07/01/2016 - 15:42

Sức sống nghề mộc

Dọc bờ kênh ở ấp Vàm Kinh, xã Bình An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An có một làng nghề truyền thống tồn tại hàng chục năm. Trải qua những thăng trầm, hiện nay, làng nghề ấy được công nhận làng nghề truyền thống. Đó là nghề mộc – một nghề bền bỉ sức sống cùng thời gian.


Trong các công đoạn của nghề mộc, chạm hoa văn đa số làm thủ công để sản phẩm đẹp

Giữ nghề!

Làng nghề mộc có mặt ở ấp Vàm Kinh từ những năm 1960 với con số hơn 10 hộ gia đình làm nghề. Hiện nay, con số này đã tăng lên 28 trại mộc; trong đó, chủ yếu là những hộ làm nghề theo kiểu cha truyền con nối, còn số hộ học nghề rồi hành nghề thì rất ít.

Trong số những hộ có “thâm niên” với nghề mộc truyền thống phải kể đến gia đình anh Lê Long Hồ, ở ấp Vàm Kinh. Gia đình anh có 3 đời làm nghề mộc từ ông, cha, đến anh là người tiếp quản hiện nay. Chia sẻ về nghề mộc, anh Hồ bảo: “Lúc đầu, làm nghề còn khó khăn vì sản phẩm bán ra không nhiều lại thiếu máy móc nên đôi lần định bỏ nghề. Nhưng nghĩ lại, đây là nghề truyền thống của ông, cha nên quyết sống chết với nghề - cho dù có khó khăn”.

Bắt tay vào nghề mộc khi 18 tuổi, anh Hồ cùng cha làm ra sản phẩm chủ yếu chỉ để bán cho bà con nông dân trong xã vì đơn đặt hàng khi ấy không nhiều. Hơn nữa, các công đoạn làm nghề đều bằng thủ công nên vất vả. Còn hơn 5 năm trở lại đây, anh đầu tư mua một số máy móc để thay thế một vài công đoạn thủ công như máy bào liên hợp, máy bào mộng, máy đục lỗ vuông,... Từ khi có máy móc, sản phẩm làm ra chính xác, đẹp hơn và tiết kiệm được thời gian. “Nếu làm thủ công, một cái tủ mất 10 ngày công thì khi làm máy chỉ tốn 7 ngày” - anh Hồ cho biết.

Chính vì có máy móc thay thế nên trong quá trình làm nghề, nguyên liệu ít hư hao hơn trước. Nhưng bên cạnh làm máy, một vài công đoạn vẫn phải giữ cách làm thủ công để sản phẩm đẹp mắt. Trong các công đoạn của một sản phẩm mộc như xẻ gỗ, lấy mực, bào, đục lỗ, chạm hoa văn, ráp thành phẩm, sơn, chà nhám,... thì khâu chạm hoa văn đa số làm thủ công. Khâu này phụ thuộc vào trí sáng tạo của người thợ để hoa văn đều, sinh động và lạ mắt. Đặc biệt, những hoa văn ấy cũng là cách thể hiện nét văn hóa của người Việt. Và, trong nghề mộc, hoa văn thường là một cặp như tùng – hạc, nho – sói, mai – điểu...

Tuy nhiên, để thu hút nhiều khách hàng, đặc biệt trong lúc thị trường đồ mộc đa dạng mẫu mã như hiện nay thì những người thợ ở xưởng mộc của anh Lê Long Hồ phải thay đổi mẫu liên tục đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Anh Trần Đình Long, 35 tuổi, thợ chạm hoa văn ở trại mộc của anh Hồ chia sẻ: “Ở quê hương Nam Định của tôi cũng có làng nghề mộc truyền thống La Xuyên nên tôi học và biết chạm trổ từ những ngày còn thanh niên. Vì vậy, khi vào đây làm nghề, tôi mang những kiến thức ở quê để áp dụng, ngoài ra còn sáng tạo thêm nhiều nét mới để sản phẩm trông lạ mắt và đẹp”.

Vì luôn thay đỗi mẫu mã nên những sản phẩm tủ, giường, ghế, bàn của anh Hồ không những được khách hàng trong tỉnh chọn mua mà còn đến tay người tiêu dùng ở các tỉnh Tiền Giang, Đồng Nai và TP.HCM.


Những sản phẩm làm ra ở trại mộc của anh Lê Long Hồ luôn thay đổi mẫu mã để thu hút khách hàng

Để nghề mộc thêm khởi sắc

Dù nghề mộc ở xã Bình An phát triển “rầm rộ” hơn thời gian trước nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Những sản phẩm làm ra chỉ bán trong tỉnh và các tỉnh lân cận mà chưa vươn ra các nước trên thế giới nên sức cạnh tranh, đầu ra còn hạn hẹp. Như ông Hồ Hoàng Sơn, 55 tuổi, ở ấp Vàm Kinh, dù gắn bó với nghề gần 30 năm nhưng cũng chưa thể tìm một đầu ra ổn định cho sản phẩm của mình. Những chiếc ghế, tủ, giường,... làm nên từ đôi tay người thợ mộc này chủ yếu dựa vào đơn đặt hàng của người dân địa phương, thi thoảng mới có khách ngoài tỉnh.

