Tiếng Việt | English

17/11/2016 - 14:27

Sử dụng điện không an toàn ở nông thôn

Những cột điện tạm bợ, xiêu vẹo, dây điện kéo ngang, kéo dọc chằng chịt chẳng khác nào mạng nhện,... là những hình ảnh không khó để chúng ta bắt gặp ở nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Long An, nguy cơ mất an toàn lưới điện nông thôn là khó tránh khỏi.

Khảo sát ở một số địa phương trong tỉnh cho thấy, sự nguy hiểm và mất an toàn hệ thống lưới điện nông thôn có thể xảy ra ở nhiều nơi. Dọc các tuyến đường nông thôn, không hiếm những hình ảnh đường dây điện mắc chằng chịt, chồng chéo. Nhiều đường dây nghiêng ngả, nằm sát bụi cây, gần nhà dân, tiềm ẩn nguy cơ người dân bị điện giật rất cao.


Dây điện cặp vách nhà

Dây điện đã vậy, cột điện cũng không khá hơn. Nhiều cột được làm bằng tre, gỗ lâu ngày mục nát, xiêu vẹo, có thể đổ ngã bất cứ lúc nào. Việc người dân tự ý đấu nối đường dây điện bằng nhiều loại dây không đủ tải, treo mắc công-tơ lộn xộn, sử dụng cây cối, cọc tre để dẫn điện là một trong những nguyên nhân làm lưới điện nông thôn trở nên đáng sợ hơn gấp bội.

Nhiều nơi, đường dây điện được giăng mắc ngay sát mái nhà, dễ gây ra chập điện, cháy, nổ. Thậm chí, một số hộ dân kéo điện vượt qua cả lộ, kênh, mương, chỉ bằng những trụ tre tạm bợ, không an toàn, dây điện rất gần với mặt nước. Vào mùa mưa, các loại trụ điện tạm bợ kiểu này khiến cho không ít người phải nơm nớp lo sợ. "Mỗi khi có mưa to gió lớn, việc đi lại dưới đường dây điện như thế này không khác nào đùa với tử thần" - ông Nguyễn Văn Thành, ở xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng nói.


Công-tơ điện sát mặt đất

Đó là chưa kể tình trạng nhiều người dân tự ý đấu nối dây điện, kéo điện đến nhiều nơi để phục vụ việc sinh hoạt, sản xuất không đúng quy định, dễ dẫn đến tình trạng chập điện, rất nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. Nhiều trụ điện đầy cây xanh leo bám, thế nhưng, người dân cũng như các đơn vị kinh doanh điện vẫn không tổ chức phát quang.

Điều đáng nói hơn, những cột điện có đồng hồ điện nằm thấp và sát nhà dân là mối nguy hiểm thường trực. Có những công-tơ nằm cách mặt đất chưa đầy 1m, đúng tầm với của trẻ em và rất nguy hiểm cho người qua lại khu vực này.

Giám đốc Chi nhánh Điện lực Tân Hưng - Lý Quốc Tâm cho biết: “Công tác tuyên truyền an toàn hành lang lưới điện thời gian qua được tập trung và thường xuyên. Bên cạnh đó, đơn vị tiến hành xử lý những vị trí có nguy cơ gây mất an toàn tại các đường dây. Tuy nhiên, tình trạng trồng cây xanh, xây dựng nhà,... vi phạm hành lang an toàn lưới điện vẫn còn, từ đầu năm đến nay, lập biên bản hành chính 11 vụ vi phạm”.


Câu móc điện tùy tiện

Cũng theo ông Tâm, lưới điện nông thôn hiện nay chưa bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật an toàn. Các dây dẫn sau công-tơ khách hàng chưa bảo đảm chất lượng, quy định của ngành điện. Phần dây sau công-tơ thuộc tài sản và trách nhiệm đầu tư của hộ sử dụng điện, song người dân chưa quan tâm cải tạo, thay thế. Nhiều hộ vẫn sử dụng dây điện cũ, không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Mặc dù được ngành điện nhắc nhở nhưng người dân chưa hợp tác chặt chẽ.

Hiện nay, việc mất an toàn điện gây nên những tai nạn là điều khó tránh khỏi; thực tế thời gian qua, không ít trường hợp tai nạn do điện xảy ra. Vì vậy, để bảo đảm an toàn lưới điện nông thôn, người sử dụng cần nâng cao nhận thức, chấp hành đúng các quy định của ngành điện. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tuyên truyền nâng cao ý thức tự bảo vệ của người dân trước nguy cơ bị điện giật, nhất là đối với trẻ em vùng sâu, vùng xa; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt nặng những cá nhân, tổ chức không tuân thủ quy tắc về an toàn lưới điện./.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết