Tiếng Việt | English

02/05/2022 - 14:40

Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Rời quân ngũ trở về quê hương, những cựu chiến binh (CCB) vẫn giữ vẹn nguyên trong tim lời thề danh dự, sắt son của người Bộ đội Cụ Hồ và gánh thêm trên vai trách nhiệm với cộng đồng. Tùy theo điều kiện, sức khỏe, họ nỗ lực cống hiến sức mình để sát cánh cùng đồng đội gặp khó khăn hay chung tay xây dựng quê hương, xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ.

Nghĩa tình đồng đội

“Lúc thường cũng như ra trận, 10 lời thề danh dự năm xưa của người lính sẽ mãi theo tôi đến hết cuộc đời. Do vậy, dù không còn trong quân ngũ, tôi cũng sẵn sàng dấn thân, đóng góp sức mình trong khả năng để giúp đời, giúp đồng đội còn khó khăn”. Đó là những trải lòng của CCB Huỳnh Văn Nhỏ (SN 1963, ấp Voi, xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ). Rời quân ngũ 15 năm cũng là ngần ấy thời gian ông Nhỏ tham gia Hội CCB tại địa phương.

Suốt thời gian qua, ông dành nhiều tâm huyết cho công tác Hội, đặc biệt là hoạt động chăm lo những CCB còn khó khăn. Hiện ông là Chủ nhiệm Câu lạc bộ CCB góp vốn xóa nghèo bền vững của xã Mỹ Thạnh Tây. Được biết, câu lạc bộ ra đời từ năm 2014 tại ấp Voi và xuất phát từ nhu cầu cấp thiết của những CCB ở đây. Nay câu lạc bộ mở rộng ra 3 ấp của xã và ngày càng lớn mạnh dưới sự dẫn dắt của ông Nhỏ, với tổng vốn gần 400 triệu đồng.

Ông Huỳnh Văn Nhỏ luôn ghi nhớ 10 lời thề danh dự của Bộ đội Cụ Hồ

“Đặc thù vùng biên giới chủ yếu phát triển kinh tế nông nghiệp, nhiều CCB nghèo không có vốn sản xuất nên nhiều năm không vươn lên được. Xót xa trước những hoàn cảnh ấy, tôi cùng các hội viên Chi hội CCB ấp Voi quyết định thành lập Câu lạc bộ CCB góp vốn xóa nghèo bền vững. Đúng như cái tên của nó, mục đích chính là giúp CCB có vốn sản xuất để dần thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống” - ông Nhỏ chia sẻ.

Từ ngày đầu thành lập với 12 thành viên, hiện câu lạc bộ có 32 thành viên và mở rộng toàn xã. Trong câu lạc bộ không còn thành viên hộ nghèo, cận nghèo như trước đây. Đó là nhờ những đồng vốn kịp thời, nhanh chóng và đặc biệt là không bị áp lực lãi suất hay thời gian trả vốn vay. Ông Nhỏ kể: “Có hộ nuôi bò 2-3 năm chưa bán được do chờ giá tốt nên chúng tôi gia hạn thời gian hoàn trả vốn vay, không để họ vì áp lực trả nợ mà bán lỗ. Điều đó không đúng với mục đích chính của câu lạc bộ”.

Ông Huỳnh Văn Nhỏ (phải) và thành viên câu lạc bộ thảo luận về đối tượng được vay vốn trong đợt kế tiếp

Không chỉ chăm lo cho câu lạc bộ duy trì phát triển hiệu quả, với vai trò Thường trực Ban liên lạc truyền thống Bộ đội Biên phòng tỉnh, phụ trách Đức Hòa, Đức Huệ, ông Nhỏ còn tham gia vận động xây nhà tình nghĩa cho đồng đội gặp khó khăn về nhà ở. Thông qua bạn bè, người thân, chính quyền địa phương, ông Nhỏ nắm được những hộ CCB chưa có nhà hoặc nhà ở xuống cấp, không có kinh phí xây mới, sửa chữa. Sau khi khảo sát thực tế, ông vận động kinh phí để xây dựng những căn nhà tình nghĩa. Những năm gần đây, mỗi năm, ông đều duy trì vận động xây tặng 1-2 căn nhà tình nghĩa cho hội viên Hội CCB trên địa bàn huyện Đức Huệ.

