Từ 4 giờ sáng, bếp ăn từ thiện Châu Thành đã “nổi lửa”
Chia sẻ yêu thương
Sáng nào cũng vậy, khoảng 4 giờ, cô Loan ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An đều đến bếp ăn từ thiện bắt đầu công việc của mình. Từ sớm, ông Chín - một thành viên của bếp ăn, đến chợ Tầm Vu nhận rau, củ của tiểu thương quyên góp. Sau khi cô Loan bắc xong nồi cơm, ông Chín vừa về, các thành viên khác cũng đến, mỗi người một việc, bắt đầu cho buổi nấu cơm từ thiện.
Cô Mười, ở xã Dương Xuân Hội, có thâm niên hơn 3 năm nấu ăn tại bếp, cho biết: “Mỗi tháng, chúng tôi nghỉ 1 tuần, còn lại bếp nấu xuyên suốt từ thứ hai đến thứ bảy. Tôi và cô Loan là người trực tiếp nấu, còn lại các chị em khác có thời gian rảnh thì tới phụ.Trung bình mỗi ngày, chúng tôi nấu khoảng 150 suất cơm cho bữa trưa và bữa chiều”. Vừa nói, cô vừa nhanh tay chia phần thức ăn, chuẩn bị mang đến Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, kịp bữa trưa cho người bệnh.
Trưởng ban Điều hành Bếp ăn từ thiện Châu Thành - Huỳnh Thị Kim Chi cho biết: “Bếp ăn duy trì hoạt động gần 10 năm, mỗi ngày, cung cấp cơm chay từ thiện cho bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Y tế huyện. Kinh phí hoạt động từ nguồn vận động mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh”. Đến nhận cơm cho bữa trưa, chị Kim Nhung, ngụ xã Thanh Vĩnh Đông, vui vẻ: “Nhà tôi ở xa, mang cơm lên bệnh viện cũng vất vả, mua cơm bên ngoài thì tốn kém, may nhờ có cơm từ thiện nên gia đình tôi tiết kiệm được một khoản chi phí”. Chỉ trong vòng 15 phút, gần 100 suất cơm được phát hết. Ông Chín - người trực tiếp phát cơm, vừa thu dọn, vừa đùa: “Hôm nay “bán” đắt quá!”. Với ông và những người gắn bó với bếp ăn từ thiện, đó là niềm vui vì những phần cơm mà mọi người kỳ công chuẩn bị đến tận tay người cần.
Mỗi ngày, bếp ăn từ thiện Châu Thành phục vụ khoảng 100-150 suất cơm cho bệnh nhân và người thân tại bệnh viện
Mỗi người khi làm việc thiện có hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng chung tấm lòng nhân ái và chị Nguyễn Thị Thu (xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) cũng vậy. Chúng tôi có dịp gặp chị tại Tuần lễ Hiến máu tình nguyện (từ ngày 17 đến 24/10/2018) được tổ chức tại Bệnh viện Đa khoa Long An. Điều đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận được ở chị là niềm hạnh phúc thể hiện rõ qua ánh mắt, nụ cười khi được đóng góp một chút sức mình để cứu những bệnh nhân đang cần truyền máu.
Là nhân viên tạp vụ tại Bệnh viện Đa khoa nên không ít lần, chị Thu chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ.Những hình ảnh đó luôn hằn sâu trong suy nghĩ và thôi thúc chị phải làm điều gì đó để có thể chia sẻ một phần khó khăn với họ.
Qua tiếp cận thông tin đại chúng và nhận thức được tầm quan trọng của việc hiến máu tình nguyện là một nghĩa cử cao đẹp, chị Thu bắt đầu tham gia hiến máu từ năm 2011.Không dừng lại ở lần đầu đó mà hoạt động hiến máu tình nguyện được chị thực hiện mỗi năm một lần.Ngoài những lần hiến máu định kỳ, mỗi khi bệnh viện cần hỗ trợ máu đột xuất cho bệnh nhân, chị đều sẵn lòng. Chị Thu tâm sự: “Với tôi, hiến máu tình nguyện là việc làm đơn giản, thiết thực nhất mà tôi có thể làm để cứu sống người bệnh. Mỗi lần nghĩ đến những giọt máu của mình góp phần cứu sống người khác, tôi cảm thấy rất vui. Chừng nào sức khỏe còn cho phép thì tôi vẫn sẵn sàng tham gia hiến máu”.
