác tốt hơn nữa thời cơ từ các hiệp định FTA, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ kịp thời cung cấp thông tin về thị trường cho các DN, thông qua việc phối hợp với các cơ quan thương vụ cũng như các tổ chức xúc tiến thương mại về tình hình, diễn biến của thị trường, giúp các DN triển khai tốt hơn kế hoạch sản xuất kinh doanh tốt hơn.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu. Trong thời gian vừa qua, nhiều DN đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số trong tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các phương tiện trực tuyến. Công tác thuận lợi hóa thương mại cũng sẽ tiếp tục được Bộ Công Thương đẩy mạnh, thông qua việc kết nối các dịch vụ đầu ngành chính của Bộ với Cổng dịch vụ công Quốc gia; rà soát và đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh; phối hợp với các ngành cắt giảm chi phí logistics…

“Về lâu dài, Bộ Công Thương cũng tiếp tục phối hợp với các ngành đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất để tăng nguồn hàng xuất khẩu chất lượng cao, đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường và gia tăng tỷ lệ nội địa trong các mặt hàng xuất khẩu. Đối với các mặt hàng nông sản, Bộ sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT đẩy mạnh việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn gắn với bảo quản, chế biến, thu mua tiêu thụ và từ đó đẩy mạnh việc liên kết sản xuất”, ông Trần Thanh Hải nêu giải pháp./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết