Tiếng Việt | English

28/07/2015 - 10:45

Chương trình đột phá: Đẩy nhanh tốc độ phát triển đô thị

Qua nghiên cứu Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020, tôi thấy báo cáo được chuẩn bị công phu, có nhiều điểm mới, có tính đột phá, trong đó nêu đầy đủ các mặt về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng - an ninh, đời sống văn hóa của tỉnh trong bối cảnh hiện nay và những thách thức trong thời gian tới.

Báo cáo cũng đã nêu bật những kết quả mà Đảng bộ tỉnh Long An đã đạt trong nhiệm kỳ 2010-2015, đặc biệt trong việc cải thiện và xây dựng mới hệ thống kết cấu hạ tầng; cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có bước chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu nhiệm kỳ 2015-2020, tôi cơ bản đồng tình, nhất trí với các nội dung đã nêu trong báo cáo chính trị. Tham gia ý kiến vào dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh trong mục thực hiện các chương trình đột phá có chương trình xây dựng chính quyền địa phương điện tử, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính và năng lực cạnh tranh như sau:

Tôi cho rằng, hiện nay, vấn đề cải cách thủ tục hành chính đang được Chính phủ thực hiện quyết liệt trong tất cả bộ ngành, địa phương và mô hình chính quyền điện tử đã được thực hiện ở một số tỉnh đã thể hiện sự ưu việt như: Tiết kiệm được thời gian, chính xác và hiệu quả cao.

Tuy nhiên khi đưa chính quyền điện tử là một trong những chương trình đột phá giai đoạn 2015-2020 cho tỉnh Long An thì sẽ tạo ra nhiều xáo trộn, yêu cầu thay đổi cách làm việc,… thói quen cho cả người dùng cũng như công chức sẵn sàng phải sử dụng công nghệ thông tin trong mọi việc. Chưa kể, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin ở huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ; hệ thống bảo mật an ninh, an toàn thông tin cần phải tiếp tục đầu tư.

Điều quan trọng là trong bối cảnh kinh tế Long An gặp khó khăn khó có thể chuẩn bị ngay nguồn lực, cán bộ quản lý, kỹ thuật phù hợp để tiếp nhận nền tảng ứng dụng sẵn sàng khai thác, vận hành nhanh làm được chính quyền điện tử vừa nhanh vừa có tính tổng thể nên chương trình đột phá “xây dựng chính quyền địa phương điện tử” trong giai đoạn này khó mang tính khả thi.

Theo tôi, cùng với chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm thì nên bổ sung thêm: “Đẩy nhanh tốc độ phát triển đô thị tỉnh Long An” nhằm từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị của tỉnh có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, có môi trường đô thị trong sạch. Tạo lập không gian phát triển toàn tỉnh theo hướng hài hòa kinh tế với phát triển xã hội, nâng cao chất lượng môi trường sống và phân bổ hợp lý giữa các vùng kinh tế - dân cư trên địa bàn tỉnh.

Bởi vì hiện nay, hệ thống đô thị của Long An dù có quy hoạch tổng thể đến 2020 nhưng chưa phát triển mạnh. Chức năng kinh tế của các đô thị còn yếu chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư, chủ yếu mới đảm nhận được chức năng hành chính, chính trị. Cho nên, lãnh đạo các cấp cần có chương trình đầu tư cụ thể để tập trung đẩy nhanh công tác xây dựng đô thị.

Nguồn lực bảo đảm thực hiện:

- Ưu tiên bố trí các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị trọng điểm đối với các đô thị dự kiến nâng loại đô thị, giai đoạn 2015-2020.

- Tranh thủ vốn ngân sách Trung ương đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình hạ tầng trọng điểm đô thị.

- Khai thác nguồn vốn từ quỹ đất đô thị và từ các khu đô thị mới để phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; Hợp tác kêu gọi vốn đầu tư các dự án xây dựng đô thị từ các tổ chức kinh tế, xã hội trong nước và sự tài trợ của các tổ chức quốc tế bằng nhiều hình thức.

- Kết hợp nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới để xây dựng các trung tâm cụm xã và trung tâm xã./.

Huỳnh Thị Thu Năm 

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích