Tiếng Việt | English

11/04/2024 - 15:15

Sức lan tỏa lớn từ việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW

Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trên địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, những tấm gương điển hình tiên tiến có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Bếp ăn thiện nguyện - Nơi hội tụ những tấm lòng nhân ái

Bếp ăn thiện nguyện của Chi hội Phụ nữ ấp 1B, xã An Thạnh, huyện Bến Lức đã hoạt động được 10 năm. Đây cũng là tập thể duy nhất trong tỉnh được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xem xét, lựa chọn, giới thiệu mô hình tham gia triển lãm các chuyên đề phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2024 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.

Đều đặn vào thứ sáu hàng tuần, các thành viên của bếp, đa phần là những người lớn tuổi nấu từ 150-170 phần ăn (chủ yếu là món mặn) miễn phí. Họ cùng nhau đóng góp sức người, sức của, lặng lẽ nấu những suất cơm tặng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Bến Lức.

Các thành viên bếp ăn thiện nguyện của Chi hội Phụ nữ ấp 1B, xã An Thạnh, huyện Bến Lức phát cơm miễn phí cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Bến Lức

Trân quý nhất là các thành viên tham gia tại bếp đều không nhận thù lao, mọi người cống hiến để phục vụ cộng đồng. Họ hiểu rằng, học tập và làm theo gương Bác chẳng đâu xa, mà làm việc gì có lợi nhất cho dân, cho nước, đồng hành với bệnh nhân trong lúc điều trị tại bệnh viện bằng cái tâm của mình.

Bếp được đặt tại nhà của bà Bùi Thị Lệ và cũng là bếp trưởng. “Cách đây nhiều năm, trong một lần nằm điều trị nội trú tại Bệnh viện Nhân Dân 115, nhận được những suất cơm miễn phí, tôi cảm thấy ấm lòng lắm vì vừa đỡ một phần chi phí, vừa cảm nhận tình người thật đáng quý! Lúc đó, tôi nguyện lòng khi khỏi bệnh sẽ làm hoạt động ý nghĩa như thế này. Công việc hàng ngày của tôi là nhận nấu đám tiệc nên rất thuận lợi để thực hiện ước mơ của mình” - bà Lệ tươi cười khi kể về chuyện khởi xướng bếp ăn thiện nguyện. Ý tưởng của bà nhận được sự ủng hộ của một số người, trong đó có bà Võ Thị Ngoan, hiện là Bí thư Chi bộ ấp 1B và cũng là nhóm trưởng của bếp.

“Bếp hiện có khoảng 15 người, trong đó có những thành viên nòng cốt, đủ các thành phần nhưng đều chung một tấm lòng thiện nguyện. Thời gian đầu khi mới thành lập, bếp gặp nhiều khó khăn về kinh phí, chủ yếu là sự đóng góp từ các thành viên. Sau này, bếp được nhiều người biết đến, có nhà hảo tâm tài trợ gạo định kỳ. Hơn nữa, tại bếp cũng có 1 thành viên lớn tuổi nhất (83 tuổi) là vợ liệt sĩ, mỗi tháng đều trích 200.000 đồng từ tiền trợ cấp để ủng hộ cho bếp” - bà Ngoan cho hay.

Là thành viên nhỏ tuổi nhất của bếp, em Huỳnh Tấn Phát (14 tuổi) đến hỗ trợ được gần 2 tháng nay. Em Phát chia sẻ: “Em ở cùng bà nội già yếu, bệnh tật. Trong một lần đi bán vé số được cho cơm từ thiện của bếp nên em đến giúp. Mỗi lần được theo các bà, các ông chở cơm đến phát cho bệnh nhân, em rất vui!”.

Thực đơn của bếp rất đa dạng, mỗi phần gồm cơm và 3 món chính: Canh, đồ xào, món kho kèm theo nước suối, khăn lạnh. Khu vực bếp ăn được sắp xếp sạch sẽ và chăm chút từng công đoạn, từ khâu sơ chế nguyên liệu đến đóng hộp. Không khí làm việc tại bếp lúc nào cũng vui nhộn. Mỗi lần nấu, từ 1-2 giờ sáng, bà Lệ, bà Ngoan đã thức dậy để bắt tay vào việc, những thành viên khác tầm 4 giờ sáng thì có mặt. Thức khuya, dậy sớm có là gì với họ. Đó là cả một quá trình, nếu như không có cái tâm, không yêu thích công việc xã hội, có lẽ khó lòng mà thực hiện được.

“Chắp cánh” ước mơ cho người hoàn lương

Thực hiện từ năm 2021, mô hình 3 quản, 3 giúp người nghiện ma túy, người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; xây dựng khu dân cư an toàn, lành mạnh” (gọi tắt là mô hình 3 quản, 3 giúp) của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (BCĐ) “chắp cánh” ước mơ cho những người hoàn lương. Đây cũng là việc làm mà BCĐ muốn gửi đến thông điệp về lòng bao dung trong học tập và làm theo gương Bác.

