Tiếng Việt | English

16/12/2023 - 18:00

Hết lòng cống hiến cho sự nghiệp 'trồng người'

Không quản ngại gian khổ, vượt khó để vận động học sinh (HS) đến lớp,... Đó là công việc thầm lặng của những giáo viên (GV) để cho con chữ được “nảy mầm” trên vùng đất khó. Họ đại diện cho hàng chục GV trong tỉnh Long An được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2023 vì có thành tích trong công tác từ năm 2017 đến năm 2022, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Yêu trò thêm yêu nghề

Giữa “vườn hoa” những nhà giáo tiêu biểu, hết lòng cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, tại Trường THCS Nguyễn Văn Chiêu (trước đây là Trường THCS Thị Trấn Tân Trụ), huyện Tân Trụ, tỉnh Long An cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Nương (SN 1981) - GV môn Sinh học, vẫn luôn miệt mài mang kiến thức, tình yêu nghề vào từng giáo án để giáo dục HS.

Tình cảm của học trò giúp cô Nguyễn Thị Ngọc Nương thêm yêu nghề

Tình cảm của học trò giúp cô Nguyễn Thị Ngọc Nương thêm yêu nghề

22 năm qua, cô vẫn chưa nguôi nhiệt huyết với nghề “gieo chữ”. Năm 2002, cô tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Long An, sau đó về công tác tại Trường Tiểu học và THCS Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng. Những khó khăn, vất vả của một cô giáo trẻ xa nhà, công tác tại vùng sâu được cô “biến” thành động lực để phấn đấu vượt qua. “Nhìn học trò lem luốc, vất vả đến trường, lúc ấy, tôi thương lắm, vì thương trò mà thêm yêu nghề. Biết được hoàn cảnh HS nào thiếu thốn hoặc gia đình quá khó khăn, tôi vận động bạn bè hoặc trích lương để đóng học phí cho các em” - cô Nương nói.

9 năm sau đó, cô được chuyển đến giảng dạy tại Trường THCS Nguyễn Thành Nam, huyện Tân Trụ. Năm 2020, cô về công tác tại Trường THCS Nguyễn Văn Chiêu. Khoảng thời gian này, cô có điều kiện thuận lợi để bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao kiến thức, từng bước phát huy ưu thế riêng của bản thân trong công tác giảng dạy. Từ GV trẻ chưa có kinh nghiệm, đến nay, cô là một trong những GV cốt cán của trường.

Trong giảng dạy, cô kết hợp nhiều phương pháp cũng như kỹ thuật; đồng thời, lồng ghép giáo dục HS về tình yêu quê hương, đất nước, giáo dục kỹ năng sống, vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống,... Ngay từ khâu soạn bài, cô luôn đặt cho mình câu hỏi: Mỗi nội dung có trong bài được gắn với những vấn đề nào trong cuộc sống? Làm thế nào để HS nhận thấy sự liên quan đó? Với bài dạy cụ thể trên lớp, cô luôn tìm cách để HS kết nối kiến thức, vừa tìm hiểu thực tiễn cuộc sống,... Từ đó, giúp HS khắc sâu kiến thức.

Ngoài nghiên cứu, đổi mới các phương pháp dạy học, cô còn ứng dụng công nghệ thông tin làm phương tiện giảng dạy. Theo cô, khi được hỗ trợ bởi công nghệ thông tin, khả năng truyền tải ý tưởng của GV cũng dễ dàng hơn.

Qua 22 năm công tác, cô Nguyễn Thị Ngọc Nương vẫn chưa nguôi nhiệt huyết

Qua 22 năm công tác, cô Nguyễn Thị Ngọc Nương vẫn chưa nguôi nhiệt huyết "trồng người"

Là GV chủ nhiệm, cô đặc biệt quan tâm HS yếu, cá biệt. Vào đầu năm học, cô chủ động tìm hiểu hoàn cảnh, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của HS lớp mình để có biện pháp giáo dục và giúp đỡ phù hợp. Trong quá trình giao tiếp với HS, cô tạo cho HS cảm giác gần gũi nhưng khi cần, cô vẫn phải nghiêm khắc để HS hiểu được giới hạn của sự thoải mái. Lứa tuổi THCS là giai đoạn các em bắt đầu thay đổi tâm, sinh lý, vì vậy, cô đặc biệt quan tâm, trau dồi kiến thức tâm lý để có thể đồng hành với HS.

