Tiếng Việt | English

06/08/2019 - 10:00

Vĩnh Hưng: Sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giảm chi phí, tăng lợi nhuận

Sau 3 năm triển khai, Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp được tập trung thực hiện, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Nông dân tham quan mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại Hợp tác xã Hưng Phú, xã Khánh Hưng

Nông dân tham quan mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại Hợp tác xã Hưng Phú, xã Khánh Hưng

Tại huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An vụ Đông Xuân 2018-2019, huyện thực hiện 6 mô hình ƯDCNC với tổng diện tích 300ha, trong đó có 3 mô hình điểm và 3 mô hình nhân rộng ở các xã: Hưng Điền A, Vĩnh Trị và Vĩnh Thuận. Ngoài ra, nông dân ngoài mô hình tự học hỏi cách làm và ƯDCNC được hơn 400ha.

Tính đến nay, tất cả mô hình điểm của tỉnh, huyện, mô hình mở rộng cũng như các mô hình sản xuất theo hướng VietGAP đều thu hoạch. Theo nhiều nông dân, chi phí trong mô hình thấp hơn ngoài mô hình, năng suất cao hơn từ 300-500kg/ha, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận cao hơn từ 3-4 triệu đồng/ha.

Theo bà Nguyễn Thị Diệu Ngân - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Thuận, hợp tác xã sản xuất trên 100ha lúa/vụ theo mô hình ƯDCNC, trong đó có 10ha sản xuất theo quy trình VietGAP và sản xuất theo hướng hữu cơ với các giống lúa: ST24, Nàng Hoa 9, lúa đỏ và lúa tím. Vụ Đông Xuân 2018-2019, sau khi thu hoạch, so với sản xuất truyền thống, sản xuất theo mô hình mang lại hiệu quả cao hơn về kinh tế cũng như bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm lúa gạo sạch”.

Anh Võ Văn Hậu, ngụ xã Vĩnh Thuận, cho biết: “Vụ Đông Xuân vừa qua, gia đình canh tác hơn 3ha theo mô hình ƯDCNC. So với trước khi tham gia mô hình, chi phí đầu tư giảm, năng suất cao hơn, lúa lại dễ bán do có liên kết đầu ra”.

Dù bước đầu mang lại hiệu quả nhưng nhiều nông dân còn e ngại với mô hình sản xuất lúa ƯDCNC. Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Vĩnh Hưng - Huỳnh Văn Lâm, việc ƯDCNC trong sản xuất lúa nghe có vẻ khó nhưng lại rất đơn giản. Nông dân có thể tìm hiểu và tự áp dụng. Áp dụng công nghệ cao là tận dụng những điều kiện có sẵn kết hợp thực hiện theo quy trình "1 phải, 5 giảm"; làm đất bằng phẳng; sạ giống xác nhận, sạ thưa; quản lý nguồn nước hợp lý, tưới nước xen kẽ, rút nước vào cuối vụ; bón phân cân đối theo từng giai đoạn của cây lúa, sử dụng sản phẩm hữu cơ như phân đạm chậm tan để giảm thất thoát; hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, nên sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng và trị các loại sâu, bệnh gây hại lúa; thu hoạch lúa phải đúng, đủ độ chín để bảo đảm chất lượng”.

Theo kế hoạch, đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 20.000ha lúa được sản xuất theo mô hình ƯDCNC, trong đó huyện Vĩnh Hưng là 4.500ha, tập trung tại 6 xã: Vĩnh Trị, Vĩnh Thuận, Vĩnh Bình, Thái Bình Trung, Hưng Điền A và Khánh Hưng. Tuy nhiên, số diện tích này có thể tăng lên nếu nông dân tích cực ƯDCNC trong sản xuất./.

Minh Phương

Chia sẻ bài viết