Với chị Nguyễn Thị Thu, hiến máu tình nguyện là việc làm đơn giản, thiết thực nhất mà chị có thể làm để góp phần cứu sống người bệnh
“Cầu nối” cho người nghèo
Mỗi người có một lựa chọn để làm đẹp cho cuộc sống, nếu chị Thu chọn cách hiến máu cứu người thì anh Lê Thanh Nhân, ngụ ấp An Thạnh, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa, gần như dành tất cả thời gian rảnh của mình đi quyên góp, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Ở xã An Ninh Tây, hầu như ai cũng biết anh Nhân, bởi anh mang đến cho người nghèo những mái ấm kiên cố, những phần quà san sẻ yêu thương.
Nói về niềm vui khi có căn nhà mới, bà Dương Thị Bé, ngụ ấp An Thạnh, xã An Ninh Tây, xúc động: “Tôi gần 70 tuổi rồi, cuộc sống khó khăn quá nên không cất nổi căn nhà, nhờ có cậu Nhân và mạnh thường quân, ước mơ của tôi giờ thành hiện thực rồi!”. Căn nhà 32m2 được xây bằng gạch, lợp mái tole còn chưa kịp tô ấy chính là ước ao cả đời của bà. Anh Nhân kể, trước đây, căn nhà cũ của bà Bé chẳng khác nào túp lều. Biết bà khó khăn, anh đến khảo sát, chụp ảnh và kêu gọi mạnh thường quân trên mạng xã hội. Được sự cảm thông và chia sẻ của những tấm lòng hảo tâm gần xa, anh Nhân đại diện trao cho bà Bé 30 triệu đồng để xây nhà.
Từ đầu năm 2018 đến nay, anh Nhân vận động xây dựng được 8 nhà tình thương (từ 30 triệu đồng trở lên/căn). Ngoài ra, anh còn giới thiệu Huyện đoàn vận động tặng thêm 2 căn nhà khác. Anh Nhân chia sẻ, “cơ duyên” khiến anh trở thành “cầu nối” cho người nghèo chính là sự đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn. Anh nói: “Cách đây nhiều năm, tôi trải qua một biến cố về sức khỏe. Trong khoảng thời gian điều trị tại bệnh viện, tôi nhận ra cuộc sống còn quá nhiều mảnh đời bất hạnh nên khi khỏe lại, tôi nghĩ mình cần chia sẻ phần nào khó khăn với họ”.
Anh Lê Thanh Nhân trao nhà nhân ái cho bà Dương Thị Bé
Nghĩ là làm, anh Nhân bắt tay ngay vào việc, mỗi khi thấy hay nghe ở đâu có trường hợp khó khăn, anh đều tìm đến khảo sát, chụp ảnh, xác minh thông tin và kêu gọi giúp đỡ trên mạng xã hội. Ban đầu, anh gặp không ít khó khăn vì chưa nhận được niềm tin của mọi người. Anh kể: “Để có được lòng tin của mạnh thường quân, tôi gần như dành hết thời gian rảnh để trả lời thắc mắc và công khai tài chính trên trang cá nhân của mình. Dần dần, tôi xây dựng được mạng lưới mạnh thường quân “thân thuộc” luôn sẵn sàng đồng hành cùng mình”.
Khi được nhiều mạnh thường quân ủng hộ, anh Nhân mở rộng các hoạt động thiện nguyện. Không chỉ xây nhà, anh còn kêu gọi giúp đỡ người già neo đơn, người bệnh hiểm nghèo, học sinh mồ côi,... Mỗi năm, anh vận động mạnh thường quân tặng hàng ngàn phần quà trung thu, quà tết cho trẻ em, người nghèo trong và ngoài tỉnh.
Với vai trò là Bí thư Đoàn xã, cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã An Ninh Tây, lại đang theo học lớp đại học và trung cấp lý luận chính trị, anh Nhân dường như không còn thời gian rảnh. Tuy nhiên, anh sẵn sàng dành hết thời gian còn lại để kêu gọi giúp đỡ người nghèo. Anh chia sẻ: “Tôi nghĩ mình “có duyên” với việc làm từ thiện. Tuy vất vả nhưng nó mang lại niềm vui cho nhiều người.Tôi sẽ không dừng lại đến khi nào còn có thể”. Và chúng tôi tin, bằng sức trẻ của mình, hành trình làm “cầu nối” của anh Nhân sẽ còn nối tiếp rất dài trong tương lai!
Trong xã hội hiện nay, có rất nhiều người hướng thiện và lặng thầm làm việc thiện bằng cả trái tim. Họ kết nối với nhau, chung tay, góp sức giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, mảnh đời bất hạnh có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống. Đây là việc làm thể hiện tính nhân văn, nhân đạo đáng trân trọng. Hy vọng, phong trào làm việc thiện ngày càng lan tỏa, phát huy truyền thống “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” cao đẹp của dân tộc./.
Phương Phương - Huỳnh Hương