Tiếng Việt | English

19/09/2019 - 09:18

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ - Hướng đi bền vững

Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ giúp hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón tổng hợp, chất điều tiết tăng trưởng cây trồng trong quá trình sản xuất. Ðây là phương thức sản xuất giảm tác động đến môi trường, hệ sinh thái tự nhiên, tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, được không ít doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Long An thực hiện.

Ông Châu Văn Xuân (ấp 4, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa) - thành viên HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh, bên ruộng khổ qua trồng theo hướng hữu cơ

Ông Châu Văn Xuân (ấp 4, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa) - thành viên HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh, bên ruộng khổ qua trồng theo hướng hữu cơ

Mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất

Ông Châu Văn Xuân (ấp 4, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa) - thành viên HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh, có hơn 0,2ha đất sản xuất nông nghiệp. Trước đây, ông Xuân trồng lúa nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Thời gian gần đây, ông chuyển sang trồng hoa màu. Được sự hỗ trợ từ HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh, ông áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ ngay khi vừa chuyển đổi giống cây trồng. Hiện tại, ông trồng khổ qua và mướp. Ông Xuân cho biết: “Sau khi tham gia các lớp hướng dẫn về phương thức canh tác, cách sử dụng phân bón cũng như chế phẩm sinh học cho từng loại cây trồng, tôi áp dụng và thực hiện ghi chép nhật ký đồng ruộng. Qua mấy vụ canh tác, tôi nhận thấy trồng hoa màu theo hướng hữu cơ không khó, ít sâu, bệnh, chi phí đầu vào giảm, sản lượng tăng”.

Hơn 0,15ha khổ qua của ông Xuân, sau 30 ngày trồng thì bắt đầu thu hoạch trái. Hiện tại, bình quân mỗi ngày, ông thu hoạch từ 100-120kg khổ qua. Ông Xuân so sánh: “Theo nhật ký đồng ruộng mà tôi ghi chép, chi phí đầu tư theo hướng nông nghiệp hữu cơ khoảng 8 triệu đồng/0,15ha khổ qua; còn trồng theo cách truyền thống (dùng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật) tốn khoảng 13 triệu đồng. Ưu điểm khi trồng khổ qua theo hướng hữu cơ là thời gian thu hoạch lâu, có thể trên 30 ngày. Trong khi đó, trồng theo cách truyền thống thì dây khổ qua nhanh tàn, thu hoạch chỉ kéo dài hơn 20 ngày”. 

Ông Châu Văn Xuân bên ruộng khổ qua trồng theo hướng hữu cơ

Ông Nguyễn Văn Thanh (ấp 4, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa) cũng là thành viên HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh. Với 0,7ha đất, trước đây, ông trồng lúa và 2 năm nay chuyển sang trồng dưa leo. Ông áp dụng phương thức trồng dưa theo hướng hữu cơ được 1 năm. Ông Thanh nói: “Trước đây, tôi trồng theo cách truyền thống, ruộng dưa chỉ thu hoạch từ 17-18 ngày là dây vàng, không thể cho trái. Nhưng với cách trồng hiện nay, tôi thu hoạch từ 24-25 ngày nên lãi nhiều hơn”.

HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh được thành lập từ tháng 10/2018, tiền thân là tổ hợp tác. Các thành viên HTX có 35ha đất sản xuất lúa và 15ha đất sản xuất 15 loại rau, củ, quả. Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh - Nguyễn Quốc Cường thông tin: Hiện nay, tất cả thành viên HTX đều sản xuất hoàn toàn theo hướng hữu cơ. Đặc biệt đối với rau màu, hiện HTX độc quyền phân phối từ hạt giống đến phân bón, chế phẩm sinh học từ các doanh nghiệp có uy tín. Khi tham gia sản xuất theo hướng hữu cơ, nông dân được hỗ trợ cung cấp vật tư từ đầu vụ cho đến hết kỳ thu hoạch mới hoàn vốn. Hiện nay, không ít nông dân trong xã muốn gia nhập HTX do hiểu được lợi ích từ sản xuất theo hướng hữu cơ. 

Ông Nguyễn Văn Thanh, ngụ xã Mỹ Thạnh, thu hoạch dưa leo

An toàn, thân thiện môi trường

Nhận thức rõ lợi ích của sản xuất theo hướng hữu cơ, 28 thành viên HTX Nông nghiệp Kiến Bình (xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh) đang thực hiện theo hướng này. Giám đốc HTX Nông nghiệp Kiến Bình - Dương Hoài Ân chia sẻ, diện tích sản xuất của các thành viên HTX là 60ha, trong đó có 16ha lúa sản xuất hoàn toàn theo hướng hữu cơ, sử dụng giống lúa RVT, nếp cẩm và lúa tím; diện tích còn lại sản xuất bán hữu cơ, theo quy trình VietGAP. Vụ Đông Xuân 2019-2020, HTX sẽ vận động các thành viên sản xuất bán hữu cơ chuyển dần sang hướng hoàn toàn hữu cơ. 

