Các em cười hớn hở khi nhận xe đạp
Nơi thành lập Bộ Tư lệnh QK7
Ngày 10-12-1945, trên mảnh đất Bình Hòa Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc huyện Đức Huệ, tỉnh Long An), Xứ ủy lâm thời Nam bộ mở hội nghị quyết định nhiều vấn đề chiến lược, trong đó có quyết định thành lập Khu 7; đồng thời, hoạch định phương hướng xây dựng và hoạt động của các lực lượng vũ trang (LLVT) ở Nam bộ.
Khu 7 là tổ chức quân sự theo lãnh đạo gồm TP.Sài Gòn, các tỉnh: Gia Định, Chợ Lớn, Bà Rịa, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh (nay là TP.HCM và các tỉnh: Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An). Bộ Tư lệnh khu gồm các đồng chí: Nguyễn Bình (Tư lệnh), Trần Xuân Độ (Chính ủy), Dương Văn Dương (Phó Tư lệnh).
Tri ân vùng đất anh hùng
Mới hơn 6 giờ sáng, các em nhỏ ở xã Bình Hòa Nam với vẻ mặt hớn hở, xúng xính trong những bộ quần áo mới, được người thân đưa đến Trường Tiểu học Bình Nam để nhận quà.
Được nhận chiếc xe đạp mới, em Nguyễn Ngọc Huế Trân, học sinh lớp 9/2 Trường THCS Bình Hòa hồ hởi: “Gia đình em không có đất, ba mẹ phải làm thuê nuôi em và em gái ăn học. Gia đình luôn thiếu trước hụt sau. Nhờ có sổ hộ nghèo, chi phí cho việc học của hai chị em cũng giảm được phần nào. Nay em càng vui hơn khi được tặng xe đạp mới. Có được món quà tặng này, em cảm giác như đoạn đường từ nhà đến trường ngắn lại”. Tuy gia đình khó khăn nhưng Huế Trân luôn cố gắng học tập và nhiều năm liền là học sinh giỏi.
Đôi chân mỏi nhừ vì trong người không được khỏe mạnh, nhưng từ sáng sớm, ông Võ Minh Tâm, ngụ ấp 3 lặn lội đến để được các y, bác sĩ QK khám, chữa bệnh. Các bạn đoàn viên, thanh niên, những chiếc áo "blouse" trắng ân cần dìu dắt, tận tình hướng dẫn những người lớn tuổi như ông đến từng phòng khám, nhận thuốc.
Ông Tâm bộc bạch: “Do sức khỏe yếu, từng bị mổ thận, tôi không thể làm việc nặng và thường xuyên phải uống thuốc. Vì gia đình nghèo nên tôi chỉ đến tiệm mua thuốc uống mà rất ít khi đi khám ở bệnh viện. Nay nhờ đoàn đến khám, chữa bệnh, tôi hiểu thêm về tình trạng sức khỏe của mình và làm theo lời khuyên của bác sĩ để bệnh tình thuyên giảm".
Phó Chính ủy Quân khu 7 - Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng ân cần thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Thạch Thị Thảnh
Nắm lấy đôi bàn tay gầy guộc, nhăn nheo, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng ghé sát tai Mẹ Việt Nam Anh hùng Thạch Thị Thảnh, ngụ ấp 1, ân cần thăm hỏi sức khỏe và dặn dò người thân chăm sóc mẹ chu đáo.
Ở tuổi xế chiều, mẹ Thảnh hiện là 1 trong 2 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống tại xã Bình Hòa Nam. Mẹ Thảnh có 8 người con, trong đó có 3 người hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đôi mắt đã mờ, chân đi chậm chạp, mẹ Thảnh nói từng tiếng chậm rãi để cảm ơn những tình cảm mà Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng trong những lần đi công tác tại xã đều tranh thủ về thăm mẹ.
Giữa cái nắng gay gắt, mồ hôi ướt đẫm nhưng lực lượng thanh niên QK và các bạn đoàn viên, thanh niên xã Bình Hòa Nam vẫn hăng say giúp dân sửa đường Thanh Hải tại ấp 2. Cảm động nhất là hình ảnh chị Nguyễn Thị Nhị, ngụ ấp 2, khi nhìn thấy "màu xanh áo lính" tất bật chuẩn bị đồ ăn, nước uống để phục vụ.
