“Làm dâu trăm họ”
Năm 1998, cô Hoa về Trường THCS thị trấn Cần Đước 2 (nay là THCS thị trấn Cần Đước). Từ GV dạy Tiếng Anh, cô “rẽ” sang làm TPTĐ. Dù không có chuyên môn về công tác Đội nhưng với lòng say mê và mong muốn khơi dậy phong trào Đội trong nhà trường, cô đảm nhận, luôn làm tròn nhiệm vụ.
Năm học 2011-2012, Trường THCS Phước Đông thành lập, cô Hoa chuyển về công tác tại đây. Nhận thấy sự khác biệt rất lớn giữa học sinh (HS) khu vực thị trấn với xã miền hạ, cô không thể áp dụng một cách rập khuôn những mô hình, hoạt động Đội vốn hiệu quả của ngôi trường trước đây.
Làm TPTĐ giống như “làm dâu trăm họ”. Vì vậy, TPTĐ phải khéo léo, làm thế nào để GV chủ nhiệm không cảm thấy phiền hà, HS hào hứng tham gia phong trào hiệu quả mà không ảnh hưởng đến kết quả học tập. Đó là điều không hề dễ. Vì vậy, cô Hoa hay tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của HS, có những đổi mới trong hoạt động phong trào để HS hào hứng tham gia.
Cô Bùi Thị Hồng Hoa bên lốp xe với những dòng chữ ý nghĩa được treo khắp sân trường
Cô chia sẻ, GV làm công tác Đội đòi hỏi rất nhiều kỹ năng. Ngoài lòng say mê, phải biết điều khiển, tổ chức các trò chơi, biết giáo dục, giúp đỡ những HS cá biệt, biết các nghi thức Đội, có kỹ năng nói tốt, biết làm các kế hoạch theo quy định của nhà trường,...
Khối lượng công việc của một TPTĐ rất nhiều. Người làm công tác Đội phải kiêm nhiệm nhiều hoạt động trong đơn vị như giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, giữ gìn vệ sinh trường học, các phong trào của nhà trường,... Để không trùng với thời gian học chính khóa, những hoạt động ngoài giờ được tổ chức vào ngày chủ nhật, có khi ngày lễ,... Tuy áp lực rất lớn nhưng cô luôn tận tình, tâm huyết với công việc.
“Hồi mới về trường công tác, thấy thương HS lắm! Điều kiện sinh hoạt ở xã miền hạ còn thiếu thốn so với những vùng khác. HS nhút nhát, e dè. Phong trào Đoàn, Đội vì thế cũng hạn chế nên tôi phải bắt đầu lại từ đầu. Có rất nhiều hoạt động, chúng tôi không thể tổ chức sinh hoạt vào chiều tối hoặc ban đêm vì đa phần, nhà HS ở xa. Lâu dần, chúng tôi tìm hiểu, khuấy động phong trào. Để có kết quả như hôm nay, hoạt động Đội luôn nhận được sự hỗ trợ của Ban Giám hiệu trường cùng tập thể GV” - cô nói.
Sáng tạo nhiều mô hình
Gắn bó với công tác Đội nhiều năm, cô Hoa có nhiều sáng kiến trong hoạt động phong trào của Trường THCS Phước Đông. Đặc biệt, các phong trào mà cô phối hợp Ban Giám hiệu, Đoàn trường tổ chức góp phần giáo dục đạo đức, lối sống cho HS.
Trong đó, phải kể đến Sổ rèn luyện HS do Ban Giám hiệu và Đội khởi xướng. Đây là mô hình về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thực hiện từ những ngày đầu thành lập trường và duy trì đến nay. Với 10 tiêu chí xoay quanh những nội dung liên quan về “Rèn đức - luyện tài, con ngoan - trò giỏi” và làm theo những điều Bác Hồ dạy, HS trong trường dần ý thức hơn. Hàng ngày, mỗi giờ lên lớp, trong cuốn sổ rèn luyện của mỗi cá nhân, HS tự chấm điểm, đánh giá về đi học đúng giờ; đồng phục; không nói tục, chửi thề, gây gổ, đánh nhau; lễ phép với thầy, cô, cha mẹ và người lớn tuổi,... Mỗi lần vi phạm, HS tự trừ điểm trong sổ rèn luyện của mình. Sau đó, tổ và GV chủ nhiệm xem xét, đánh giá lại, gửi về cho phụ huynh. Qua đó, các em ý thức hơn những việc nên làm; đồng thời giúp GV chủ nhiệm có thể đánh giá hạnh kiểm HS chính xác, bài bản.
Một sáng kiến kinh nghiệm khác của cô được Ban Giám hiệu đánh giá cao và là cơ sở để xét chọn Giải thưởng “Cánh én hồng” năm 2016 (giải thưởng dành cho những TPTĐ xuất sắc nhất toàn quốc) là “Lớp học 4 không”. Mô hình này bắt đầu thực hiện từ năm học 2016-2017 với những tiêu chí đặt ra nhằm giúp HS không nói tục, chửi thề; không đánh nhau; không chơi game và không có HS bỏ học. Bước đầu, nhà trường triển khai mô hình thông qua dịp họp cuối năm để phụ huynh đăng ký với GV chủ nhiệm và cam kết với chính quyền địa phương. Để thực hiện được, cô lập danh sách, địa chỉ nhà của từng HS, gửi cho ấp cũng như nhà trường dễ quản lý. Với những HS tham gia, thực hiện tốt mô hình, bản thân các em cùng gia đình cũng được khen thưởng. Đó còn là cơ sở để địa phương xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu tại ấp. Ngược lại, HS nào vi phạm thì không được xếp hạnh kiểm tốt cuối học kỳ. Đây là cách làm có sự phối hợp rất tốt giữa 3 môi trường giáo dục trong việc quản lý, rèn luyện HS.
Cô còn phối hợp giáo viên bộ môn tận dụng những lốp xe cũ để viết những câu tuyên truyền về ý thức lễ phép, trung thực, nhận phần sai về mình và dám nói lời xin lỗi. Những lốp xe ngộ nghĩnh này được treo khắp sân trường. Cách làm này hạn chế tình trạng bạo lực học đường. Ngoài ra, các mô hình: Trường học không có rác, sổ liên lạc có thêm phần hồ sơ lý lịch của HS để nhà trường hiểu hơn về hoàn cảnh gia đình cũng mang lại hiệu quả thiết thực.
Nhiều năm qua, cô nhận nhiều giấy khen, bằng khen của huyện, tỉnh, Trung ương đoàn,... nhưng với cô, niềm vui và hạnh phúc nhất chính là nhìn thấy HS ngày càng ngoan và trưởng thành hơn.
TPTĐ có vai trò quan trọng trong giáo dục đạo đức HS và điều hành các hoạt động phong trào của nhà trường. Vì vậy, TPTĐ chịu nhiều sức ép từ ban giám hiệu, GV chủ nhiệm và những HS cá biệt. Do đó, để trở thành TPTĐ nhiệt huyết, làm tốt công tác, hoạt động phong trào không phải là dễ./.
TPTĐ có vai trò quan trọng trong giáo dục đạo đức HS và điều hành các hoạt động phong trào của nhà trường. Vì vậy, TPTĐ chịu nhiều sức ép từ ban giám hiệu, GV chủ nhiệm và những HS cá biệt. Do đó, để trở thành TPTĐ nhiệt huyết, làm tốt công tác, hoạt động phong trào không phải là dễ. |
Thanh Nga