Giải thích về nguyên nhân, ông Sơn chân tình: “Bây giờ, thị trường có nhiều loại nội thất đồ gỗ đa dạng mẫu mã, giá cả lại thường xuyên được giảm nên trại mộc như chúng tôi không cạnh tranh nổi. Nếu cũng giảm giá như vậy thì sản phẩm làm ra sẽ huề vốn, có khi chịu lỗ nên phải bán với giá cao và chưa thu hút được khách hàng”.

Còn trông chờ vào đơn đặt hàng của người dân thì cũng “5 ăn 5 thua”. Người dân địa phương chủ yếu sống bằng nghề nông nên nếu trúng mùa, được giá mới đặt hàng, sắm sửa thêm đồ đạc trong nhà. Còn ngược lại thì đơn đặt hàng của nông dân hầu như không có. Trong năm 2015, có những tháng, ông Sơn không có đơn đặt hàng. Ông cũng từng đứng ngồi không yên khi bộ salon hoàn thành hơn nửa năm mà vẫn chưa có khách đến mua. Cũng sau lần này, ông Sơn không dám đóng trước sản phẩm vì nếu để lâu không bán sẽ bị “chôn” vốn trong khi cần có tiền để mua nguyên liệu, trả công cho thợ...

Cũng theo ông Sơn, ngoài khan hiếm đơn đặt hàng, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường, nghề mộc hiện nay còn gặp khó về nhân công. “Hiện tại, trại mộc của tôi có 2 người phụ, nhưng cũng bằng tuổi tôi. Mấy tháng nay, tôi cần tìm thanh niên học nghề, phụ nghề nhưng không thấy ai tìm đến. Vì nghề này đòi hỏi sự nhẫn nại, tỉ mỉ nên ít có thanh niên mặn mà. Vì không có thợ phụ nên sản phẩm làm ra rất lâu và cũng không thể làm với số lượng nhiều”- ông Sơn bộc bạch.

Trước những khó khăn hiện nay, để nghề mộc thêm khởi sắc, ngoài việc tuyên truyền, tạo động lực đam mê cho giới trẻ với nghề truyền thống thì phải tạo một đầu ra ổn định. Để làm được điều này, anh Hồ đưa sản phẩm tham gia các gian hàng triển lãm nhằm giới thiệu đến khách hàng sản phẩm đồ gỗ Bình An. Nhưng với thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng từ nghề mộc như anh Lê Long Hồ, việc này dễ thực hiện. Còn như ông Hồ Hoàng Sơn, thu nhập ít lại không đều thì việc đưa sản phẩm đi triển lãm là rất khó khăn. Để tạo điều kiện cho những thợ mộc như ông Sơn có thêm thu nhập, đủ điều kiện quảng bá sản phẩm thì cần có những đơn đặt hàng số lượng lớn như bàn ghế văn phòng, trường học,... từ các cơ quan, đơn vị trong huyện, tỉnh,...

Nhu cầu về các sản phẩm làm ra từ nghề mộc của khách hàng không bao giờ có điểm dừng, vì vậy, những người làm nghề phải kiên trì, sáng tạo những mẫu mới để đủ sức cạnh tranh, đưa sản phẩm truyền thống của quê hương thoát ra khỏi địa phương đến với các tỉnh, thành trong cả nước. Có như vậy, nghề mộc sẽ ngày càng khởi sắc, sức sống nghề truyền thống sẽ mãi bền bỉ cùng thời gian./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết
  • Máy đục gỗ cnc Đông Phương là 1 giải pháp với làng nghề gỗ

    Trần Thị Tuyến -
    Fatal error: Uncaught Error: Call to undefined function ereg_replace() in /home/www/baolongan/frontends2/application/modules/default/models/Common.php:140 Stack trace: #0 /home/www/baolongan/frontends2/application/modules/default/views/scripts/cate/box_comment.phtml(22): Default_Model_Common::getPeriod('29-05-2016 21:4...', 'vi') #1 /home/www/baolongan/library/Zend/View.php(108): include('/home/www/baolo...') #2 /home/www/baolongan/library/Zend/View/Abstract.php(888): Zend_View->_run('/home/www/baolo...') #3 /home/www/baolongan/frontends2/application/modules/default/views/scripts/cate/detail.phtml(1304): Zend_View_Abstract->render(NULL) #4 /home/www/baolongan/library/Zend/View.php(108): include('/home/www/baolo...') #5 /home/www/baolongan/library/Zend/View/Abstract.php(888): Zend_View->_run('/home/www/baolo...') #6 /home/www/baolongan/library/Zend/Controller/Action/Helper/ViewRenderer.php(897): Zend_View_Abstract->render(NULL) #7 /home/www/baolongan/library/Zend/Controller/Action/Helper/ViewRenderer.php(918): Zend_Control in /home/www/baolongan/frontends2/application/modules/default/models/Common.php on line 140