Hay như bà Nguyễn Thị Âu, vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Khởi, ở ấp 2, xúc động trước sự chăm lo của mọi người. Hoàn cảnh gia đình bà khó khăn, sống trong căn nhà lá bị hư nhiều năm nay nhưng không có điều kiện sửa chữa. Sống gần hết đời người, bà chưa từng mơ ước sẽ có được một căn nhà tường. Đến nay, bà được đoàn cán bộ QK7 hỗ trợ 70 triệu đồng, con cháu đóng góp 35 triệu đồng xây dựng căn nhà tình nghĩa. Bà nói rằng, những hành động nghĩa tình này làm cho người dân ngày càng yêu quý hơn những người lính "Bộ đội Cụ Hồ".
Phát huy truyền thống anh hùng
Xã Bình Hòa Nam được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 1995. Xã có 200 gia đình có công với cách mạng, 17 Mẹ Việt Nam Anh hùng (2 mẹ còn sống). Công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách luôn được quan tâm. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo còn 6,47%; xã phấn đấu đến năm 2016 còn dưới 4%. 5 năm liền, Đảng bộ xã đạt trong sạch, vững mạnh.
Phó Chủ tịch UBND xã - Huỳnh Văn Được cho biết, những năm gần đây, địa phương được Bộ Tư lệnh QK7 hỗ trợ rất nhiều về mọi mặt, giúp xã hoàn thành một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới như trường học, cơ sở vật chất văn hóa,... QK7 còn thường xuyên đồng hành cùng địa phương trong công tác an sinh xã hội. Những tình cảm gắn bó thắm thiết ấy mãi là niềm tự hào, đoàn kết, động lực để địa phương đạt mục tiêu xây dựng xã văn hóa-nông thôn mới năm 2016.
Phó Chủ nhiệm Chính trị QK7 - Thiếu tướng Trần Hữu Tài nhấn mạnh, hoạt động Về nguồn nhằm giáo dục truyền thống vẻ vang, những đóng góp to lớn của quân và dân Long An trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, làm tốt công tác dân vận trên địa bàn xã Bình Hòa Nam - khu di tích lịch sử, nơi thành lập Bộ Tư lệnh QK7. Qua đó, góp phần tri ân những người có công với cách mạng, gia đình chính sách nghèo khó; thắt chặt tình đoàn kết quân-dân; thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", làm sáng đẹp hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”.
Bộ Tư lệnh QK7 tổ chức 12 hoạt động tại xã Bình Hòa Nam gồm: Chiếu phim truyền thống; trưng bày hình ảnh, sách báo "QK7; QK9 qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành"; tặng 70 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học, 180 phần quà cho các cháu mầm non của xã; khám, chữa bệnh, phát thuốc và tặng quà 300 người. Trong đó, 150 người thuộc diện gia đình chính sách (2 Mẹ Việt Nam Anh hùng) và 150 người dân nghèo; dâng hương tưởng niệm, phát động hành quân "Về nguồn"; sửa chữa đường Thanh Hải tại ấp 2; trao tặng ngôi nhà "100 đồng" cho gia đình ông Lý Văn Chắc, ở ấp 2; giao lưu bóng chuyền; khánh thành 2 công trình do QK7 xây tặng (gồm: Tu sửa Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Học tập cộng đồng và sửa đường giao thông nông thôn ấp 2, tổng trị giá 1,6 tỉ đồng); giao lưu nghệ thuật "Một thời và mãi mãi"; chương trình lửa trại "Tiếp lửa truyền thống", tặng 2 căn nhà tình nghĩa (trị giá 140 triệu đồng). Tổng kinh phí Về nguồn do Bộ Tư lệnh QK7 hỗ trợ tại xã Bình Hòa Nam gần 3 tỉ đồng. Ngoài ra, QK7 tổ chức tiếp và giao lưu Đoàn nghệ thuật Quân đội Hoàng gia Campuchia biểu diễn phục vụ nhân dân thị xã Kiến Tường. |
Nguyệt Nhi-Thụy Anh-Ngọc Thạch