Ông Nhỏ tâm sự: “Rời quân ngũ, tôi may mắn còn lành lặn, khỏe mạnh và có cuộc sống ổn định nhưng nhiều đồng đội vẫn mang theo những vết thương chiến tranh hay cuộc sống còn khó khăn. Vì vậy, giúp được gì cho đồng đội, tôi đều không ngại khổ cực. Trong quá trình vận động xây nhà tình nghĩa cho đồng đội, tôi chưa bao giờ ngại hay tự ái vì bị từ chối bởi niềm vui ngày căn nhà tình nghĩa hoàn thành sẽ xóa nhòa tất cả những vất vả trước đó, tiếp thêm động lực để tôi vận động nhiều căn nhà tình nghĩa hơn nữa”.

Tinh thần Bộ đội Cụ Hồ là thế! Ông Nhỏ chưa bao giờ nề hà những công việc vì cộng đồng, đặc biệt là chăm lo đồng đội. Bởi với ông, nghĩa tình đồng đội luôn đặt lên hàng đầu dù trong quân ngũ hay đã xuất ngũ.

Người làm những việc “không tên”

Chiến trường biên giới Tây Nam năm nào đã tôi rèn cho ông Hồ Văn Tây (SN 1959) - Chi hội trưởng Chi hội CCB khu phố 3 Nhà Thương, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tinh thần không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng lăn xả hết mình vì cộng đồng. Ông luôn sẵn lòng “ôm” nhiều việc “không tên” miễn việc ấy giúp ích cho quê hương. Khi đất nước kêu gọi thanh niên lên đường nhập ngũ, bảo vệ biên giới Tây Nam, ông không do dự mà tham gia ngay khi ở độ tuổi đôi mươi. Ngày lên đường sang nước bạn Campuchia, ông mang theo ý chí quyết tâm, tinh thần quả cảm của tuổi trẻ và không nghĩ đến ngày trở về. Bao lần đối mặt với lằn ranh sinh tử, chứng kiến đồng đội bị thương, hy sinh càng làm cho ông Tây trân quý hòa bình, tinh thần người lính dấn thân vì đất nước. 4 năm ở chiến trường, làm nhiệm vụ trinh sát, trực tiếp chiến đấu, ông trải qua biết bao nguy hiểm. “Ngày trở về được lành lặn, mạnh khỏe, tôi cảm thấy mình may mắn hơn nhiều đồng đội khác. Tôi tự nhủ phải tiếp tục cống hiến sức mình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giàu đẹp” - ông Tây thổ lộ.

Ông Hồ Văn Tây

Năm 1996, Hội CCB được thành lập tại địa phương, ông Tây tham gia ngay. Từ đó, ông có thêm cơ hội làm những việc vì cộng đồng. Từ tuyên truyền, vận động người dân chung tay xây dựng quê hương đến vận động quà tặng người dân gặp khó khăn; hỗ trợ người dân tiếp cận vốn vay,... ông Tây không bỏ hoạt động nào. Đặc biệt, 5 năm nay, với vai trò Chi hội trưởng Chi hội CCB khu phố, ông tập trung phát triển mô hình góp vốn xoay vòng, giúp hội viên khó khăn phát triển kinh tế.

Trong giai đoạn địa phương “gồng mình” phòng, chống dịch Covid-19, nhất là thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, ông Tây không chỉ tham gia trực chốt, phân phát quà, đi chợ giúp dân,... mà còn tham gia vận động và tự nguyện đóng góp nhu yếu phẩm, rau, củ hỗ trợ người dân tại địa phương. Suốt 2 tháng liền (tháng 7 – 9/2021), ông không có ngày nghỉ, dành hết thời gian tham gia phòng, chống dịch Covid-19 bởi ông xem đó là trách nhiệm của mình. “Tinh thần chống dịch Covid-19 của tôi như thời đi chống giặc, phải quyết tâm chiến thắng nên tôi không ngại vất vả hay nguy hiểm” - ông Tây chia sẻ.

Trong khả năng và sức lực của mình, có thể làm gì giúp ích cho quê hương, ông Hồ Văn Tây (bên trái) đều tham gia

Ngoài ra, tại địa phương, ông còn làm rất nhiều việc “không tên” khác. Trong đó, ông tham gia vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường, chung tay xây dựng đường giao thông nông thôn, ánh sáng an ninh, trật tự,... Ông Tây tâm sự: “Trong khả năng và sức lực của mình, có thể làm gì giúp ích cho quê hương, tôi đều tham gia”. Ông thường quan tâm giữ gìn trục giao thông chính của khu phố, dọn vệ sinh, cắt tỉa nhánh cây để người dân được đi trên con đường đẹp và an toàn.

Mặc dù lớn tuổi nhưng những CCB vẫn duy trì các hoạt động vì cộng đồng. Tinh thần, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong họ vẫn mãi sáng. Họ là những tấm gương để thế hệ trẻ học tập và noi theo./.

An Nhiên

Chia sẻ bài viết