Một vụ tai nạn xảy ra trên đường cao tốc
Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương thông xe vào ngày 3-2-2010 đến nay, hơn 5 năm, đoạn qua tỉnh Long An có chiều dài gần 30km đã xảy ra 212 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 33 người, bị thương 149 người, làm hư hỏng 83 ôtô.
Điển hình như: Vụ tai nạn xảy ra vào 1 giờ sáng ngày 28-3-2015, trên cao tốc đoạn qua Km 13, thuộc địa phận xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, 2 xe tải đông lạnh mang BKS 94C-001.08 do tài xế Lý Minh Đường (26 tuổi, quê Sóc Trăng) và xe tải BKS 88C-024.70 do tài xế Trần Minh Trên (32 tuổi, quê Kiên Giang) điều khiển hướng từ miền Tây về TP.HCM đã xảy ra va chạm. Sau sự cố, tài xế của 2 xe xuống xe tranh cãi nhau về lỗi thì bất ngờ xe khách Phương Trang loại 50 chỗ biển số 51B-137.56 do Hồ Kim Luân (35 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) điều khiển, chạy cùng chiều từ sau lao lên đâm thẳng vào 2 xe tải. Vụ va chạm đã làm 1 nhân viên phục vụ trên xe khách Phương Trang chết tại chỗ, 10 người khác bị thương phải nhập viện cấp cứu, trong đó 3 người bị thương nặng.
Hiện nay, mật độ phương tiện ôtô qua lại trên 60.000 phương tiện/ngày đêm. Qua số liệu trên cho thấy, tỷ lệ số vụ TNGT so với mật độ phương tiện tham gia giao thông là rất thấp so với các tuyến đường bộ khác. Tuy nhiên, cũng cần phải nghiên cứu tìm ra nguyên nhân để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả nhất.
Qua thống kê và phân tích các vụ TNGT về chiều hướng của phương tiện lưu thông thì phương tiện lưu thông hướng Tiền Giang - TP.HCM chiếm 82% (174/212 vụ). Thời gian xảy ra tai nạn vào ban đêm chiếm 76% (161/212 vụ). Nguyên nhân gây tai nạn nhiều nhất do thiếu chú ý quan sát, trong đó có lái xe ngủ gật chiếm 51% (108/212 vụ), do phương tiện không bảo đảm kỹ thuật an toàn (nổ lốp) chiếm 31% (66/212 vụ).
Nhằm làm giảm tai nạn xảy ra trên đường cao tốc Trung Lương - TP.HCM cần có các giải pháp như sau:
Đối với cơ quan quản lý đường cao tốc Trung Lương - TP.HCM:
+ Lắp đèn chiếu sáng vào ban đêm suốt tuyến.
+ Khắc phục các điểm hư hỏng trên mặt đường.
+ Tăng tốc độ tối thiểu vì hiện nay đã tăng tốc độ tối đa cho cả 2 làn đường từ 100km/h đến 120 km/h.
+ Nên bố trí một số điểm dừng chân cho người và phương tiện nghỉ ngơi vì qua phân tích các vụ tai nạn xảy ra hướng Tiền Giang - TP.HCM nhiều vì lái xe mệt mỏi, ngủ gật do thời gian điều khiển phương tiện quá dài, nhất là các phương tiện từ các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang,… TNGT do nổ lốp vì thời gian hoạt động của phương tiện quá dài làm cho lốp tạo nhiệt lớn, khi lưu thông trên đường cao tốc thì tốc độ phương tiện cao và độ ma sát của mặt đường cao tốc cũng lớn, do đó tạo nhiệt cho lốp quá lớn dẫn đến nổ lốp gây tai nạn. Hiện nay, trên các tuyến đường dẫn vào đường cao tốc Trung Lương - TP.HCM đã có dịch vụ bơm hơi và làm mát lốp xe ôtô tự phát.
Đối với lực lượng Cảnh sát giao thông: Tuần tra, kiểm soát phải xử lý nghiêm các trường hợp dừng, đỗ gây nguy hiểm và phải cẩu kéo ngay các phương tiện dừng, đỗ do hư hỏng, xử lý các trường hợp quá tốc độ tối đa, tối thiểu khi tham gia giao thông trên đường cao tốc.
Đối với người tham gia giao thông trên đường cao tốc phải kiểm tra kỹ thuật phương tiện như: Phanh, lốp (chú ý kiểm tra áp lực hơi, độ nhiệt), đèn vào ban đêm, dừng nghỉ nếu phương tiện đã hoạt động trên tuyến đường dài. Khi điều khiển phương tiện đi vào đường cao tốc tuyệt đối tập trung cao độ vì tốc độ phương tiện cao./.
Lại Văn Út