Trở về tái hòa nhập cộng đồng, anh P.C.H. (31 tuổi, ngụ ấp 7, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) gặp khó khăn vì hoàn cảnh gia đình nên không thể đi làm ăn xa. Anh được Công an xã cùng các ban, ngành, đoàn thể vận động giúp đỡ mở tiệm rửa xe tại nhà. Nhờ đó, cuộc sống anh ổn định và có điều kiện chăm lo cho gia đình. Còn chị N.T.K.T. (44 tuổi, ở trọ tại Khu dân cư Thuận Đạo, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) sau khi chấp hành xong án phạt, chị T. có cuộc sống bấp bênh. Từ mô hình 3 quản, 3 giúp, chị được địa phương giới thiệu làm công nhân, cuộc sống từng bước được cải thiện.

Mô hình 3 quản, 3 giúp bước đầu được làm điểm tại thị trấn Bến Lức, sau này được nhân rộng trên toàn huyện. Công an huyện tham mưu BCĐ tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo huyện với người chấp hành xong án phạt tù, người thi hành án hình sự tại cộng đồng, người nghiện ma túy. Từ đó, giúp lãnh đạo huyện nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện tái hòa nhập cộng đồng, các chính sách về hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm để có biện pháp quản lý, giáo dục và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng.

Thượng tá Trương Nhật Minh - Trưởng Công an huyện Bến Lức, thông tin: “Đối với những người từng rơi vào vòng lao lý, sự tự ti, mặc cảm và thiếu nguồn lực để phát triển kinh tế luôn là rào cản lớn sau khi hoàn thành thi hành án. Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người lầm lỡ hòa nhập tốt với cộng đồng, ngoài những việc làm trên, chúng tôi xây dựng “Quỹ tái hòa nhập cộng đồng” để giúp đỡ cho các trường hợp cần vốn sản xuất. Việc dang rộng vòng tay của cộng đồng chính là thể hiện sự nhân văn, giúp những người lầm lỡ sớm hoàn lương”.

Mô hình 3 quản, 3 giúp gợi mở bài học về lòng yêu thương, vị tha của Bác. Sự cảm hóa sẽ giúp những người lầm lỡ cảm nhận cuộc sống xung quanh mình luôn tốt đẹp, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững ổn định an ninh, trật tự.

Những cách làm sáng tạo

Huyện Bến Lức là địa phương có nhiều điểm nổi bật, sáng tạo trong triển khai, thực hiện Kết luận số 01, qua đó làm chuyển biến thành hành động với nhiều việc làm nhân văn, nghĩa tình.

Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Lê Thành Út tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong triển khai, thực hiện mô hình 3 quản, 3 giúp

Năm 2023 và năm 2024, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bến Lức tham mưu mời Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Dũng đến báo cáo, làm sâu sắc thêm nội dung chuyên đề trong học tập và làm theo gương Bác. Việc triển khai chuyên đề được tổ chức tại điểm cầu huyện và các xã, thị trấn. Đặc biệt, việc triển khai trực tuyến qua fanpage Người Bến Lức, giúp người dân trong, ngoài huyện cũng có thể học chuyên đề.

Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Bến Lức - Phạm Văn Lèo thông tin, huyện duy trì đăng tải, chia sẻ các lời dạy, bài viết, bài thơ, bài nhạc, phim tài liệu,... về Bác Hồ trên mạng xã hội; duy trì mô hình truyền thanh trực tiếp chào cờ kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng như xây dựng mới chuyên mục Vang vọng lời nước non trên Zalo và Facebook. Bên cạnh đó, huyện tổ chức các hội thi viết cảm nhận về sách Bác Hồ, hội thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho học sinh tiểu học, THCS và trực tiếp trên fanpage Người Bến Lức. Không những vậy, huyện đẩy mạnh tuyên truyền qua hệ thống panô, áp phích, bảng điện tử, báo, đài; vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia sáng tác, quảng bá các tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, có 1 tác giả đoạt giải cấp tỉnh. Trong năm 2023, Ban Tuyên giáo Huyện ủy tham mưu khen thưởng 10 tập thể, 23 cá nhân có thành tích học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,... Những việc làm này giúp Ban Tuyên giáo Huyện ủy nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Theo Bí thư Huyện ủy Bến Lức - Nguyễn Đăng Minh Xuân, thực hiện Kết luận số 01 là một trong những nội dung quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tạo ra các hoạt động, các phong trào học tập và làm theo gương Bác sâu, rộng, có sức lan tỏa lớn và hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu, rộng trong toàn Đảng bộ. Việc thực hiện Kết luận số 01 ngày càng đi vào thực chất, trở thành việc làm thường xuyên, nền nếp, tác động trực tiếp đến suy nghĩ, lối sống của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Từ đó, tạo ra những chuyến biến tích cực trong nhận thức và hành động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết