Tiếng Việt | English

24/12/2021 - 15:21

Tại sao trẻ em có ít nguy cơ bị bệnh nặng do COVID-19 hơn người lớn?

Sự khác biệt cơ bản trong phản ứng miễn dịch của người lớn và trẻ em có thể giúp giải thích tại sao trẻ em ít có nguy cơ bị bệnh nặng hơn do COVID-19.

Nghiên cứu mới của Viện Wellcome Sanger, Đại học College London (UCL) được công bố trên Tạp chí Nature, đã chỉ ra rằng trẻ em có thể chống lại COVID-19 tốt hơn người lớn nhờ phản ứng miễn dịch bẩm sinh hoạt động tích cực hơn.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học College London và các bệnh viện liên kết đã thu thập và xử lý các mẫu máu và mẫu dịch phết mũi họng của 37 bệnh nhân COVID-19 (trong đó 19 bệnh nhân là trẻ em và 18 bệnh nhân là người lớn) và 41 mẫu đối chứng từ những người khỏe mạnh. Nhóm bệnh nhân người lớn có các triệu chứng ở các mức độ từ không triệu chứng đến nghiêm trọng.

Các khoa học đã phát hiện ra phản ứng miễn dịch bẩm sinh mạnh hơn trong đường thở của trẻ em, được đặc trưng bởi việc giải phóng nhanh chóng các interferon. Interferon ra tín hiệu cho các tế bào lân cận thắt chặt hệ thống phòng thủ của chúng khi có các mối đe dọa từ virus hoặc vi khuẩn. Điều này giúp hạn chế sự nhân lên của virus khi nó vừa xâm nhập và mang lại cho trẻ em lợi thế ngay lập tức trong việc ngăn chặn virus lây nhiễm vào máu và các cơ quan khác.

Trong khi đó, ở người lớn, phản ứng miễn dịch chậm hơn do cơ chế kích hoạt miễn dịch phải trải qua một con đường phức tạp bởi tế bào B và T đã được đào tạo quá nhiều. Khoảng thời gian xét lại trước khi tạo phản ứng miễn dịch khiến virus có khả năng xâm nhập tốt hơn vào các bộ phận khác của cơ thể, khiến bệnh trở nên khó kiểm soát hơn.

Tiến sĩ Masahiro Yoshida, tác giả đầu tiên của nghiên cứu, cho biết: “Bởi vì Sars-CoV-2 là một loại virus mới, nó không phải là thứ mà hệ thống miễn dịch thích ứng của người lớn đã học để phản ứng lại. Hệ thống miễn dịch bẩm sinh của trẻ em linh hoạt hơn và có khả năng phản ứng tốt hơn với các mối đe dọa mới. Những gì chúng ta thấy ở cấp độ phân tử là hàm lượng interferon cao và phản ứng miễn dịch rất nhanh ở trẻ em giúp giải thích tại sao chúng ít bị ảnh hưởng bởi COVID-19 hơn người lớn”.

Dẫn lời Tiến sĩ Marko Nikolic, tác giả cao cấp của nghiên cứu từ Đại học College London, và chuyên gia tư vấn danh dự về Y học Hô hấp: “Một khi virus đã lây lan đến một số cơ quan của cơ thể, sẽ gây tổn thương cơ quan có thể do hệ thống miễn dịch cố gắng và không kiểm soát được sự lây nhiễm. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, trẻ em không chỉ phản ứng ban đầu tốt hơn, mà phản ứng gây độc tế bào cũng sẽ ít mạnh hơn nếu virus xâm nhập vào máu”.

Theo Tiến sĩ Kerstin Meyer, tác giả cao cấp của nghiên cứu từ Viện Wellcome Sanger, thời gian và các loại tế bào được kích hoạt sẽ ảnh hưởng đến cách phát triển của bệnh và điều này sẽ khác nhau giữa các cá nhân vì nhiều lý do ngoài tuổi tác. Một số khác biệt mà các nhà nghiên cứu quan sát được giữa trẻ em và người lớn có thể giúp họ đánh giá nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong ở người lớn./.

CTV Lương Trâm/VOV.VN

Chia sẻ bài viết