Tiếng Việt | English

08/01/2021 - 00:35

Tân Thạnh: Sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả

Tại huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) đã giúp người dân thay đổi phương thức sản xuất, giảm chi phí, tăng năng suất, từng bước hình thành chuỗi liên kết sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất góp phần tăng hiệu quả canh tác, giảm chi phí và tăng lợi nhuận

Đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất góp phần tăng hiệu quả canh tác, giảm chi phí và tăng lợi nhuận

Toàn huyện quy hoạch 10.000ha lúa chất lượng cao. Trong giai đoạn 2017-2020, toàn huyện đã triển khai thực hiện hơn 4.427/4.000ha lúa ƯDCNC, đạt hơn 110% kế hoạch. Đa số nông dân đánh giá, sản xuất lúa ƯDCNC giảm chi phí đầu tư từ 1,5-2,5 triệu đồng/ha, năng suất bằng hoặc cao hơn sản xuất theo phương thức cũ, lợi nhuận cao hơn từ 2,5-3 triệu đồng/ha. Ông Lê Văn Bê, ngụ ấp Trương Công Ý, xã Tân Lập, cho biết: “Tôi tham gia sản xuất lúa ƯDCNC được 3 năm, năng suất trung bình đạt từ 8 tấn/ha trở lên. Hiện nay, nhiều nông dân ở đây cũng tham gia và có lợi nhuận cao”.

Vụ Đông Xuân 2020-2021, huyện triển khai nhân rộng 6 mô hình lúa ƯDCNC ở các xã: Tân Hòa, Tân Thành, Nhơn Ninh, Kiến Bình và Tân Lập với tổng diện tích 390,2ha. Hiện các trà lúa đều phát triển tốt. Ông Trần Hoàng Lực, ngụ xã Tân Thành, tham gia thực hiện được 2ha nếp IR4625, cho biết: “Đây là lần đầu tôi canh tác theo hướng ƯDCNC và kết quả mang lại khá tốt, giảm được chi phí đầu tư. Vụ Đông Xuân 2020-2021, chi phí đầu tư khoảng 900 ngàn đồng/ha, còn vụ Đông Xuân năm ngoái tốn chi phí khoảng 1,3 triệu đồng/ha. Đặc biệt, tôi không phải tốn chi phí trị sâu, rầy do áp dụng tốt các biện pháp quản lý dịch hại trên đồng ruộng. Vụ này năng suất đạt hơn 9 tấn/ha”.

Người dân tham gia mô hình sản xuất lúa ƯDCNC đều được hướng dẫn, tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật; được cán bộ theo dõi, hỗ trợ kỹ thuật đến cuối vụ;... Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông huyện Tân Thạnh - Mai Văn On cho biết: “Mục tiêu của chương trình là hướng người dân đến một quy trình sản xuất khoa học hơn, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm”.

Huyện Tân Thạnh đã xây dựng kế hoạch phấn đấu đến năm 2025 có 15.000ha lúa ƯDCNC. Đây cũng là mục tiêu phấn đấu của huyện thực hiện Chương trình đột phá Phát triển nông nghiệp ƯDCNC, hiệu quả gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và thích ứng biến đổi khí hậu theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020-2025./.

Duy Thanh

Chia sẻ bài viết