Tấm lòng cô giáo vùng biên

Nụ cười hiền hậu, ánh mắt trìu mến là cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi gặp cô Nguyễn Thị Thúy Duy (SN 1988) - GV Trường Tiểu học Tân Hiệp, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa. Cô được bạn bè, đồng nghiệp tôn trọng, HS yêu quý bởi phong cách sống giản dị, tâm huyết với nghề, nhiều năm liền có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp “trồng người”.

Cô Duy chia sẻ, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên khi còn nhỏ, cô theo cha mẹ rời quê ở tỉnh Bến Tre lên lập nghiệp tại vùng biên giới tỉnh Long An. 13 năm công tác, cô Duy có đến 12 năm làm Tổng phụ trách Đội và được Hội đồng Đội Trung ương công nhận là Huấn luyện viên cấp I Trung ương. Bắt đầu từ năm học 2023-2024, cô Duy chuyển sang dạy thể dục nhưng vẫn theo sát các hoạt động của Đội và giúp đỡ những HS có hoàn cảnh khó khăn.

"Không có niềm vui, hạnh phúc nào bằng khi chính mình được giảng dạy tại ngôi trường mình từng học tập. Nhiều năm trước khi học tại đây, tôi cũng được thầy, cô giáo hỗ trợ rất nhiều nên tôi nguyện lòng sau này trở thành GV sẽ nỗ lực hết mình. Mỗi ngày đến trường, trong câu chuyện khi trao đổi với HS, tôi thường lấy ví dụ về mình để động viên các em ở nơi đây học tập" - cô Duy trải lòng.

Cũng như bao thầy, cô giáo khác, cô Duy không chỉ giảng dạy tại điểm chính của trường mà còn được phân công hỗ trợ tại các điểm phụ. Cô Duy chia sẻ, GV bậc tiểu học như "người mẹ thứ 2" của HS, không chỉ truyền "con chữ" mà còn chăm sóc các em như những đứa con của mình. Ở vùng biên, điều kiện kinh tế gia đình HS còn gặp khó hơn những nơi khác. Một số em có cha mẹ đi làm ăn xa; một số khác cha mẹ ly hôn, các em ít được quan tâm, thường bỏ học sớm;...

Cô Nguyễn Thị Thúy Duy luôn tâm niệm, giáo viên bậc tiểu học không chỉ giảng dạy mà còn rèn người

Cô Nguyễn Thị Thúy Duy luôn tâm niệm, giáo viên bậc tiểu học không chỉ giảng dạy mà còn rèn người

“Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu trường, cứ mỗi năm học, tôi cùng GV chủ nhiệm đến tận nhà để động viên các em đến trường. Ngày nay, điều kiện giao thông tuy được cải thiện nhưng phần lớn HS học tại điểm phụ còn trường hợp phải đi bằng xuồng vất vả hơn nên chúng tôi thường vận động tặng dụng cụ học tập, xe đạp, học bổng, kể cả tiền ăn,..." - cô Duy bộc bạch.

Vì chưa lập gia đình nên hầu hết thời gian của cô Duy đều dành cho công tác giáo dục. Cô không ngại khi làm thêm giờ hay ngày cuối tuần khi có chương trình công tác. Ngoài thời gian học tập trên trường, cô còn khuyến khích HS tham gia các chương trình ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống thông qua các câu lạc bộ tại trường, trong đó nổi bật là Câu lạc bộ Bơi lội nhằm phục vụ việc dạy bơi cho HS. Đồng thời, trường cũng đưa bơi lội vào môn tự chọn, từ đó giúp trang bị những kỹ năng tự bảo vệ bản thân khi sống ở vùng sông nước, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn đuối nước ở trẻ em.

Đằng sau chuỗi thành tích là những gian lao, sáng tạo của các thầy, cô giáo. Chỉ có niềm yêu nghề, tình yêu thương HS, các thầy, cô giáo mới phát huy năng lực, vượt khó gắn bó và viết tiếp những câu chuyện đẹp về sự nghiệp “trồng người”./.

Song Nhi

Chia sẻ bài viết