Tiếng Việt | English

14/04/2020 - 15:45

Tạm gác hạnh phúc riêng vì sức khỏe cộng đồng

Toàn huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An có 43 gia đình tạm hoãn cưới, hỏi trong giai đoạn cách ly xã hội; 82 cơ sở tôn giáo chấp hành nghiêm quy định Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đó là kết quả từ sự nỗ lực của hệ thống chính trị và ý thức của người dân trong, phòng ngừa dịch bệnh Covid-19.

Hoãn lại một chuyện vui trọng đại của gia đình, nhưng ông Nguyễn Ngọc Giàu, bà Hồ Thị Lượm vẫn thoải mái vì với ông bà, đó là việc làm đúng đắn trong tình hình dịch bệnh như hiện nay
Hoãn lại một chuyện vui trọng đại của gia đình, nhưng ông Nguyễn Ngọc Giàu, bà Hồ Thị Lượm vẫn thoải mái vì với ông bà, đó là việc làm đúng đắn trong tình hình dịch bệnh như hiện nay 

Hoãn cưới "Trước giờ G"

Một ngày cuối tháng 3, UBND xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc bỗng xôn xao hẳn vì cán bộ xã kêu gọi nhau mua hết mấy mươi kilôgam cá của một chủ dịch vụ nấu ăn trên địa bàn. Cá tươi vừa được nhập về chuẩn bị cho tiệc cưới ngày hôm sau giờ bán lại toàn bộ cho cán bộ xã. Chủ tịch UBND xã Long Hậu - Nguyễn Văn Chính kể: “Số cá đó để chuẩn bị cho tiệc cưới của gia đình ông Võ Văn Hù ở ấp 2/6. Khi nhận được Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi lập đoàn vận động gia đình ông Hù tạm hoãn đám cưới, dù chỉ còn cách ngày cưới đúng 1 ngày”. Trước khi Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, xã vận động gia đình ông Hù giảm quy mô tiệc, đồng thời thực hiện các biện pháp vệ sinh, bảo đảm an toàn trong tiệc cưới. Khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị 16, UBND xã lập tức thành lập đoàn vận động đến thuyết phục gia đình ông Hù. Lúc đoàn đến, nhà ông Hù đang dựng rạp cưới, mọi thứ hầu như đã sẵn sàng. Ông Chính nói: “Biết là khó khăn lắm nhưng không còn cách nào khác vì hôm sau là Chỉ thị 16 có hiệu lực, nên chúng tôi ra sức thuyết phục và giúp gia đình khắc phục một phần khó khăn khi hoãn tiệc. Chúng tôi trực tiếp liên hệ dịch vụ nấu ăn để hủy hợp đồng giúp gia đình. Vì bên đó đã mua sẵn cá chuẩn bị nấu nên chúng tôi chia nhau mua lại để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại cho các bên”. Cuối cùng, lễ cưới nhà ông Hù cũng hoãn lại, chờ qua mùa dịch.

Toàn xã Long Hậu có 6 gia đình hoãn lễ cưới trong giai đoạn cách ly toàn xã hội. Dẫu biết cưới xin là chuyện hệ trọng cả đời người nhưng trong tình hình dịch bệnh, và chỉ đạo của Thủ tướng, người dân vui vẻ chấp hành. Bà Hồ Thị Lượm (ấp 2/5, xã Long Hậu) kể về việc hoãn lễ cưới của gia đình: “Nhà tui chuẩn bị gả con gái, nhưng tình hình dịch bệnh phức tạp nên xã vận động hoãn. Chỉ đạo của Nhà nước thì gia đình tui chấp hành chứ đâu có gì. Thiệp mời gia đình cũng phát rồi, nhưng hoãn thì cũng không sao, vì dịch bệnh mà”. Được biết, gia đình bà Lượm quyết định hoãn lễ cưới trước ngày cưới khoảng 1 tuần. Mọi việc chuẩn bị đều hoàn tất, thiệp đã gửi đi, nhưng gia đình vẫn vui vẻ đồng ý hoãn vì lợi ích chung của xã hội. Trên tường, hàng chữ đỏ mừng lễ cưới đôi trẻ vẫn mới nguyên nhưng lễ cưới thì vẫn chưa tổ chức. Khi được hỏi về việc ngày lành tháng tốt đã qua thì gia đình tính sao, ông Nguyễn Ngọc Giàu (chồng bà Lượm) vui vẻ nói: “Thì đâu có gì, khi nào hết dịch lại chọn ngày tốt khác”. Hoãn lại một chuyện vui trọng đại của gia đình, nhưng ông Giàu, bà Lượm vẫn thoải mái vì với ông bà, đó là việc làm đúng đắn trong tình hình dịch bệnh như hiện nay. 

Sức mạnh sự đồng thuận

Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Đào Thị Ngọc Vui cho biết, từ khi Chỉ thị 16 được ban hành, toàn bộ hệ thống chính trị huyện đã vào cuộc vận động người dân. Có 43 gia đình đồng ý tạm hoãn lễ cưới, giỗ trên toàn huyện. Không chỉ vậy, huyện còn vận động người dân không tập trung đông người cúng thanh minh tại các nghĩa trang. 82 cơ sở tôn giáo trong huyện cũng đồng ý ngừng các lễ, cúng, nghi thức tôn giáo tập trung đông người nhằm ngăn ngừa dịch bệnh. 

Tại xã Phước Hậu, tất cả cơ sở tôn giáo đều tạm ngưng hoạt động, còn các hội đình, miễu đều không tổ chức cúng và đón khách thập phương như các năm trước. Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hậu - Đặng Thanh Phúc cho biết: “Khi Chỉ thị 15 và 16 có hiệu lực, UBND xã có văn bản gửi các cơ sở thờ tự trên địa bàn về việc không tụ tập đông người. Sau đó, địa phương tổ chức đoàn đi vận động, tất cả các cơ sở thờ tự đều đồng tình và thực hiện theo chủ trương của Nhà nước. Trên địa bàn xã có 1 chùa lớn là chùa Pháp Tam, mỗi năm đều tổ chức nhiều khóa tu học, tập trung hàng trăm người, nhưng trong tình hình dịch bệnh hiện nay, chùa tạm hoãn các khóa tu. Riêng trong những ngày cách ly xã hội, chùa hầu như đóng cửa suốt”. Dẫu biết rằng tôn giáo, giỗ chạp hay lễ cưới đều là những hoạt động rất quan trọng trong đời sống của người dân, nhưng vì mục tiêu “chiến thắng đại dịch”, người dân đã bỏ qua những riêng tư vì mục tiêu chung toàn xã hội. 

Bà Vui cho biết, sau khi vận động, chính quyền địa phương, đặc biệt là đoàn công tác của huyện thường xuyên đi kiểm tra nhằm bảo đảm Chỉ thị 16 được thực hiện nghiêm túc trên địa bàn. Ngoài chú trọng vận động trong dân, huyện còn quan tâm công tác phòng dịch tại các công ty đang hoạt động trên địa bàn huyện cũng như nỗ lực tìm cách hỗ trợ các hộ khó khăn trong mùa dịch. Hy vọng, bằng sự quyết tâm, Cần Giuộc cũng như các địa phương khác trong toàn tỉnh sẽ giúp người dân hiểu sự quan trọng của cách ly toàn xã hội và chấp hành nghiêm túc. 

Phương Phương

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích