Tiếng Việt | English

31/12/2023 - 09:25

Tầm quan trọng của việc tuân thủ quy chế kê đơn

Ngày 13/12/2023, Sở Y Tế TP.HCM ban hành Công văn số 11052 về việc tăng cường quản lý việc bán thuốc kê đơn. Theo đó, phòng y tế quận, huyện và các cơ sở bán lẻ thuốc phải tuyên truyền cho mọi người hiểu rõ tầm quan trọng của việc tuân thủ đơn thuốc của bác sĩ sẽ có lợi cho sức khỏe mỗi người.

Vậy thuốc kê đơn là gì?

Nói một cách đơn giản, thuốc kê đơn là thuốc khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc của bác sĩ. Việc sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn có thể nguy hiểm tới sức khỏe thậm chí là tính mạng của bệnh nhân. Chỉ có bác sĩ mới được quyền kê đơn thuốc.

Dược sĩ nhà thuốc và nhân viên y tế, bên cạnh việc hướng dẫn bệnh nhân tuân thủ y lệnh bác sĩ còn cần tuyên truyền về lối sống lành mạnh, luyện tập thể thao, duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp với thể trạng mỗi người để đề phòng bệnh tật. Ảnh minh họa

Về mặt quản lý, thuốc kê đơn Ethical drugs hay ETC (Ethical The Counter) là thuốc bán theo đơn bác sĩ, kênh phân phối thuốc chủ yếu là bệnh viện, ngoài ra còn phân phối ở các cơ sở bán lẻ được cấp phép. Thuốc kê đơn không được quảng cáo dưới mọi hình thức. Thuốc kê đơn có ký hiệu Rx (viết tắt của tiếng La tinh Recipe) in ở góc trên bên trái nhãn hộp thuốc. Thời hiệu của 1 đơn thuốc là 5 ngày kể từ ngày kê đơn, đối với các bệnh mãn tính chỉ được kê đơn thuốc trong vòng tối đa là 30 ngày.

Bộ Y tế đã ban hành công văn số 1517/BYT-KCB ngày 06/3/2008 Hướng dẫn thực hiện quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú.

Thuốc không kê đơn OTC (Over The Counter) được quy định bởi Thông tư 07/2017/TT-BYT. Danh mục thuốc không kê đơn là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước xây dựng và ban hành các quy định, hướng dẫn đối với thuốc không kê đơn trong đăng ký thuốc, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông phân phối thuốc, thông tin quảng cáo thuốc, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và các hoạt động khác có liên quan.

Vì sao bệnh nhân cần tuân thủ y lệnh kê đơn của bác sĩ?

Bởi vì sức khỏe của chúng ta biến đổi theo thời gian, bệnh tật từ môi trường xâm nhập vào cơ thể gặp sức chống đỡ của hệ thống miễn dịch, nếu sức đề kháng tốt sẽ đẩy lùi được bệnh tật. Thuốc là phát minh của y khoa để giúp chúng ta chiến thắng bệnh tật. Khi đã mắc bệnh, nếu không uống thuốc thì không khỏi bệnh.

Bác sĩ là những người có chuyên môn y khoa giỏi theo từng chuyên ngành khi đưa ra chẩn đoán kết hợp với xét nghiệm cận lâm sàng sẽ ghi đơn thuốc cho bệnh nhân. Đơn này cùng với các chỉ số sức khỏe về huyết áp, đường huyết, chiều cao, cân nặng, nước mỡ cơ xương của bệnh nhân chỉ có giá trị tại thời điểm bệnh nhân khám.

Sau khi uống thuốc, nếu bệnh nhân đáp ứng điều trị tốt các chỉ số sức khỏe sẽ trở về trạng thái bình thường và các triệu chứng lâm sàng sẽ biến mất. Ảnh minh họa

Sau khi uống thuốc, nếu bệnh nhân đáp ứng điều trị tốt các chỉ số sức khỏe sẽ trở về trạng thái bình thường và các triệu chứng lâm sàng (ví dụ như sốt, ho, khó thở, đau) sẽ biến mất. Lúc đó, bác sĩ cho bệnh nhân ngừng uống thuốc. Bệnh cấp tính khi dùng hết đơn thuốc khỏi bệnh thì không cần đi khám nữa. Nếu là bệnh mãn tính, mỗi tháng phải thăm khám lại xem cơ thể thay đổi như thế nào, tốt hơn hay xấu đi, bác sĩ sẽ điều chỉnh thuốc phù hợp và bệnh nhân cần tuân thủ y lệnh của bác sĩ. Thời gian có hiệu lực của 1 đơn thuốc là 5 ngày. Sau thời gian này, các triệu chứng lâm sàng và chỉ số sức khỏe của bệnh nhân đã thay đổi nên không dùng lại đơn thuốc cũ.

Kháng sinh (bao gồm thuốc kháng vi khuẩn, kháng virus, kháng nấm và thuốc chống ký sinh trùng) thuộc nhóm thuốc kê đơn nên chỉ được sử dụng khi có đơn bác sĩ. Các dược sĩ khi bán kháng sinh nhắc nhở bệnh nhân phải uống đủ liều đúng y lệnh của bác sĩ. Cần giải thích cho bệnh nhân nếu uống kháng sinh không đủ liều sẽ gây lờn thuốc, lần sau uống không hiệu quả nữa nhưng cũng không được lạm dụng kháng sinh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng về mối đe dọa của kháng kháng sinh trên toàn cầu bao gồm việc sử dụng kháng sinh quá liều lượng và sai cách .Theo các chuyên gia, kháng kháng sinh xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng không còn phản ứng với thuốc, làm cho các bệnh nhiễm trùng thông thường khó điều trị hơn và làm tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh có thể nặng hơn. Đây là lý do tại sao không được uống lại đơn thuốc cũ.

Dược sĩ nhà thuốc và nhân viên y tế, bên cạnh việc hướng dẫn bệnh nhân tuân thủ y lệnh bác sĩ còn cần tuyên truyền về lối sống lành mạnh, luyện tập thể thao, duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp với thể trạng mỗi người để đề phòng bệnh tật, nâng cao sức khỏe giúp mọi người sống vui, khỏe, hạnh phúc và trường thọ./.

DS CKII. Lý Thị Nhất Định

Chia sẻ bài viết