Giảm chi phí, tăng lợi nhuận
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, sau gần 3 năm triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng vùng sản xuất lúa ƯDCNC 20.000ha trên địa bàn tỉnh đến năm 2020”, bước đầu đạt kết quả khả quan. Nhiều hộ sau khi tham quan, học tập đã cơ giới hóa trong sản xuất, sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học. Qua đó, giúp giảm giá thành và tăng lợi nhuận.
Nhiều mô hình áp dụng phương pháp sạ hàng để giảm chi phí giống
Đến nay, toàn tỉnh xây dựng 62 MH với 13.364ha lúa ƯDCNC (53 MH điểm, diện tích 5.874,5ha), trong đó 100% diện tích sử dụng giống chất lượng cao, đạt chuẩn cấp xác nhận với lượng giống 80-100kg/ha; 689,9ha cơ giới hóa trong sản xuất, sử dụng tia laser để san bằng mặt ruộng; ứng dụng máy phun phân đeo vai, máy phun thuốc tự hành, thu hoạch bằng máy; 500ha sử dụng máy cấy; 100% diện tích thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, cuộn rơm; sử dụng phân hữu cơ vi sinh để giảm phân hóa học, sử dụng chế phẩm nấm xanh quản lý rầy nâu, trồng hoa sinh thái trên bờ ruộng và có ký kết bao tiêu sản phẩm.
MH sản xuất lúa ƯDCNC giúp giảm chi phí sản xuất trung bình từ 2-2,5 triệu đồng/ha và năng suất bình quân tăng 300-500kg/ha, lợi nhuận trong MH cao hơn ngoài MH từ 4-6 triệu đồng/ha. Đặc biệt, đối với MH lúa cấy gắn với tiêu thụ lúa giống lợi nhuận cao hơn ngoài MH từ 6-8 triệu đồng/ha. Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Kiến Tường - Võ Thanh Tòng thông tin: “Vụ Hè Thu 2019, thị xã thực hiện 3 MH sản xuất lúa ƯDCNC với tổng diện tích 149ha, có 56 hộ tham gia tại 3 xã Bình Hiệp, Tuyên Thạnh và Thạnh Hưng. Nhìn chung, các hộ tham gia đều sử dụng giống xác nhận và áp dụng các giải pháp kỹ thuật như “1 phải, 6 giảm”, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất,... Một số hộ còn sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện độ phì của đất, giảm giống trong khâu gieo sạ khoảng 20kg/ha”.
“Thông qua nguồn vốn Dự án VnSAT đã mở trên 360 lớp đào tạo, tập huấn với hơn 9.000 lượt nông dân tham gia, tương đương với khoảng 25.750ha. Sau tập huấn, có 990 hộ (diện tích 2.721ha) áp dụng quy trình sản xuất “3 giảm, 3 tăng”. Ngoài ra, năm 2018, tỉnh hỗ trợ xây dựng thêm 30 hố chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật cho 6 huyện vùng lúa ƯDCNC của tỉnh” - ông Thiện cho biết thêm.
Tiếp tục thực hiện
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Hưng) - Nguyễn Thị Diệu Ngân cho biết: “Năm 2016, HTX được chọn làm điểm để triển khai MH sản xuất lúa ƯDCNC. HTX được đầu tư kho bãi, lò sấy, máy san đất bằng tia laser, máy cày, máy gặt đập liên hợp, máy cuộn rơm. Vụ Hè Thu 2019, HTX tiếp tục thực hiện 50ha lúa ƯDCNC, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Toàn bộ sản phẩm được ký hợp đồng bao tiêu với giá cao hơn thị trường 500-1.000 đồng/kg”.
Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Thuận được đầu tư lò sấy để nâng cao giá trị sản phẩm
Theo anh Lê Phước Đoàn - xã viên HTX Nông nghiệp Vĩnh Thuận, khi tham gia HTX, các khâu sản xuất đều được cơ giới hóa. Giống, vật tư nông nghiệp được HTX liên kết với doanh nghiệp hỗ trợ đến cuối vụ mới thu hồi vốn. Đầu ra được ký hợp đồng trực tiếp với công ty thu mua với giá cao hơn thị trường. Do đó, lợi nhuận tăng thêm từ 4-6 triệu đồng/ha/vụ.
Bên cạnh những kết quả, vẫn còn những khó khăn. Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa - Trần Văn Danh cho biết: “Nhìn chung, doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho sản phẩm của các MH còn hạn chế, đa số đều đăng ký vùng nguyên liệu để được chỉ tiêu xuất khẩu gạo. Mặt khác, doanh nghiệp chỉ chọn cung ứng những khâu mà doanh nghiệp có lợi như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,... còn khâu bao tiêu thì rất ít hoặc có bao tiêu nhưng không ký hợp đồng, thường xuyên thay đổi sản lượng bao tiêu. Ngoài ra, hạ tầng nông thôn chưa bảo đảm cho sản xuất”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin: “Thời gian tới, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nông dân, các tổ hợp tác, HTX và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo ƯDCNC; tăng cường tổ chức hội thảo tổng kết, đánh giá các MH; xem xét hỗ trợ kinh phí để xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng; tiếp tục tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, khuyến khích nông dân sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,... Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất, đưa phương pháp cấy, sạ hàng, sạ thưa vào sản xuất. Đặc biệt đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kêu gọi, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Phấn đấu đến cuối năm 2019, đầu năm 2020, tỉnh sẽ hoàn thành 20.000ha lúa ƯDCNC ở 6 huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười (Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường)”./.
Bùi Tùng