Để nông dân an tâm sản xuất, vụ Hè Thu 2019, HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn thị trường. Hiện nay, HTX xây dựng kế hoạch sản xuất cho vụ Đông Xuân 2019-2020 đối với diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ. Theo đó, giống lúa RVT, nông dân sẽ thu lợi nhuận 20 triệu đồng/ha. Đối với giống nếp cẩm, lúa tím, nông dân “cầm chắc” lợi nhuận 35 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, thành viên phải tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật canh tác của HTX và không đặt nặng vấn đề về sản lượng. Ngược lại, HTX thu mua toàn bộ sản lượng lúa trên đồng (sản lượng nhiều hay ít, nông dân đều được trả lợi nhuận như cam kết). 

Ông Dương Hoài Ân cho biết, việc không đặt nặng sản lượng nhằm giúp thành viên an tâm sản xuất theo đúng quy trình, không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục của HTX đưa ra. Qua thử nghiệm sản xuất theo hướng hữu cơ trên vài vụ mùa, sản lượng thu hoạch bình quân đối với lúa tím từ 3-5 tấn/ha, nếp cẩm từ 5-6 tấn/ha và giống lúa RVT từ 5-8 tấn/ha.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Kiến Bình - Dương Hoài Ân (bên trái) giới thiệu sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ

Hiện nay, thành viên rất tin tưởng hình thức sản xuất này vì chi phí đầu tư bình quân chỉ 8 triệu đồng/ha/vụ và được bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, sản xuất theo hướng hữu cơ có nhiều ưu điểm như không ảnh hưởng xấu đến môi trường sống, sức khỏe người trực tiếp canh tác. 

Theo ông Dương Hoài Ân cũng như ông Nguyễn Quốc Cường, qua một thời gian sản xuất theo hướng hữu cơ, thành viên HTX dần thích nghi với phương cách sản xuất mới. Tuy nhiên, cả 2 HTX còn khó khăn về đầu ra của sản phẩm. Hiện tại, tất cả sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ của HTX Nông nghiệp Kiến Bình chỉ bán lẻ cho người quen, tặng để quảng bá. Sản phẩm rau, củ, quả của HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh bán cho thương nhân tại chợ phường 2, TP.Tân An theo giá thị trường. Tuy nhiên, cả 2 HTX đang có nhiều dự tính khá tốt trong thời gian tới.

Ông Dương Hoài Ân cho biết thêm, tất cả sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ cũng như VietGAP đang được HTX xúc tiến xây dựng thương hiệu, thực hiện các thủ tục để đạt chứng nhận VietGAP, truy xuất nguồn gốc bằng mã vạch. HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh cũng đang thực hiện các thủ tục để đạt chứng nhận VietGAP. Ông Nguyễn Quốc Cường thông tin: “HTX đã liên hệ với nhiều doanh nghiệp phân phối hàng hóa tại TP.HCM, khi sản phẩm đủ các thủ tục để được chứng nhận VietGAP sẽ được HTX bao tiêu sản phẩm theo “giá chết” cả năm để cung cấp cho doanh nghiệp này”. 

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một phần của Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mục tiêu là phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái. Thời gian qua, tỉnh có nhiều chính sách ưu tiên cho các mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao. Hưởng ứng chương trình này, nhiều doanh nghiệp, HTX áp dụng những mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ thông qua đổi mới phương thức sản xuất, tạo ra sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, muốn đầu tư sản xuất, kinh doanh nông sản theo hướng hữu cơ phải xây dựng, củng cố niềm tin cho người tiêu dùng và khai thác hiệu quả các kênh phân phối. Bởi, nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, an toàn của người dân rất lớn nhưng khách hàng thật sự của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân, người tiêu dùng chưa tiếp cận được kênh phân phối, chưa tin đó thật sự có phải là sản phẩm theo hướng hữu cơ. 

Để giải quyết vấn đề này, Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức chia sẻ, sở tích cực thực hiện nhiều cuộc xúc tiến thương mại đối với nông sản an toàn, theo hướng hữu cơ đến nhiều kênh phân phối, các cửa hàng bán lẻ trong và ngoài tỉnh. Việc phân phối sản phẩm vào hệ thống siêu thị bán lẻ giúp sản phẩm tiếp cận được đối tượng khách hàng có sẵn. Ngoài ra, doanh nghiệp, HTX nên tiếp tục khai thác các kênh quảng bá khác như hội chợ, triển lãm, phiên chợ nông sản an toàn do các ngành chức năng tổ chức. Đồng thời, doanh nghiệp, HTX làm ra sản phẩm, nhà kinh doanh phải kiên trì, bảo đảm chất lượng sản phẩm như cam kết ban đầu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích